Chi phí vận chuyển đẩy giá nguyên liệu gỗ “phi mã”
Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu mét khối gỗ tròn và gỗ xẻ (sau đây được gọi là gỗ nguyên liệu) để chế biến ra các sản phẩm gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các loài gỗ ôn đới chiếm 60-70% trong tổng lượng nhập khẩu, với Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Âu, Canada, Úc là các nguồn cung lớn nhất. Phần nhập khẩu còn lại (30-40%) lại là gỗ nhiệt đới, chủ yếu có nguồn gốc từ các nước Châu Phi, Lào, Campuchia, Papua New Guinea và một số quốc gia khác.
Gỗ nguyên liệu là một trong những cấu thành quan trọng nhất trong mỗi sản phẩm, với giá trị chiếm khoảng 50% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Tỉ trọng này tăng kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xảy ra, nguyên nhân là bởi đại dịch làm tăng giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu và tăng cước vận chuyển. Với chi phí vận chuyển ở mức vẫn rất cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự báo giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu có sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu.
Đại dịch COVID-19 xảy ra là đứt gãy chuỗi cung, gây ra tình trạng khan hiếm container rỗng. Điều này làm chi phí vận chuyển đường biển quốc tế tăng phi mã. Dựa trên thông tin về chỉ số giá cước vận tải toàn cầu Drewry World Container, TS Tô Xuân Phúc đưa ra con số đáng giật mình: Mức cước tăng đối với 1 container 40 feet từ khoảng dưới 1.500USD vào tháng 7.2019 lên tới gần 8.500USD vào tháng 7.2021, tăng gần 6 lần.
Bên cạnh giá cước vận chuyển tăng, đại dịch với các hoạt động giãn cách cũng tạo ra sự khan hiếm nguồn cung gỗ tại một số quốc gia cung gỗ chính cho Việt Nam, đặc biệt là đối với các nguồn cung rủi ro thấp như Mỹ và các nước Châu Âu.
Giá cước vận chuyển và giá gỗ tăng làm cho ngành gỗ Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Mặc khác, do thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài hơn 4-5 lần so với trước thời điểm dịch. Điều này làm nhiều doanh nghiệp không chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, bị ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch giao hàng.
Thiếu nguyên liệu nhưng không thể tiếp cận nguồn đất để trồng rừng
Theo khảo sát của nhóm chuyên gia Forest Trends, hiện nay, nhiều nhà cung cấp đang chào gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam với mức giá tăng vọt. Một công ty chuyên làm đồ ngoài trời tại Quy Nhơn cho biết, hiện đang có doanh nghiệp chào gỗ nhập khẩu với mức giá 215 USD/m3 gỗ bạch đàn xẻ, trong khi mức giá cao nhất trước đó mà công ty mua chỉ là 172-175 USD/m3. Một doanh nghiệp khác cũng cho biết, có những lô gỗ bạch đàn nhập về cảng giá đã lên tới 300 USD/m3, mức cao nhất trong lịch sử.
"Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu cao trong khi giá sản phẩm đầu ra không đổi làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh. Giá gỗ nhập khẩu cùng với cước phí vận chuyển tăng cao làm lợi nhuận của doanh nghiệp giảm từ 7-8% xuống còn 3-4%, một số dòng hàng hòa vốn" - TS Tô Xuân Phúc nói.
Trong khi đó, nguồn gỗ rừng trồng hiện nay của Việt Nam chủ yếu là gỗ keo, được trồng trên các diện tích đất rừng của hộ gia đình và của các công ty lâm nghiệp sở hữu nhà nước. Nhu cầu về gỗ nguyên liệu chất lượng cao, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững hiện rất lớn. Chính phủ đã có những cơ chế và chính sách phát triển gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, con số từ Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, đến hết tháng 8.2021 tổng số diện tích rừng có chứng chỉ tại Việt Nam đạt trên 307.000ha, trong đó bao gồm 40.000ha rừng tự nhiên, 50.000ha caosu, còn lại là rừng trồng. Đến nay, diện tích rừng có chứng chỉ chiếm 8,4% trong tổng diện tích rừng trồng của cả nước.
"Khó khăn lớn nhất mà khối tư nhân đang gặp phải là không tiếp cận được với nguồn quỹ đất để trồng rừng, bởi nguồn quỹ đất này đang nằm dưới sự quản lý của các hộ và các công ty lâm nghiệp. Hình thành và mở rộng liên kết giữa khối tư nhân và hộ gia đình, giữa khối tư nhân và các công ty lâm nghiệp là hướng đi đột phá trong việc chủ động tạo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng là gỗ lớn có chứng chỉ tại Việt Nam trong tương lai" - TS Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.
Xem thêm: odl.9616101-cat-eb-tuh-ueiht-og-ueil-neyugn-gnuc-nougn-neihk-yl-hcihgn-gnuhn/et-hnik/nv.gnodoal