Tăng trưởng nhưng chưa đồng đều
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2.2022 mới được Ngân hàng thế giới công bố cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. Cụ thể, sản phẩm kim loại, may mặc và giày da đạt tốc độ tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới cũng đưa ra hai con số. Thứ nhất là ngay trong tháng 1, về thu hút FDI, Việt Nam đã thu hút khoảng 2,1 tỉ USD tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái và đặc biệt, bất chấp việc chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng bởi tác động của giá nhiên liệu (đặc biệt là xăng dầu) thì lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, Ngân hàng thế giới cũng chỉ ra một số ngành còn tăng chậm, trong đó có công nghiệp. Lý do đưa ra là là nguồn nhân lực của ngành này còn ở trong tình trạng thiếu hụt.
Yêu cầu của Chính phủ: Bứt tốc
Thành quả trên có được do có sự nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 đến nay, Việt Nam chấp nhận sống chung với dịch dựa vào độ phủ vaccine nhanh, đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Tỉ lệ người mắc COVID-19 nhập viện và tử vong giảm sâu và gần như tạo ra cơ chế miễn dịch cộng đồng. Đây chính là cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành liên tiếp Nghị quyết 01, Nghị quyết 11 và Chỉ thị 01 với các chủ trương, nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Mới nhất là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 126/CĐ-TTg ngày gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, rất nhiều mảng, lĩnh vực đã được yêu cầu tập trung thực hiện, hoàn thành dứt điểm một số nhiệm vụ sau để triển khai và phát huy ngay hiệu quả ngay trong quý I/2022.
Về vấn đề nguồn lực, Quốc hội đã thông qua gói chính sách tài khoá tiền tệ được cho là “chưa có tiền lệ” lên tới 350.000 tỉ đồng trong hai năm 2022-2023 tập trung vào các lĩnh vực y tế, phòng chống dịch COVID-19; an sinh xã hội, lao động và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số…
Theo đánh giá, nếu các gói hỗ trợ được giải ngân đạt khoảng 40% năm 2022 và 50% năm 2023 thì tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5 - 7% năm 2022 và 7-7,5% năm 2023.
Như vậy, vẫn còn chữ “nếu”. Tại các văn bản chỉ đạo, Chính phủ yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương năng động, quyết liệt, mạnh dạn tạo khí thế mới từ đầu năm.
Một số quyết sách lớn được ban hành như việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% với một số mặt hàng; quyết định “mở cửa bầu trời” để thu hút khách du lịch hay việc chỉ đạo khẩn trương giải toả những khó khăn của những dự án công trình trọng điểm như cao tốc Bắc- Nam, sân bay Long Thành… được cho là đã tạo ra sinh khí mới, bước đầu đáp ứng được yêu cầu.
Tháo gỡ những điểm nghẽn
Áp lực đầu tiên đó chính là việc dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có thể tiếp tục tác động đến thị trường lao động và quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.
Áp lực thứ hai là nguy cơ lạm phát tăng cao khi giá xăng tăng tác động mạnh đến ngành vận tải, ngư nghiệp khiến giá cả có xu hướng tăng ảnh hưởng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đưa ra.
Thứ ba, nguy cơ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn có khả năng đóng băng, đặc biệt với xuất khẩu tiểu ngạch khi Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược Zero COVID. Mới nhất, Trung Quốc dự kiến sẽ phong toả huyện Hà Khẩu và tiến hành xét nghiệm toàn dân do phát hiện ca COVID-19, đồng thời đề nghị phía Việt Nam phối hợp tạm dừng hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Áp lực thứ tư liên quan đến lực lượng lao động. Đây là nhân tố đặc biệt trong quá trình phục hồi sản xuất. Việc liên tiếp xảy ra các vụ ngừng việc tập thể ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình… cho thấy vấn đề hiện nay làm phải đảm bảo lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động, tránh những xung đột ảnh hưởng tới quy trình sản xuất. Hơn nữa, việc chăm lo cho người lao động đảm bảo để họ yên tâm trở lại làm việc đang đặt ra nhiều thách thức.
Về lĩnh vực này, công điện mới nhất của Thủ tướng đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.
Đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ GDĐT đưa ra những chính sách mới về hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ mầm non ngoài công lập để người lao động đảm bảo cuộc sống, yên tâm sản xuất.
Giải quyết được những điểm nghẽn trước mắt, cùng với những chính sách vĩ mô khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam chắc chắn sẽ nhanh hơn, bền vững hơn đảm bảo các chỉ tiêu đã đề ra.