Hàng trăm nghìn học sinh miền núi phía Bắc có thể nghỉ học ngày mai để tránh rét dưới 5 độ C - Ảnh: NAM TRẦN
Theo bản tin lúc 15h30 chiều 20-2 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ nay đến ngày 22-2 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 7 - 10 độ C, vùng núi 2 - 5 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và khả năng cao xảy ra băng giá, mưa tuyết.
Khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế trời rét với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 12 - 15 độ C, riêng phía Bắc trời rét đậm, có nơi rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 9 - 11 độ C.
Như vậy, ngày mai (21-2), học sinh ở các địa phương vùng núi Bắc Bộ có thể được nghỉ học để tránh rét.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 20-2, bà Dương Bích Nguyệt - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai - cho biết sở đã chỉ đạo các trường theo dõi các bản tin thời tiết căn cứ vào điều kiện thực tế của từng trường, diễn biến thời tiết thực tế ở từng vùng để xem xét cho học sinh nghỉ học theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Ông Nguyễn Trường Chinh - trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai - cho biết trước tình hình thời tiết mưa rét dưới 5 độ C và diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn, đơn vị đang tham mưu UBND thị xã quyết định việc cho học sinh một số trường nghỉ học. Đối với các trường còn lại, chủ trương của thị xã là vẫn tổ chức học tập bình thường.
Ông Bế Trọng Đoàn - chánh văn phòng Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lạng Sơn - cho biết sở đã yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học, trung tâm... trên toàn tỉnh theo dõi các bản tin thời tiết, căn cứ vào điều kiện thực tế của từng trường, diễn biến thời tiết thực tế ở từng vùng để xem xét cho học sinh nghỉ học.
"Toàn tỉnh Lạng Sơn có hơn 200.000 học sinh các cấp. Học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ đối với cấp học mầm non, tiểu học và dưới 7 độ đối với cấp trung học cơ sở.
Các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tùy vào điều kiện, bố trí cho học sinh nghỉ học khi thời tiết dưới 6 độ C", ông Đoàn thông tin và cho biết ngày 21-2 khả năng nhiệt độ nhiều nơi trong tỉnh xuống dưới 10 độ C, khi đó nhiều trường sẽ phải cho học sinh nghỉ học để tránh rét.
Ông Vũ Văn Dương - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Cao Bằng - cho hay sở này đã có văn bản hướng dẫn các trường trên địa bàn tỉnh theo dõi tình hình thời tiết trong sáng 21-2 để quyết định việc cho học sinh nghỉ học theo quy định.
Băng giá bao phủ trắng xóa đỉnh núi Phja Oắc, tỉnh Cao Bằng sáng 20-2 - Ảnh: HÀ CƯƠNG
Tại một số xã vùng cao của huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) sáng 20-2 đã xảy ra tình trạng rét đậm, rét hại, nhất là khu vực các xã biên giới xuất hiện băng giá. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ dưới 5 độ C, vào ban đêm nhiệt độ xuống thấp dưới 0 độ C, băng giá và sương muối xuất hiện.
Ông Hà Đình Phong - trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đồng Văn - cho biết trước dự báo ngày 21-2, nhiệt độ trên địa bàn vẫn dưới 5 độ C, huyện đã quyết định cho hơn 20.000 học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nghỉ học.
"Trước mắt chúng tôi cho học sinh nghỉ học ngày mai, nếu thời tiết rét, nhiệt độ thấp vẫn còn duy trì thì chúng tôi sẽ tiếp tục cho học sinh nghỉ học theo quy định để đảm bảo sức khỏe cho các em", ông Phong nói.
Ông Bùi Văn Thư - trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Mèo Vạc - cho biết toàn huyện có 56 trường học, với trên 26.000 học sinh. Đơn vị đã yêu cầu các cơ sở giáo dục cần thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết. Các trường ở nơi có nhiệt độ xuống thấp chủ động cho học sinh nghỉ học và tổ chức dạy học khi thời tiết ấm trở lại.
"Các trường học có học sinh bán trú phải thường xuyên kiểm tra phòng ở của học sinh, có biện pháp chống gió lùa. Đối với các phòng ở của học sinh tại các điểm trường, phòng yêu cầu các trường phải đảm bảo đủ ấm. Các trường có học sinh bán trú phải bảo đảm các em ăn đủ no, đủ chất, uống nước ấm để đảm bảo sức khỏe", ông Thư thông tin.
TTO - Trong đêm 19 rạng sáng 20-2, tại các vùng núi cao như Phja Oắc (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, băng giá bắt đầu bao phủ trắng xóa đỉnh núi.