Tối 21-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo cập nhật thông tin về tình hình tổ chức dạy học trực tiếp trên cả nước. Số liệu thống kê tính đến 17 giờ cùng ngày.
Theo đó, do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên có thêm sáu tỉnh/thành phố quyết định lùi thời gian tổ chức học trực tiếp.
Dịch COVID-19 bùng mạnh, hàng loạt tỉnh lùi thời gian học trực tiếp. Ảnh minh họa: TP
Hiện nay, khối Mầm non đang có 48/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp, chiếm tỉ lệ 55.31% học sinh. Các tỉnh dừng học trực tiếp gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Phú Yên, Tiền Giang, Đắk Lăk (TP Buôn Ma Thuột).
Khối Tiểu học đang có 54/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp, chiếm tỉ lệ 87.06% học sinh. Các tỉnh dừng học trực tiếp gồm: Hà Nội (12 quận nội thành), Đăk Lăk (TP Buôn Mê Thuột), Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh.
Khối THCS đang có 60/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp, chiếm tỉ lệ 90.41% học sinh. Các tỉnh dừng học trực tiếp: Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, riêng Hà Nội khối lớp 6 của 12 quận nội thành.
Khối THPT đang có 62/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp, chiếm tỉ lệ 90.47% học sinh. Địa phương duy nhất dừng học trực tiếp là Lào Cai.
Số liệu thống kê từ Bộ Y tế cho thấy ca nhiễm COVID-19 mới tại Việt Nam những ngày qua không ngừng tăng. Tính riêng ba ngày gần đây nhất, số F0 mới đều vượt ngưỡng 40.000 trường hợp.
Ngoài ra, nhiều F0 tự điều trị tại nhà và không khai báo với cơ sở y tế nên con số thực tế có thể nhiều hơn so với Bộ Y tế công bố.
Trước đó, trong báo cáo về tình hình học sinh trở lại trường học sau Tết Nguyên đán 2022 (tính đến ngày 16-2-2022), Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc phát hiện tại trường học).
Cùng với đó, việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.
Vẫn theo báo cáo, một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả gây phản ứng không cần thiết (một số huyện tại Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ngoài ra, khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục rất khó thực hiện việc giãn cách theo quy định vì số lượng học sinh đông, vẫn còn hiện tượng học sinh các lớp tương tác trực tiếp trong giờ nghỉ giải lao.
Việc rà soát, phân loại học sinh để củng cố, bổ sung kiến thức khi học sinh trở lại trường gây khó khăn cho các trường trong việc bố trí giờ dạy, có thể phát sinh kinh phí. Việc thiếu giáo viên (đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học) tạo áp lực rất lớn cho các cơ sở giáo dục trong việc triển khai dạy trực tiếp…
Đặc biệt, một số phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm cho con trở lại trường học trực tiếp, nhất là cấp học mầm non và tiểu học (trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin, trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp) dẫn đến tỉ lệ trẻ mầm non đến trường thấp ở một số địa phương.