Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện ra một mỏ lithium ở khu vực Tây Nam Qiongjiagang, nơi có thể là mỏ kim loại lớn thứ ba của đất nước này.
Theo Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin, mỏ khoáng sản này nằm ở độ cao 5.000 m so với mực nước biển trên Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng và có hơn 1 triệu tấn tài nguyên oxit lithium. Tin tức được đưa ra một tháng sau khi các nhà chức trách Trung Quốc hứa sẽ hỗ trợ khai thác lithium trong nước ở cấp độ chính sách, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế leo thang và chi phí gia tăng đối với tài nguyên lithium.
Được gọi là "dầu trắng", quặng lithium là một thành phần thiết yếu trong pin xe điện. Trung Quốc có trữ lượng lithium lớn thứ sáu trên thế giới, nhưng nước này vẫn nhập khẩu 75% nguồn lithium để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của kim loại này trong lĩnh vực xe điện.
Một mẫu đá chứa liti ở khu vực mới được phát hiện.
Các chuyên gia cho biết phát hiện gần đây có thể giúp giảm sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào nguồn lithium nhập khẩu. Một số học giả thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng khu vực Himalaya có thể trở thành “cơ sở lithium quan trọng nhất” của đất nước, với tiềm năng “đảm bảo sự phát triển của ngành năng lượng mới của Trung Quốc”.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các mỏ liti ở cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, nhưng các mỏ kim loại này có chất lượng thấp hoặc ở những khu vực không thích hợp để khai thác. Còn trong phát hiện mới, các chuyên gia coi các mỏ ở vùng Qiongjiagang có thể tạo nên mỏ pegmatit lithium có giá trị công nghiệp đầu tiên trên dãy Himalaya.
“Mỏ lithium ở Qiongjiagang có điều kiện khai thác tốt - nó có quặng chất lượng cao, vận chuyển thuận tiện vì khu vực khai thác được kết nối với đường xi măng nông thôn... thân quặng lộ ra và không cần đào sâu,” Qin Kezhang , trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ.
Ông Qin nói thêm rằng các nguồn litium được phát hiện trước đây được tìm thấy ở Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng thường nằm trong các khu vực sinh thái mỏng manh. Nhưng địa điểm gần đây “cách xa khu bảo tồn thiên nhiên cốt lõi của đỉnh Everest”. Điều này vô cùng quan trọng, bởi khai thác litium có thể gây ra rủi ro cho môi trường, làm tổn hại đến nguồn nước địa phương và góp phần gây ô nhiễm đất và không khí.
Qin cũng cho biết các nhà nghiên cứu vẫn đang điều tra chi tiết về mỏ Qiongjiagang và sẽ mất một khoảng thời gian trước khi họ có thể lập ra một kế hoạch khai thác toàn diện.
Tham khảo Sixthtone
https://genk.vn/phat-hien-mo-lithium-khong-lo-tren-day-himalaya-tuong-lai-nganh-xe-dien-trung-quoc-bong-dung-rong-mo-20220220135106629.chn