Đà giảm trên cả hai thị trường trái phiếu và cổ phiếu đang khiến cho không ít nhà đầu tư chuyển hướng sang các sản phẩm phòng hộ, ví dụ như hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, các trái phiếu chuyển đổi hoặc thậm chí là tiền mặt, với mong muốn tìm kiếm nơi ẩn náu an toàn trong bối cảnh xuất hiện không ít bất ổn trên thị trường trong khoảng thời gian gần đây.
Giá chứng chỉ quỹ iShares iBoxx $ Investment Grade Corporate Bond ETF của BlackRock giảm gần 7% xuống thấp nhất kể từ tháng 4/2020, khi kỳ vọng về các đợt tăng lãi suất và tình hình lạm phát kéo dài đã kéo tụt sức hấp dẫn của nhiều loại trái phiếu nói riêng và các sản phẩm mang lại thu nhập cố định nói chung.
Sự sụt giảm trên thị trường trái phiếu diễn ra đồng thời với đà lao dốc của các chỉ số chứng khoán chính, vốn cũng đang bị ảnh hưởng từ tâm lý lo lắng liên quan tới quá trình siết chính sách của Fed. Chỉ số S&P 500 giảm tới 7,3% và chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm tới 11%.
Sự giảm điểm của cả hai thị trường như một “cái tát” giáng vào một chiến lược đầu tư đã tồn tại trong suốt nhiều thập kỷ qua, vốn phụ thuộc vào chiến lược đầu tư hỗn hợp giữa trái phiếu và cổ phiếu nhằm chống lại sự sụt giảm thanh khoản trên thị trường vì khi đó giá trái phiếu thường tăng cao hơn trong giai đoạn thị trường chứng khoán gặp khó.
“Tình hình hiện tại tương đối khó khăn khi có rất ít chỗ ẩn náu”, theo Jordan Kahn, chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư tại ACM Funds, có trụ sở tại Los Angeles, bang California.
Nhân viên môi giới tại sàn NYSE, New York, Mỹ, ngày 19/3/2020. Ảnh: Reuters.
Quá trình tìm kiếm các sản phẩm phòng hộ được đẩy mạnh trong bối cảnh tâm lý lo ngại về sự bất ổn trên các thị trường tài sản ngày một tăng cao, bởi không ít người dự báo về mức tăng lãi suất có thể lên 1,5% - 1,75% trong năm tới sẽ khiến cho lãi suất trái phiếu tăng cao và giảm giá trị của thị trường chứng khoán.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 50 điểm cơ bản tính từ đầu năm 2022, lên cao nhất kể từ tháng 8/2019. Và giá trái phiếu biến động ngược chiều lợi suất.
“Việc tâm lý lo ngại bất ổn ngày một lan rộng khiến cho một số sản phẩm, vốn ít được quan tâm trong vài năm qua, bỗng nhận về nhiều hơn sự chú ý từ các nhà đầu tư”, theo Alfonso Peccatiello, cựu giám đốc danh mục đầu tư đồng thời là tác giả của nhiều bài báo viết về chủ đề tài chính.
Đối với một số nhà đầu tư, việc dự đoán về sự sụt giá tài sản chính là nguyên nhân khởi nguồn cho sự quan tâm đổ dồn vào hình thức hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, vốn được sử dụng nhằm chống lại rủi ro vỡ nợ doanh nghiệp.
Chỉ số Markit CDX North American Investment Grade, được dùng để đo lường rủi ro tín dụng, đã tăng từ 0,17% lên 0,64% trong năm nay, mức cao nhất kể từ tháng 9/2020.
Matt Smith, giám đốc đầu tư tại Ruffer Investment Management, cho biết ông không có bất cứ một khoản tín dụng doanh nghiệp nào trong danh mục đầu tư của mình, nhưng lại sở hữu "tương đối nhiều” các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng.
"Tín dụng… tương đối dễ bị tổn thương trong bối cảnh lãi suất tăng hoặc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách. Đối với chúng tôi, nó là thứ tồi tệ nhất trong tất cả", ông chia sẻ.
Michael Miller, chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư tại Wellesley Asset Management, công ty chuyên về trái phiếu chuyển đổi, cho biết nhu cầu đối với những công cụ đầu tư tương tự đang tăng dần.
Miller cho biết trong 50 năm qua, những công cụ đầu tư đó luôn mang lại mức lợi nhuận cao hơn so với các loại hình tài sản khác ví dụ như chứng khoán Mỹ hoặc các công cụ thu nhập cố định truyền thống trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
"Loại hình tài sản bị quên lãng này đột nhiên lại thu hút được sự quan tâm", ông nói.
SPDR Bloomberg Convertible Securities ETF, quỹ đầu tư hoán đổi danh mục chuyên về thị trường cổ phiếu chuyển đổi Mỹ, đã tăng trưởng 0,3% trong tháng này.
Kahn, tới từ ACM Funds, từ cuối năm ngoái đã chuyển hướng sang một ETF hoạt động ngược chiều đối với trái phiếu chính phủ nhằm đề phòng trường hợp lãi suất tăng.
Ông cũng lựa chọn một chiến lược truyền thống trong tình hình bất ổn: Tiền mặt. Sự cân bằng tiền mặt trong danh mục đầu tư của ông hiện tại đang ở ngưỡng cao nhất kể từ tháng 3/2020, khi đại dịch bắt đầu ảnh hưởng tới các thị trường.
“Hiện tại, tôi cho rằng chúng ta đang ở một tình cảnh mà việc đảm bảo nguồn vốn còn quan trọng hơn là tìm kiếm lợi nhuận", ông chia sẻ.
Xem thêm: nhc.38495705102202202-gnourt-iht-nert-na-urt-ed-ion-ti-noc-ut-uad-ahn-hcit-nahp-ioig/nv.fefac