Các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2021. Theo đó, trải qua năm 2021 chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, các ngân hàng vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan trong các chỉ số, trong đó có quy mô tài sản.
BIDV soán ngôi đầu bảng của Agribank
Nhóm "big 4" ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu quy mô tài sản năm 2021. Tổng quy mô tài sản của nhóm "big 4" vượt xa so với ngân hàng xếp ở vị trí thứ 5 là Ngân hàng Quân đội MB. Tuy nhiên, trong nhóm "big 4" cũng có sự xáo trộn.
Cụ thể, xét về quy mô tài sản, đến cuối năm 2021, BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất nhóm với gần 1,762 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Năm 2020, BIDV chỉ xếp vị trí thứ 2 với 1,51 triệu tỷ đồng. Như vậy, sau một năm, tổng tài sản của BIDV đã tăng thêm 245.253 tỷ đồng, giúp BIDV dành lại vị trí đầu bảng. Trước đó, năm 2021, với 1,49 triệu tỷ đồng, BIDV giữ ngôi đầu bảng, theo sau là Agribank với 1,45 triệu tỷ đồng.
Dù bị hạ một bậc nhưng tổng tài sản của Agribank vẫn ở mức cao với 1,68 triệu tỷ đồng, theo báo cáo sơ lược của nhà băng. Theo đó, tổng tài sản của nhà băng này đã tăng 111.873, tương ứng 7,1% so với năm liền trước. Ngân hàng Nông nghiệp đồng thời xếp thứ 2 về số dư nợ cho vay khách hàng với 1,316 triệu tỷ đồng, đến cuối năm 2021, nhưng là ngân hàng dẫn đầu về số dư tiền gửi của khách hàng với trên 1,56 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng nào hút nhiều tiền gửi tiết kiệm nhất năm 2021?
Hai vị trí tiếp theo không có sự thay đổi, tiếp tục là VietinBank và Vietcombank có tổng tài sản lần lượt đạt 1,531 triệu tỷ và 1,415 triệu tỷ đồng, tăng 14% và 6,7% so với cuối năm 2020. Trong nhóm "big 4", Vietcombank là ngân hàng có mức tăng thấp nhất với 6,7%, tương ứng 88.535 tỷ đồng. Dù vậy, đây vẫn là mức tăng trưởng cao về trị giá so với các ngân hàng nhóm tư nhân.
Như vậy, tổng tài sản của nhóm ngân hàng quốc doanh đạt 6,3 triệu tỷ đồng năm 2021 (280 tỷ USD), tăng 635.619 tỷ đồng, tương ứng 11% so với mức 5,7 triệu tỷ đồng năm 2020. Quy mô tài sản của riêng 4 ngân hàng này chiếm tới hơn 57% tổng tài sản của 15 nhà băng dẫn đầu ngành.
Tổng tài sản nhóm ngân hàng tư nhân tăng mạnh
Có tổng tài sản dẫn đầu ngành, nhưng thực tế tỉ lệ tăng trưởng của nhóm ngân hàng quốc doanh lại nằm trong top 5 nhà băng có tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất. Trái lại, nhóm ngân hàng tư nhân lại ghi nhận tăng trưởng mạnh, nhiều nhà băng ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số.
Mức tăng mạnh nhất lên tới 41% so với năm 2021 thuộc về VPBank. Tổng tài sản của VPBank năm 2020 đạt 206.315 tỷ đồng, đến năm 2021 tăng thêm 86.512 tỷ đồng, đạt 292.827 tỷ đồng và đứng ở vị trí 13, giúp VPBank tăng thêm 1 bậc.
Một ngân hàng thuộc nhóm tư nhân có quy mô tài sản tăng mạnh năm 2021 có thể kể đến Techcombank khi tăng tới 32,4% từ mức 429.603 tỷ đồng lên 568.811 tỷ đồng. Với mức tăng tới 139.208 tỷ đồng, Techcombank xếp ở vị trí số 5. Trên Techcombank là MB với mức tăng trưởng 22,6% khi tăng từ 494.982 tỷ đồng lên 607.140 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng tư nhân, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận tỉ lệ tăng trưởng tổng tài sản đạt hai chữ số, chỉ có duy nhất Sacombank tăng trưởng một chữ số với 5,8% so với năm 2020. Theo đó, tài sản của Sacombank chỉ tăng 28.680 tỷ đồng lên 521.196 tỷ đồng, khiến thứ bậc của Sacombank giảm mạnh từ vị trí thứ 6 năm 2020 xuống vị trí thứ 9.
Không có ngân hàng nào trong top 15 ghi nhận quy mô tài sản giảm sút so với năm liền trước. Các ngân hàng còn lại đều ghi nhận tăng trưởng hai chữ số như VPBank tăng 30,6% lên 547.626 tỷ đồng; VIB tăng 26,5% lên 309.517 tỷ đồng; SHB tăng 22,7% lên 506.556 tỷ đồng; LienVietPostBank tăng 19,3% lên 289.194 tỷ đồng; SeABank tăng 17,4% lên 211.664 tỷ đồng; HDBank tăng 17,3% lên 374.612 tỷ đồng.
Tổng tài sản của 15 nhà băng dẫn đầu ngành tính đến hết năm 2021 đạt 11,1 triệu tỷ đồng, tương ứng 490 tỷ USD. Con số này tăng 1,5 triệu tỷ đồng so với năm 2020, tương ứng tăng 15,6%.