Theo hãng tin Bloomberg, ngày 20-2, sau các cuộc điện đàm lần lượt giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với Tổng thống Nga Vladimir Putin và với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 20-2, Pháp cho biết các nhà lãnh đạo đã đồng ý tiến hành một cuộc hội nghị thượng đỉnh để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Lãnh đạo Nga, Pháp đồng ý tiến hành các biện pháp khẩn cấp
Đài RT dẫn tuyên bố từ Điện Elysee cho biết Tổng thống Macron và Tổng thống Putin đã đồng ý tiến hành các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn căng thẳng leo thang ở miền đông Ukraine.
Theo đó, trong cuộc điện đàm giữa hai ông Macron và Putin hôm 20-2 - do chính quyền Paris yêu cầu, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tiếp tục làm việc trong khuôn khổ định dạng Normandy.
Định dạng Normandy là các cuộc đàm phán giữa Nga, Đức, Pháp và Ukraine được tổ chức vào năm 2014 sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea nhằm mục đích tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột.
Tổng thống Pháp cho hay những biện pháp khẩn cấp để xử lý cuộc khủng hoảng sẽ có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm châu Âu và các nước đồng minh, cùng với Nga và Ukraine.
“Tùy thuộc vào các điều kiện đáp ứng, các bên sẽ tiến hành cuộc họp ở cấp cao nhất để xác định một trật tự hòa bình và an ninh mới ở châu Âu” - Điện Elysee thông báo.
Tổng thống Nga Vladirmir Putin (trái) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron (phải). Ảnh: RT
Trong khi đó, Điện Kremlin xác nhận rằng "hai nhà lãnh đạo đã nhất trí duy trì liên lạc ở nhiều cấp độ khác nhau", song không cung cấp bất kỳ chi tiết cụ thể nào về những kế hoạch này.
“Trước việc tình hình trở nên xấu đi một cách nhanh chóng ở Donbass, hai tổng thống đã nói chuyện với nhau về những mối lo ngại hiện có. Tổng thống Nga lưu ý rằng các hành động khiêu khích từ phía binh sĩ Ukraine là lý do dẫn đến sự leo thang” - chính quyền Moscow nói.
Ông Putin cũng nhắc đến việc “các thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), gửi vũ khí và đạn dược tới Ukraine” trong cuộc điện đàm với ông Macron.
Theo Tổng thống Nga, Moscow nhận thấy những hành động này đang "khuyến khích Kiev theo đuổi một giải pháp quân sự cho vấn đề ở Donbass”, thêm rằng việc "Ukraine gia tăng các cuộc tấn công ở Donbass" đã khiến thường dân ở khu vực ly khai phải di tản sang Nga.
Chính quyền Paris cho biết một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng sẽ diễn ra "trong những ngày tới", thêm rằng các bên đang tăng cường công tác ngoại giao nói chung để nhanh chóng tìm cách giảm thiểu căng thẳng.
Phía Bộ Ngoại giao Nga sau đó xác nhận lại rằng cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng hai nước sẽ diễn ra vào ngày 21-2.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: BLOOMBERG
Ngay sau cuộc trò chuyện với ông Putin, Tổng thống Macron đã tiếp tục điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo văn phòng Tổng thống Pháp, ông Zelensky “khẳng định quyết tâm không phản ứng trước các hành động khiêu khích và tôn trọng lệnh ngừng bắn”.
Theo Điện Elysee, ông Macron và ông Putin còn quyết định sẽ tổ chức một cuộc họp 3 bên với Ukraine “trong vài giờ tới” để “có được cam kết từ tất cả các bên liên quan” về một thỏa thuận ngừng bắn.
Mỹ đồng ý tham gia họp thượng đỉnh nếu Nga không tấn công Ukraine
Sau cuộc nói chuyện với ông Putin, ông Macron đã có cuộc điện đàm kéo dài 15 phút vào tối 20-2 với ông Biden để thông báo ngắn gọn với Tổng thống Mỹ những gì ông cùng lãnh đạo Nga và Ukraine thống nhất với nhau.
Chính quyền Paris cho biết Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đều đã “chấp nhận đề xuất tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh các bên" của Pháp.
Theo Điện Elysee, Tổng thống Macron đã đề xuất rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga nên tổ chức một cuộc họp giữa hai nước để thảo luận về an ninh và ổn định chiến lược ở châu Âu, theo sau đó cuộc hội nghị thượng đỉnh thứ hai với các bên liên quan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden họp cùng các quan chức Nhà Trắng, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Ảnh: BLOOMBERG
Chính quyền Pháp thông báo thêm rằng nội dung của hai buổi hội nghị sẽ được được chuẩn bị trước trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào ngày 24-2 tới.
Trong khi đó, phía Nhà Trắng cũng xác nhận rằng ông Biden đã chấp nhận tham gia cuộc họp, với điều kiện Nga không tấn công Ukraine.
Chính quyền Washington còn cho hay hai tổng thống “đã thảo luận về các nỗ lực ngoại giao và răn đe đang diễn ra để đáp lại hành động tăng cường các hoạt động quân sự của Nga ở biên giới với Ukraine".
“Chúng tôi luôn sẵn sàng cho hoạt động ngoại giao. Chúng tôi cũng sẵn sàng áp đặt những biện pháp trừng phạt nhanh chóng và nghiêm trọng nếu Nga lựa chọn chiến tranh. Và hiện tại, Nga dường như đang tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine trong thời gian sớm nhất" - Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay thời gian và hình thức diễn ra của hai buổi hội nghị thượng đỉnh vẫn đang được xem xét và sẽ bị hoãn lại nếu Nga tấn công Ukraine.