vĐồng tin tức tài chính 365

'Sao đổi ngôi' với các công ty chứng khoán nhóm dưới

2022-02-21 07:00

Thương vụ trở lại với lĩnh vực chứng khoán của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang thu hút sự chú ý. Chưa tới hai tháng sau khi lộ diện, VPBank Securities chuẩn bị tăng vốn lên gần 9.000 tỷ đồng, chen chân vào nhóm các công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất thị trường. Với mức vốn này, công ty chứng khoán của VPBank chỉ đứng sau SSI, trên cả VPS - công ty từng thuộc VPBank nhưng đã thoái vốn cách đây hơn 5 năm.

Sự trở lại của ASCS với lực đỡ của VPBank nối dài thêm danh sách các công ty chứng khoán nhóm dưới được "hồi sinh".

Cuối năm trước, Chứng khoán Sen Vàng cũng ghi tên vào danh sách này với sự xuất hiện của những nhân sự liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, sau khi các cổ đông lớn rút lui. Đầu năm 2021, Công ty Chứng khoán Việt Nam Gateway trở thành cái tên mới trong hệ sinh thái tài chính của Sunshine Group, đổi tên thành KS Securities.

Những diễn biến này góp thêm màu sắc vào bức tranh của ngành chứng khoán, khi nhóm đầu cạnh tranh quyết liệt để lấy thị phần, còn nhóm dưới là những "con sóng" ngầm về chuyển giao sở hữu.

Tuy nhiên, hai phần của bức tranh này có thể không "va" vào nhau, ít nhất trong ngắn hạn, bởi toan tính của những bên tham gia. Các công ty chứng khoán khi trở thành cánh tay nối dài của doanh nghiệp bất động sản hay ngân hàng sẽ hiện thực hóa những mục tiêu mang tính riêng biệt, hơn là nhắm vào việc cạnh tranh thị phần, vốn là cuộc chạy đua tốn kém.

Sự thay đổi của KS Securities là một ví dụ. Sau gần một năm "đổi chủ", quy mô vốn điều lệ của họ tăng lên gần 10 lần, đạt hơn 1.000 tỷ đồng tính tới cuối năm 2021. Kết quả kinh doanh của công ty này cũng vượt xa thời điểm trước khi về tay Sunshine Group. Năm trước, tổng doanh thu hoạt động của KS Securities đạt hơn 600 tỷ đồng, so với mức 8 tỷ của năm 2020. Lãi ròng thu về gần 283 tỷ, so với mức lỗ gần 1,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu đi sâu vào cấu trúc tài sản và hoạt động của KS Securities, kết quả này gắn chặt với hệ sinh thái của Sunshine Group, hơn là việc mở rộng thị trường bên ngoài.

Phần lớn vốn điều lệ tăng thêm của KS Securities trong năm 2021, gần 900 tỷ đồng, được dùng để đầu tư vào trái phiếu và các loại giấy tờ có giá khác. Đến cuối năm, khoản mục này đạt hơn 850 tỷ đồng, chiếm hơn 90% danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) và tương đương hơn 55% tổng tài sản của công ty.

Đối chiếu giá trị tăng thêm này với cấu trúc doanh thu và các khoản phải thu, có thể khoản đầu tư của KS Securities chỉ xoay quanh hệ sinh thái Sunshine Group, công ty mẹ của KS Securities. Thực tế, tập đoàn bất động sản này và các công ty thành viên cũng là cái tên tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi liên tục huy động vốn trong năm vừa qua.

Tương tự Sunshine Group và KS Securities, sự xuất hiện của Tân Hoàng Minh tại Chứng khoán Sen Vàng cũng có thể là một bước đi tương tự. Kênh trái phiếu đang trở thành nguồn huy động vốn quan trọng, và với sự hỗ trợ của công ty chứng khoán, việc xử lý các thương vụ sẽ chủ động hơn, đồng thời hoàn thiện hệ sinh thái về tài chính.

Năm ngoái, Công ty Bất động sản Ngôi sao Việt, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh tham gia vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, đã huy động 2.700 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.

Trong khi đó, sự trở lại của VPBank với mảng chứng khoán có thể cho những mục tiêu khác.

"Việc có thêm công ty chứng khoán sẽ giúp VPBank mở rộng dịch vụ, không nhằm cạnh tranh thị phần, số lượng", ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank nói trong buổi gặp các chuyên gia phân tích tuần trước.

Lời khẳng định này của CEO VPBank phần nào tiết lộ toan tính của nhà băng này trong mảng kinh doanh vốn không phải mới. VPBank từng là cổ đông lớn nhất của Công ty chứng khoán VPS, công ty đang đứng đầu thị phần môi giới hiện nay. Tuy nhiên, năm 2016, VPBank đã thoái phần vốn khỏi đơn vị này, không còn tham gia mảng chứng khoán.

Với sự trở lại lần này, hướng phát triển mà nhà băng này tập trung là tư vấn phát hành, đầu tư trái phiếu, chứng chỉ quỹ, tư vấn đầu tư, quản lý tiền tệ... "5 năm trước, VPBank thoái vốn khỏi VPS là quyết định hợp lý tại thời điểm đó. Tôi tin rằng việc mua lại công ty chứng khoán và phát triển sẽ là động lực tăng trưởng giai đoạn tới cho VPBank", ông Vinh nhận mạnh.

Vậy hướng đi nào là phù hợp? Nếu để chọn một mô hình, Techcombank (TCB) - "đối thủ" với VPBank trên bảng xếp hạng lợi nhuận ngành ngân hàng - có thể là cái tên phù hợp. Năm ngoái, TCBS ghi nhận gần 5.200 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giữ quán quân về lợi nhuận trong nhóm các công ty chứng khoán với lãi ròng hơn 3.000 tỷ đồng. Con số lợi nhuận của TCBS vượt SSI, VNDirect và gấp đôi VCSC.

Tuy nhiên, khác với những công ty trong top đầu về lợi nhuận, thế mạnh của TCBS là mảng trái phiếu, gần đây mới mở rộng sang môi giới, với hoạt động hướng tới sự hỗ trợ cho nhóm khách hàng liên quan tới Techcombank, bao gồm cả các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Nếu nhìn từ cấu trúc khách hàng của VPBank, cũng như định hướng mở rộng mảng kinh doanh, nhà băng này có nhiều dư địa để đi theo mô hình này.

Ở nhóm doanh nghiệp, lãnh đạo VPBank từng nhắc tới việc mở rộng sang nhóm khách hàng bất động sản, những doanh nghiệp quy mô lớn, để hoàn thiện cấu trúc khách hàng, vốn đang lệch về phía quy mô vừa và nhỏ. Trong khi đó, với khách hàng cá nhân, mục tiêu gia tăng số lượng khách hàng cao cấp sẽ trở nên dễ hơn nếu có một hệ sinh thái sản phẩm đầu tư phù hợp. Điều này cũng sẽ thúc đẩy mục tiêu tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), vốn là một trong những điểm yếu của VPBank.

Minh Sơn

Xem thêm: lmth.7119244-ioud-mohn-naohk-gnuhc-yt-gnoc-cac-iov-iogn-iod-oas/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Sao đổi ngôi' với các công ty chứng khoán nhóm dưới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools