Iceland giáp với Vòng Bắc Cực và là quốc gia có vĩ độ cao nhất ở Châu Âu (tính theo thủ đô). Đây cũng là quốc gia Châu Âu nằm ở vị trí địa lý xa nhất so với lục địa Châu Âu, tạo cho người ta cảm giác đơn độc và biệt lập với thế giới.
Tuy nhiên, quốc đảo này từ năm 1958 - 1976, chỉ trong vòng 18 năm đã 3 lần xung đột với Anh - lý do của cuộc chiến là vì loài cá tuyết. Mặc dù có trang thiết bị quân sự lạc hậu và không có quân chính quy nhưng Iceland đã thực sự đánh bại Anh trong cả 3 lần diễn ra chiến tranh.
Vậy làm thế nào mà cá tuyết lại trở thành ngòi nổ cho cuộc chiến giữa Iceland và Anh? Iceland đã "hạ gục" Vương quốc Anh như thế nào?
Mặc dù ngày nay Iceland là một quốc đảo độc lập, nhưng từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20 Iceland là một phần lãnh thổ của Đan Mạch. Xung đột giữa Iceland và Vương quốc Anh về cá tuyết có thể bắt nguồn từ thời điểm Đan Mạch chiếm đóng Iceland.
Kể từ khi Đế chế La Mã phương Tây sụp đổ vào thế kỷ thứ 5, Châu Âu đã bước vào thời kỳ trung cổ. Nhà thờ Công giáo La Mã kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống Châu Âu. Tòa thánh thậm chí còn ra quy định nghiêm ngặt về việc ăn thịt - trong một năm sẽ có gần sáu tháng không được phép ăn thịt.
Nhưng cá không được coi là thịt, vì vậy cá trở thành thực phẩm thay thế cho thịt. Đặc biệt, cá tuyết lại là loài được người Châu Âu cực kỳ ưa chuộng.
Những người Viking sống ở Bắc Âu đã thường xuyên đánh bắt cá ở Bắc Đại Tây Dương kể từ thế kỷ thứ 8 sau Công Nguyên. Và sau đó họ liên tiếp thành lập ba quốc gia: Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy. Người Na Uy là những người Châu Âu đầu tiên đến Iceland vào năm 874 sau Công Nguyên. Năm 995 sau Công nguyên, Na Uy tuyên bố chiếm đóng Iceland.
Tuy nhiên, trong số ba quốc gia của người Viking, Đan Mạch lại là nước Viking mạnh nhất, và Na Uy là nước Viking yếu nhất. Vào thế kỷ 14, dưới sự hợp nhất của Nữ hoàng Margrethe của Đan Mạch, Đan Mạch cùng với Na Uy và Thụy Điển thành lập Liên minh Kalmar, chống lại Liên đoàn Đức-Hanseatic trên lục địa Châu Âu.
Sau khi đánh bại Liên đoàn Hanseatic, Thụy Điển cảm thấy không hài lòng với sự dẫn dắt của Đan Mạch nên đã rút khỏi Liên minh vào năm 1523. Để ngăn chặn Na Uy bắt chước Thụy Điển, Đan Mạch đã biến Na Uy thành một tỉnh của mình và Na Uy mất quy chế chủ quyền.
Với việc Na Uy mất chủ quyền, các vùng đất do Na Uy chiếm đóng cũng sẽ do Đan Mạch thống trị. Và lúc này, chủ quyền của Iceland được chuyển từ Na Uy cho Đan Mạch.
Nguồn tài nguyên cá tuyết dồi dào gần Iceland không chỉ mang lại khối tài sản khổng lồ cho Đan Mạch mà còn thu hút sự chú ý của Vương quốc Anh. Vì lúc đó chưa có định nghĩa rõ ràng về lãnh hải. Các tàu đánh cá của Anh đã hướng đến Iceland với số lượng lớn để đánh bắt cá tuyết. Do đó, xung đột giữa Anh và Đan Mạch cũng dần được hình thành và ngày càng gay gắt.
Đến thế kỷ 17, Anh đã đánh bại Hà Lan qua ba cuộc Chiến tranh Anh-Hà Lan và thiết lập vị thế tối cao về hàng hải của mình. Ngược lại, Đan Mạch mất quyền bá chủ với Thụy Điển và mất dần quyền bá chủ Bắc Âu. Với sự trỗi dậy của Anh và sự suy tàn của Đan Mạch, Đan Mạch ngày càng bất lực trước việc các tàu đánh cá của Anh tiến vào vùng biển xung quanh Iceland để đánh cá.
