Bởi cuối cùng, sự thật cũng phơi bày, đá vàng không thể lẫn lộn. Không thể chấp nhận những bài báo công bố trên tạp chí quốc tế "dỏm" để đạt điều kiện công nhận giáo sư, phó giáo sư, hay cố tình ngụy tạo số liệu để hoàn thiện công trình nghiên cứu khoa học và nhất là đạo văn khi thực hiện luận văn, luận án để trở thành thạc sĩ, tiến sĩ...
Cứ đến mùa xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư là lại rộ lên các lùm xùm liên quan tới ứng viên này, nhà khoa học nọ.
Năm nay, dư luận xôn xao chuyện một ứng viên giáo sư công bố bài về chính trị trên tạp chí... Toán học và máy tính Thổ Nhĩ Kỳ (TURCOMAT). Tìm kiếm nhanh trên tạp chí khoa học này có tới 47 bài báo có tác giả từ Việt Nam, với đề tài rất "phong phú" từ chính trị, công tác cán bộ, xây dựng chính quyền đô thị... đến quản lý kinh tế, kinh tế vĩ mô, y đức, sư phạm...
Theo quy định hiện hành, một trong những tiêu chí cứng là ứng viên phó giáo sư phải có 3 công bố quốc tế, giáo sư là 5 công bố quốc tế. Có cầu ắt có cung! Có thể kể đến hằng hà sa số những "tạp chí" như TURCOMAT, mà giới khoa học gọi là "tạp chí săn mồi".
Diễn đàn "Liêm chính học thuật" có hẳn chủ đề về "tạp chí săn mồi", dẫn định nghĩa của Wikipedia rằng xuất bản săn mồi là mô hình kinh doanh xuất bản học thuật thu phí đăng bài từ tác giả nhưng không đánh giá chất lượng bản thảo cũng như không cung cấp dịch vụ biên tập và xuất bản mà các tạp chí khoa học chính thống cung cấp.
Hiện thế giới có gần 15.000 tạp chí kiểu "trả tiền, đăng bài" này. Bên cạnh đó là "đội ngũ" các đầu nậu, môi giới, bảo kê đảm bảo đăng bài trên các "tạp chí khoa học quốc tế" với giá cả, chi phí công khai.
Fake (giả, nhái) đang là từ cửa miệng của giới trẻ, chỉ sự bắt chước, sự làm giả, sự không trung thực. Cho dù là theo trào lưu của mạng, của YouTube, nhưng ít nhiều "fake" cũng thể hiện thái độ không chấp nhận, không khoan nhượng của xã hội đối với những gì gian dối.
Với sự phát triển của Internet, công nghệ thông tin, mạng xã hội, những gian dối đều bị giám sát và sớm muộn cũng "lộ sáng".
Các quy trình, quy chế công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư ngày càng được hoàn thiện, chặt chẽ; sự giám sát, soi chiếu của xã hội ngày càng được coi trọng, đề cao; thái độ không khoan nhượng với "hàng giả" ngày càng quyết liệt.
"Fake" trong khoa học khó có thể tồn tại!
Ai đó đã từng nói, muốn trở thành học giả thì phải học thật! Không chỉ học giả, giới nghiên cứu khoa học mà nói rộng ra mọi mặt của đời sống đều cần học thật, vì có học thật thì mới làm thật và từ đó có thể tạo ra giá trị thật. Không giấu được đâu. Sớm muộn gì cũng "lộ sáng". Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra.
Đó cũng là lời nhắc nhở nghiêm khắc với những trường hợp mua bằng cấp, sắm bằng giả để tiến thân. Bởi những khuất tất, gian dối dù có che giấu tinh vi thế nào chắc chắn cũng không còn đất sống trong một xã hội thông tin như hiện nay.
TT - Đó là kỳ vọng được Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân chia sẻ khi Luật khoa học và công nghệ bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 1 tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 8-1.
Xem thêm: mth.77991658012202202-gnas-ol-gnuc-ig-noum-mos/nv.ertiout