Viễn cảnh Nga xâm lược Ukraine đang khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên.
Hôm 18/2, Tổng thống Joe Biden cho biết ông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định tấn công Ukraine trong vài ngày tới nhưng từ giờ cho đến lúc đó, ngoại giao vẫn còn khả năng xoay chuyển tình hình. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Sergei Lavrov dự kiến sẽ gặp mặt trong tuần này nếu chiến tranh không nổ ra trước đó.
Biến động theo dòng tin tức
Tuần vừa rồi, chứng khoán và các thị trường tài chính khác tiếp tục phản ứng theo các tin nóng về địa chính trị. Thị trường chứng khoán Mỹ thở phào sau khi Moscow thông báo rút bớt quân khỏi biên giới Ukraine.
Tuy nhiên, sự nhẹ nhõm này nhanh chóng tan biến khi Mỹ và các đồng minh cảnh báo rằng thay vì rút lui, trên thực tế Nga lại điều động thêm quân tới gần Ukraine. Chính quyền Biden cho biết Nga đang tiến hành các động thái đáng báo động mà Moscow có thể sử dụng để lấy cớ tấn công.
Chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần tiêu cực thứ hai liên tiếp, với chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq lần lượt mất 1,9%, 1,6% và 1,8%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, nhà đầu tư đổ vào tài sản trú ẩn trong giai đoạn địa chính trị bất ổn và mong muốn tìm nơi an toàn này cũng kéo giá vàng đi lên.
Tuy nhiên, dầu lại không có được cú hích từ căng thẳng Ukraine, tuy nỗi lo chiến tranh được cho là đã giúp giá dầu Mỹ và quốc tế lên kỷ lục 7 năm vào tuần trước đó. Triển vọng về thỏa thuận hạt nhân Iran được hồi sinh, dẫn đến Mỹ gỡ bỏ trừng phạt lên dầu thô xuất khẩu của Iran, thúc đẩy nhà đầu tư chốt lời với giá dầu tương lai kết thúc chuỗi tăng 8 tuần liên tiếp.
Cú sốc năng lượng?
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Nga thực sự tấn công Ukraine? Với nhà đầu tư, tâm điểm sẽ xoay quanh giá năng lượng. Giới phân tích cảnh báo dầu thô rất có thể sẽ vọt lên 100 USD/thùng.
Ông Biden nói rằng binh sĩ Mỹ sẽ không được điều tới Ukraine nhưng cam kết sẽ có biện phát trừng phạt "nghiêm khắc" lên Moscow nếu Ukraine bị tấn công.
Ông Larry Adam, Giám đốc đầu tư bộ phận Private Client Group tại ngân hàng Raymond James viết trong lưu ý: "Biden vẫn kiên quyết rằng Ukraine sẽ được bảo vệ và các biện pháp trừng phạt như ngăn chặn việc bán năng lượng sẽ được triển khai để chống lại hành động quân sự của Nga".
"Với giá dầu đã ở mức cao nhất trong nhiều năm do cung/cầu bị lệch, căng thẳng leo thang có thể đồng nghĩa với khả năng giá dầu lên cao hơn nữa (vượt 100 USD/thùng), nguy cơ tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ và thế giới".
Ông Adam nói thêm: "Chúng tôi vẫn lạc quan về giải pháp ngoại giao và/hoặc căng thẳng hạ nhiệt sẽ là kết quả cuối cùng. Tuy đây là kịch bản cơ sở nhưng với căng thẳng cao như hiện nay, tình hình thực tế có thể sẽ khác biệt".
"Kết quả thuận lợi sẽ làm giảm phần bù rủi ro địa chính trị hiện tại được tính vào giá dầu (ít nhất 5-10 USD/thùng) và đưa dầu trở lại gần với giá mục tiêu cuối năm 80 USD/thùng".
Nga là nhà cung cấp khí tự nhiên chính ở Tây Âu và giá loại năng lượng này có thể nhảy vọt nếu trường hợp xấu xảy ra. Giới phân tích nhận định rằng nhìn chung, giá năng lượng tăng cao tại châu Âu và thế giới là con đường khả dĩ nhất mà chiến tranh Nga-Ukraine sẽ gây ra biến động trên các thị trường tài chính.
Rổ ngũ cốc
Theo MarketWatch, không phải ai cũng tin rằng gián đoạn chuỗi cung ứng lớn, đặc biệt là trong thị trường dầu, là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Các nhà phân tích tại Capital Economics viết trong lưu ý: "Chúng tôi ngờ rằng cả phương Tây lẫn Nga đều không muốn ngăn trở buôn bán năng lượng và giá có thể đi xuống khá nhanh chóng".
"Ngược lại, trước đây phương Tây đã trừng phạt các nhà sản xuất kim loại của Nga và với phần lớn ngũ cốc xuất khẩu của Nga được xuất từ các cảng ở Biển Đen, nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong lĩnh vực này là rất cao".
Giới phân tích cảnh báo rằng giá lúa mỳ có thể lên cao hơn nữa nếu Nga tấn công Ukraine. Cả hai nước đều là nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn. Giá ngô và đậu nành tương lai cũng được cho là có khả năng đi lên.
Chứng khoán, Fed và địa chính trị
Theo MarketWatch, đa số các nhà phân tích chứng khoán vẫn tiếp tục cho rằng chiến tranh Nga-Ukraine sẽ chỉ có tác động thoáng qua lên thị trường chứng khoán Mỹ.
Giám đốc đầu tư Larry Adam chỉ ra rằng bất chấp biến động ngắn hạn sau khi các sự kiện địa chính trị nổ ra trong ba thập kỷ qua – từ tấn công khủng bố đến chiến tranh – chứng khoán Mỹ có xu hướng phục hồi tương đối nhanh chóng. Kể từ 1990 đến nay, trung bình chứng khoán đi lên 4,6% trong 6 tháng sau khủng hoảng địa chính trị và tăng trong 81% số trường hợp.
"Nhìn chung, chính sách của Cục dự trữ liên bang (Fed) và điều kiện kinh tế thường là động lực lâu dài đến nền kinh tế và thị trường tài chính nhiều hơn là các sự kiện địa chính trị biệt lập".
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng cuộc tấn công "có thể gây ra rủi ro suy giảm ngắn hạn đến kinh tế toàn cầu và khiến biến động thị trường tiếp diễn".
Ông Scott Redler, Giám đốc đầu tư tại T3Live.com cũng đặt trọng tâm lớn vào Fed: "Chủ đề cho năm 2022 là lạm phát và Fed gỡ bỏ các chính sách hỗ trợ". Theo ông thì dù cho nguy cơ Nga xâm lược Ukraine suy giảm thì thị trường vẫn đối mặt với biến động khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 và có thể kiểm tra lại vùng đáy tháng 1.
"Nguy cơ chiến tranh không giải quyết rắc rối của việc Fed tăng lãi suất 4 đến 7 lần trong năm nay và giảm quy mô bảng cân đối kế toán. Năm 2018, chỉ số S&P 500 sụt 20% còn Nasdaq lao dốc 24%. Chẳng có lý do gì mà lần này S&P 500 không thử thách lại ngưỡng 4.222 điểm".
CNBC cho biết ông Redler cũng đang quan sát Big Tech, đặc biệt là Apple và Microsoft. Cả hai cổ phiếu này vẫn đang duy trì được giá gần vùng đỉnh lịch sử.
"Apple và Microsoft chiếm tỷ trọng lớn trong cả S&P lẫn Dow Jones. Để phe gấu có thể thực sự gầm thét trên thị trường thì hai mã này phải bị đánh sập cùng với các cổ phiếu tăng trưởng cao khác".