Vào thế kỷ 19, với sự tiến bộ của cuộc Cách mạng Công nghiệp, việc phát minh và sử dụng tàu hơi nước, công nghệ làm lạnh, số lượng tàu của Anh đánh bắt ở vùng biển gần Iceland tiếp tục tăng lên. Việc đánh bắt cá tuyết ồ ạt đã dẫn đến một cuộc cách mạng về thực phẩm ở Anh. Cá và khoai tây chiên trở thành thực phẩm quốc gia của Vương quốc Anh, và đây cũng chính là biểu hiện của sự gia tăng số lượng cá tuyết trên thị trường.
Năm 1893, để bảo vệ nguồn dự trữ cá tuyết, Đan Mạch đã công bố giới hạn đánh bắt là 50 hải lý ngoài khơi bờ biển Iceland. Động thái này gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Vương quốc Anh, trong hai năm 1896 và 1897, nước này đã nhiều lần đưa hải quân tới Iceland để buộc Đan Mạch phải phục tùng.
Năm 1901, trước sự đe dọa vũ lực của Anh, Đan Mạch phải ký một hiệp định với Vương quốc Anh, trong đó quy định giới hạn lãnh hải 3 hải lý. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, với sự hoàn thiện của luật pháp quốc tế, giới hạn lãnh hải 3 hải lý mà Vương quốc Anh và Đan Mạch ký kết đã trở thành một sự đồng thuận quốc tế.
Kể từ đó, vùng nước khoảng 50 hải lý xung quanh Iceland đã trở thành vùng biển quan trọng đối với hoạt động đánh bắt cá tuyết của Anh. Từ năm 1919 đến năm 1938, người Anh đánh bắt ở vùng biển xung quanh Iceland nhiều gấp đôi so với các vùng biển khác.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã tạo cơ hội cho Iceland giành độc lập, Iceland tách khỏi Đan Mạch và trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền. Sau khi độc lập, dân số Iceland chỉ có 150.000 người và nền quốc phòng lúc này vô cùng yếu kém, do đó, để có thể bảo vệ được mình, Iceland đã gia nhập khối NATO.
Sau khi Iceland ly khai khỏi Đan Mạch, nước này gặp khó khăn về phát triển kinh tế. Hầu như toàn bộ Iceland là sông băng và lãnh nguyên, thiếu đất nông nghiệp và không có hệ thống công nghiệp phát triển như Đan Mạch. Điều duy nhất có thể dựa vào là ngành đánh bắt cá tuyết - được coi như huyết mạch kinh tế của người Iceland.
Do đó, Iceland hy vọng sẽ phát triển kinh tế thông qua việc đánh bắt, chế biến và xuất khẩu cá tuyết.
Nhưng tài nguyên cá tuyết xung quanh vùng biển Iceland không chỉ dành riêng cho Iceland. Theo một thỏa thuận được ký kết giữa Đan Mạch và Vương quốc Anh, lãnh hải của Iceland là 3 hải lý, và khi vượt qua phạm vi đó, sẽ có tàu thuyền của các nước khác cùng đánh bắt. Tuy nhiên, so với các nước Châu Âu, thiết bị tàu đánh cá của Iceland còn lạc hậu, số lượng đánh bắt thua xa các nước khác.
Và với việc đánh bắt quá mức cá tuyết Đại Tây Dương, quần thể cá tuyết đã giảm đi đáng kể. Năm 1948, Iceland ban hành Đạo luật Hạn chế Nghề cá nhằm hạn chế việc đánh bắt quá mức cá tuyết trong vùng lãnh hải của mình do sự xuất hiện của số lượng lớn tàu nước ngoài và sự suy giảm nguồn đánh bắt.
Tuy nhiên điều này cũng chẳng giải quyết được gì với vùng lãnh hải quá nhỏ bé. Năm 1949, Iceland bắt đầu đàm phán với Vương quốc Anh, với hy vọng xóa bỏ giới hạn lãnh hải 3 hải lý mà Đan Mạch và Vương quốc Anh đã ký kết trước đó.
Yêu cầu mở rộng lãnh hải của Iceland sau đó đã giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Năm 1949, Na Uy đề nghị mở rộng lãnh hải của mình từ 3 đến 4 hải lý, theo đó Vương quốc Anh và Na Uy đã đưa vụ tranh chấp lên Tòa án Công lý Quốc tế.
Năm 1951, Tòa án Công lý Quốc tế chấp nhận yêu cầu của Na Uy. Năm 1952, Iceland tuyên bố viện dẫn quy định này để mở rộng lãnh hải của mình lên 4 hải lý. Để trả đũa Iceland, Vương quốc Anh đã ban hành sắc lệnh hạn chế nhập khẩu các sản phẩm cá tuyết của Iceland.
Động thái này đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Iceland, vì Anh là thị trường xuất khẩu chính của Iceland thời điểm đó.
Tuy nhiên, xung đột giữa Anh và Iceland đã tạo cơ hội cho Liên Xô. Với việc nâng cấp cơ cấu ngành thủy sản của Iceland, tăng cường đa dạng hóa xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào Vương quốc Anh, Liên Xô đã trở thành một nước xuất khẩu quan trọng các sản phẩm cá tuyết của Iceland.
Từ năm 1953 đến năm 1955, Iceland đã xuất khẩu 35.000 tấn cá tuyết đông lạnh sang Liên Xô để đổi lấy các nguồn tài nguyên cơ bản như dầu mỏ và xi măng từ Liên Xô.
Sự xâm nhập của Liên Xô tại Iceland đã gây ra sự hoảng sợ ở phương Tây - Iceland nằm ở vị trí chiến lược từ Đại Tây Dương đến Bắc Băng Dương, để tránh Iceland rơi vào vòng tay của Liên Xô, Mỹ đã can thiệp vào cuộc tranh chấp của Iceland. Năm 1956, Vương quốc Anh miễn cưỡng công nhận yêu sách lãnh hải 4 hải lý của Iceland.
Tuy nhiên, việc mở rộng từ 3 hải lý lên 4 hải lý thực tế là không đủ đối với Iceland. Tháng 5 năm 1958, Iceland tuyên bố mở rộng lãnh hải từ 4 hải lý lên 12 hải lý, đồng thời yêu cầu các tàu nước ngoài rời Iceland trước ngày 30 tháng 8 cùng năm. Lúc này Iceland và Liên Xô đã có quan hệ kinh tế mật thiết, nên các nước Tây Âu đều rời khỏi vùng biển 12 hải lý mà Iceland yêu cầu. Và cũng chính lúc này, cuộc chiến cá tuyết giữa hai nước sắp bắt đầu.
Ngày 1 tháng 9 năm 1958, trước sức ép của Liên minh Ngư dân Anh, Hải quân Anh cử 37 tàu hộ tống các tàu cá Anh đến vùng biển gần Iceland, và Chiến tranh cá tuyết lần thứ nhất nổ ra.
Iceland, với dân số dưới 200.000 người vào thời điểm đó, chỉ có bảy tàu tuần tra pháo binh cỡ nhỏ và một thủy phi cơ. Nhưng ngay cả khi thực lực không phải là đối thủ "nặng ký" với Vương quốc Anh, Iceland vẫn chọn cách chống trả cứng rắn.
Xét về thực lực tuyệt đối, Anh được đánh giá mạnh hơn rất nhiều so với Iceland. Để ngăn chặn quân Anh mở rộng chiến tranh, Iceland chỉ bắn vào tàu và ngư lưới cụ để tránh làm thủy thủ đoàn Anh bị thương. Theo đó, Anh bị mất cảnh giác trước cuộc pháo kích của Iceland, và hoạt động đánh bắt cá đã bị dừng lại.
Mặc dù Vương quốc Anh sở hữu sức mạnh Iceland, nhưng thực tế, họ không muốn mở rộng chiến tranh. Đồng thời, Mỹ cũng lo ngại rằng chiến tranh mở rộng sẽ khiến Iceland phải nhờ Liên Xô giúp đỡ nên đã ra sức thuyết phục hai nước làm hòa. Theo đó, hai quốc gia đã trở lại bàn đàm phán.
Sau nhiều vòng đàm phán, vào năm 1961, Vương quốc Anh chấp nhận quy chế vùng lãnh hải 12 hải lý mới của Iceland. Quy định vùng lãnh hải 12 hải lý mới sau đó cũng đã trở thành một sự đồng thuận quốc tế. Đổi lại, Iceland cho phép các tàu của Anh đánh bắt cá tuyết trong phạm vi 6-12 hải lý trong vùng biển Iceland với thời gian ba năm tới, nhưng sản lượng khai thác bị hạn chế nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bùng nổ dân số và sự phát triển của công nghệ đánh bắt trong những năm 1960 và 1970, nguồn lợi thủy sản của Đại Tây Dương đã bị đánh bắt quá mức. Năm 1971, Iceland tuyên bố mở rộng lệnh cấm đánh bắt cá lên 50 hải lý. Vương quốc Anh một lần nữa cử bảy tàu chiến tiến vào vùng biển 50 hải lý mà Iceland yêu cầu, và chiến tranh cá tuyết lần thứ hai đã nổ ra.
Lần này Iceland vẫn sử dụng phương pháp tấn công cũ. Tuy nhiên, trước sự uy hiếp của tàu chiến Anh, Iceland vẫn cương quyết không nhượng bộ, thậm chí còn đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Vương quốc Anh và ly khai khỏi NATO để buộc Vương quốc Anh phải lùi bước.
Xung đột lại một lần nữa gây ra sự bất an tại Hoa Kỳ và Cộng đồng Châu Âu (EU). Cuối cùng, dưới sự điều phối của NATO và Hội đồng An ninh Châu Âu do Cộng đồng Châu Âu đứng đầu, vào tháng 11 năm 1973, Vương quốc Anh đã đồng ý rút khỏi khu vực hạn chế đánh bắt 50 hải lý của Iceland.
Ngược lại, Iceland trao cho các tàu đánh cá của Anh quyền đi vào khu vực hạn chế vùng biển để đánh bắt cá tuyết, nhưng số lượng tàu đánh cá và trọng tải bị hạn chế.
Trong những năm 1970, với sự độc lập của Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, các nước thuộc thế giới thứ ba đã trở thành một lực lượng quan trọng trong cộng đồng quốc tế. Năm 1975, các nước thế giới thứ ba đưa ra khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý để bảo vệ các quyền hàng hải của họ.
Iceland đã lợi dụng "làn sóng" này để mở rộng vùng cấm đánh cá 50 hải lý cách đây 2 năm lên 200 hải lý. Tháng 12 năm 1975, Vương quốc Anh lại cử tàu chiến hộ tống và đâm vào tàu tuần tra của Iceland, Iceland đáp trả bằng cách đâm trực diện vào tàu đánh cá của Anh, và chiến tranh cá tuyết lần thứ ba nổ ra. Trong năm tháng tiếp theo, đã có 55 cuộc xung đột xảy ra giữa Anh và Iceland.
Lần này Iceland quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và rút khỏi NATO để buộc Mỹ phải ra mặt. Trên thực tế, Iceland tuy nhỏ bé nhưng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Mỹ. Do đó, Hoa Kỳ một lần nữa gây sức ép lên Vương quốc Anh.
Vào tháng 5 năm 1976, Vương quốc Anh công nhận vùng cấm đánh cá 200 hải lý của Iceland. Sau gần 20 năm đấu tranh, người Iceland cuối cùng đã thành công trong công cuộc lấy trứng chọi đá và kiểm soát được nguồn tài nguyên cá tuyết trong tay của mình.
Trong những năm 1970, một nửa dự trữ ngoại hối của Iceland được tạo ra từ việc xuất khẩu hải sản như cá tuyết. Thông qua lợi nhuận kinh tế do xuất khẩu thủy sản mang lại và sự phát triển của các ngành công nghiệp cấp ba như tài chính và du lịch, Iceland đã hoàn thành quá trình chuyển đổi kinh tế chỉ trong hơn 30 năm và trở thành một trong những quốc gia giàu có trên thế giới.
Sau khi hai nước chấm dứt tranh chấp, quan hệ hai nước ngày càng được khôi phục và phát triển. Năm 1990, Nữ hoàng Anh có chuyến thăm cấp nhà nước tới Iceland.
Tuy nhiên, do cường độ thấp và quy mô nhỏ nên chiến tranh cá tuyết không thể được gọi là cuộc chiến thực sự khi so với các cuộc chiến tranh sau Thế chiến thứ hai hay Chiến tranh Falklands giữa Anh và Argentina.
Đức Khương
Pháp luật và bạn đọc