vĐồng tin tức tài chính 365

Chủ tịch Quốc hội: Hoạt động HĐND cấp tỉnh đã linh hoạt, sát thực tế

2022-02-21 17:56

Sáng 21-2, phát biểu bế mạc Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay ông cảm nhận có chuyển động rất tích cực, có “luồng gió mới” trong tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp.

“Có quyết tâm mới, khí thế mới và nhiều cách làm mới”- ông Huệ nói.

Những chuyển động tích cực

Đánh giá khái quát về những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cho rằng HĐND cấp tỉnh đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong điều kiện bị tác động, ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, tỷ lệ cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu rất cao- 99,60%.

Chủ tịch Quốc hội: Hoạt động HĐND cấp tỉnh đã linh hoạt, sát thực tế - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: DOÃN TẤN

Ngay sau đó, HĐND tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy HĐND, đồng thời xem xét, quyết định một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Ngoài việc tổ chức hai kỳ họp thường lệ, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức kỳ họp bất thường, trong đó một số tỉnh, thành phố đã tổ chức từ 3 đến 6 kỳ họp để quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, không kể các Nghị quyết về công tác nhân sự, HĐND cấp tỉnh đã ban hành Nghị quyết với số lượng lớn, có địa phương ban hành tới 190 Nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch COVID-19 và các nhiệm vụ cụ thể thuộc chức năng, thẩm quyền của HĐND theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu Quốc hội cũng đánh giá hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và Đại biểu HĐND được thực hiện tốt. Cùng với đó là việc đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề…

“Ở Hà Nội, tôi biết đồng chí Chủ tịch UBND TP cũng phải ra trả lời chất vấn trực tiếp, trước đây là một số ngành thôi. Chủ tịch cũng toát mồ hôi hột…”- ông Huệ nói và cho hay năm nay, UBTVQH huy động sự vào cuộc của hầu như tất cả HĐND cấp tỉnh thành, đoàn ĐBQH các tỉnh, thành trong tổ chức thực hiện bốn chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, UBTVQH.

Ông Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng, linh hoạt hình thức tiếp xúc cử tri và tổ chức các kỳ họp của HĐND, thường trực HĐND ( trực tuyến, trực tiếp; kết hợp trực tuyến, trực tiếp). “Quốc hội làm như thế nào thì ở dưới cũng làm như thế, rất linh hoạt, sáng tạo, sát thực với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương”- vẫn lời Chủ tịch Quốc hội.

Ngoài ra, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các kiến nghị của Nhân dân và cử tri, tỷ lệ giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt cao, trên 85%...

Hạn chế, bất cập

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định hoạt động của HĐND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý,  chất lượng kỳ họp của HĐND, hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Nhân dân, cử tri.

Chủ tịch Quốc hội: Hoạt động HĐND cấp tỉnh đã linh hoạt, sát thực tế - ảnh 2
Hội nghị đánh giá công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  lần đầu tiên được tổ chức. Ảnh: DOÃN TẤN

Hiệu quả của công tác giám sát nhìn chung còn hạn chế; hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng thấp.

Đặc biệt, còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế, điển hình là sai phạm có liên quan đến vụ án tại Công ty Việt Á

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 30 của Quốc hội đã đề cập về vấn đề mua sắm công,  nhất là mua thuốc, test kit vật tư, trang thiết bị y tế, Chính phủ cũng đã quy định cụ thể nhưng có địa phương không mua được, một số mua có sai phạm. Việc phát hiện sai phạm do điều tra của cơ quan chức năng chứ vai trò giám sát của HĐND còn hạn chế.

Cạnh đó, việc phối hợp thực hiện bốn chuyên đề giám sát, đến nay một số tỉnh thành chưa có báo cáo. “Tháng 3, đoàn giám sát đã phải báo cáo Thường vụ Quốc hội, tháng 5 phải trình Quốc hội nhưng hiện một số tỉnh chưa có báo cáo, kể cả đoàn ĐBQH chứ không phải chỉ HĐND”- ông Huệ lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhận xét việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của Nhân dân và cử tri còn bất cập, chậm, hiệu quả chưa cao, chủ yếu là chuyển đơn. Công tác tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện…

cơ chế đặc thù nhưng không triển khai được

Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tám nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý, ông Huệ yêu cầu rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn được giao…

Từ kinh nghiệm của Quốc hội và HĐND một số tỉnh, thành phố, ông Huệ đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc HĐND ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá vừa qua nghị quyết quy định về mô hình chính quyền làm tốt và nhanh. Tuy nhiên, nghị quyết về cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành thì việc triển khai còn chậm, chủ yếu mới trình và quyết định chính sách, chế độ liên quan đến chi ngân sách địa phương.

Các vấn đề về huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh và an sinh xã hội địa phương… hầu như còn rất chậm.

“Cái này khó và nhạy cảm, động chạm đến nhiều người. Tôi có 1 năm 2 tháng làm Bí thư Hà Nội thấy rõ điều này. Báo cáo toàn thấy trình chi, Quốc hội cho một số chính sách đặc thù để quản lý nguồn lực như thuế, phí thì ít tập trung nghiên cứu để làm. Có cơ chế đặc thù nhưng không triển khai được”- ông Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu HĐND cấp tỉnh, thành phố  kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023…

“Gói (hỗ trợ) 350.000 tỉ, Trung ương phải hướng dẫn và địa phương phải tổ chức thực hiện. Ngoài phân bổ chung của Trung ương, nhiều địa phương cũng đang trăn trở nghiên cứu, quy định thêm về cơ chế chính sách đặc thù trên cơ sở nguồn lực của địa phương”- ông Huệ cho biết.

Xem thêm: lmth.6644401-et-cuht-tas-taoh-hnil-ad-hnit-pac-dndh-gnod-taoh-ioh-couq-hcit-uhc/us-ioht/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chủ tịch Quốc hội: Hoạt động HĐND cấp tỉnh đã linh hoạt, sát thực tế”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools