Tái xây dựng lòng tin
Sau khi vướng phải những "cơn bão" pháp lý và bị chỉ trích vì ưu tiên lợi nhuận hơn lợi ích cộng đồng, Facebook - công ty mẹ sở hữu mạng xã hội cùng tên và các ứng dụng đình đám khác như Instagram và WhatsApp - cho biết họ sẽ đổi tên thành Meta, và chuyển trọng tâm chiến lược sang phát triển metaverse (vũ trụ ảo).
Mới đây, công ty tiếp tục triển khai chiến dịch đổi mới thương hiệu của mình. News Feed (chứa toàn bộ những thông tin hiện trên trang chủ sau khi người dùng đăng nhập) - gắn liền với Facebook từ những ngày đầu tiên - đã được đổi tên đơn giản hơn thành Feed. Nhân viên của Facebook được gọi là Facebooker, nay đổi thành Metamate. Cùng với những tên gọi mới này, các giá trị doanh nghiệp của Facebook cũng được làm mới.
Mark Zuckerberg, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) của công ty, cho biết những thay đổi này là cần thiết bởi vì "chúng tôi (Meta) hiện là một công ty metaverse, và xây dựng tương lai của mạng xã hội. Mark Zuckerberg giải thích về những giá trị mới mà công ty nhắm đến: "Chúng tôi đã tạo ra các sản phẩm hữu ích cho hàng tỷ người, nhưng trong chương tiếp theo, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào việc truyền cảm hứng cho mọi người".
Những thay đổi mới này cho thấy sự nỗ lực của công ty nhằm "lật ngược tình thế" và gây dựng lại niềm tin của nhân viên, nhà đầu tư và công chúng vào một kỷ nguyên mới của Meta.
Nick Clegg, trước đây là Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu và truyền thông của Meta, đã được thăng chức lên làm Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu. Động thái này sẽ cho phép Zuckerberg dành nhiều thời gian hơn để tập trung xây dựng các sản phẩm thực tế ảo mới.
Giá trị cổ phiếu của Meta đã giảm hơn 40% trong 6 tháng qua, với cú sốc lớn nhất là báo cáo tài chính quý IV/2021 của công ty cho thấy tốc độ tăng trưởng người dùng chững lại và lợi nhuận giảm. Báo cáo này đã "châm ngòi" cho phiên giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử của công ty, khiến vốn hóa bốc hơi hơn 500 tỷ USD (gần một nửa so với mức đỉnh vào tháng 9/2021).
Gil Luria, chiến lược gia về công nghệ tại công ty đầu tư DA Davidson (Mỹ), nhận định rằng: "Phố Wall và cộng đồng đầu tư đã nhận ra thực tế là hoạt động kinh doanh cốt lõi của Facebook không còn phát triển nữa, thậm chí có thể bị suy giảm vào một thời điểm nào đó, và vì vậy, Facebook đã phải nỗ lực rất nhiều để tham gia vào một lĩnh vực mới (là vũ trụ ảo).
Các khó khăn còn tồn tại
Bất chấp nỗ lực rõ ràng của CEO Zuckerberg và Meta để "hướng tới tương lai", "gã khổng lồ" truyền thông xã hội này vẫn đang phải vật lộn với những khó khăn cũ đã tồn tại trong nhiều tháng hoặc nhiều năm qua. Một số thách thức của Meta thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.
Mới đây, Meta đã nhất trí chi trả 90 triệu USD nhằm giải quyết vụ kiện kéo dài 10 năm qua về các cáo buộc rằng mạng xã hội này đã theo dõi hoạt động trực tuyến của người dùng. Thỏa thuận trên đã được đệ trình lên một tòa án ở California (Mỹ) trong ngày 14/2. Nếu được thẩm phán chấp thuận nó sẽ khép lại một trong số hàng loạt những vụ kiện mà công ty công nghệ này bị cáo buộc xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.
Đơn kiện cáo buộc "gã khổng lồ" truyền thông xã hội đã vi phạm các nguyên tắc về quyền riêng tư của người dùng, khi theo dõi các hoạt động trực tuyến của người dùng để nhắm mục tiêu quảng cáo tốt hơn. Thỏa thuận dàn xếp giải quyết vụ kiện này yêu cầu Meta bồi thường 90 triệu USD cho phía nguyên đơn, đồng thời xóa bỏ hoàn toàn mọi dữ liệu đã thu thập một cách trái phép được đề cập trong vụ kiện này.
Nhưng có lẽ vấn đề tiềm ẩn lớn nhất đối với Meta là thông báo của Google về kế hoạch phát triển các biện pháp bảo mật mới nhằm loại bỏ khả năng theo dõi người dùng trên các ứng dụng và hạn chế việc chia sẻ dữ liệu người dùng với bên thứ ba trên thiết bị Android.
Trước đó, Apple cũng đưa ra động thái tương tự, điều này gây ra ảnh hưởng lớn cho hoạt động kinh doanh quảng cáo của Meta khi cho người dùng cơ hội lựa chọn không bị các ứng dụng theo dõi. Có thể thấy điều này là đón giáng mạnh vào hoạt động kinh doanh quảng cáo - "con gà đẻ trứng vàng" của Meta. Sự thay đổi của Apple dự kiến sẽ khiến lợi nhuận của Meta giảm 10 tỷ USD trong năm nay.
Ngoài ra, Meta cũng tiếp tục bị giới chức Mỹ "để mắt" vì những cáo buộc về cách thức Facebook xử lý các thông tin sai lệch và nội dung độc hại chưa thỏa đáng.
Ngày 18/2, tờ Washington Post đã đăng tải thông tin rằng hai đơn khiếu nại mới chống lại Meta đã được trình lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC). Các khiếu nại mới cáo buộc Meta gây hiểu lầm cho các nhà đầu tư về nỗ lực xử lý các thông tin sai lệch về khí hậu và đại dịch COVID-19 trên các nền tảng mạng xã hội mà công ty sở hữu.
Một đơn khiếu nại đã viết: "Một số nhà đầu tư chỉ đơn giản là sẽ không muốn đầu tư vào một công ty không giải quyết được toàn vẹn vấn đề thông tin sai lệch. Trước đó, Facebook bị cáo buộc về việc không đưa ra biện pháp mạnh mẽ để xử lý thông tin sai lệch liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, nạn buôn người, ảnh hưởng của các sản phẩm/dịch vụ đối với thanh thiếu niên.
Trong một tuyên bố với CNN Business, người phát ngôn của Meta, Drew Pusateri, cho biết công ty đã cung cấp cho hai tỷ người dùng những thông tin chính thống liên quan đến sức khỏe cộng đồng và sử dụng Trung tâm Khoa học Khí hậu của công ty tại hơn 150 quốc gia để cung cấp thông tin đáng tin cậy về khí hậu, đồng thời nỗ lực kiểm tra và loại bỏ các thông tin sai lệch. Ông Pusateri nói: "Không có giải pháp chung nào để ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch, nhưng chúng tôi cam kết xây dựng các công cụ và chính sách mới để giải quyết tình trạng này".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.52413215112202202-ueih-gnouht-ial-gnud-yax-hnirt-hnah-av-koobecaf/et-hnik/nv.vtv