Tình hình căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục leo thang. Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần rồi tiếp tục khẳng định rằng quân Nga vẫn đang vây quanh Ukraine từ Belarus ở phía bắc cho đến Biển Đen ở phía nam, bất chấp những tuyên bố từ Moscow rằng các cuộc tập trận đã dần hoàn tất và binh sĩ Nga đang quay về căn cứ. Tổng thống Biden cũng tin chắc rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra quyết định tấn công Ukraine và hành động này có thể diễn ra trong vài ngày tới.
Đối với Ukraine, một cuộc chiến tranh với Nga sẽ là một kịch bản tệ hại cho nước này, bởi sức mạnh quân sự của họ khó so được với người hàng xóm dù quân đội Ukraine đã được nâng cấp nhiều thời gian qua. Do vậy, kể từ khi căng thẳng bắt đầu nhen nhóm cuối năm ngoái, hầu hết các nỗ lực của Ukraine không phải tập trung vào chuẩn bị đối đầu quân sự với Nga, mà là ngăn cản chiến tranh xảy ra ngay từ đầu, bằng cách sử dụng các công cụ pháp lý.
Ukraine đẩy mạnh đấu tranh Nga trên mặt trận pháp lý
Trong bài viết đăng ngày 20-2 trên tạp chí Forbes của GS Jill Goldenziel thuộc ĐH Thủy quân Lục chiến Mỹ, Ukraine đang đặt khá nhiều niềm tin vào các nỗ lực đấu tranh với Nga trên mặt trận pháp lý. Kiev đã cho xây dựng một cổng thông tin điện tử cung cấp những thông tin ngắn gọn về nỗ lực này. Kiev khẳng định sử dụng công cụ pháp lý sẽ giúp giảm chênh lệch kinh tế - quân sự giữa Ukraine với Nga; và đã chuyển dần từ các chiến thuật đấu tranh không hiệu quả như trước sang xây dựng được một “hệ thống phòng thủ về mặt pháp lý toàn diện và có tính phối hợp cao giữa chính quyền với tư nhân”.
Một nhóm binh sĩ thuộc lực lượng dân quân phòng vệ lãnh thổ Ukraine tham gia huấn luyện gần thủ đô Kiev hồi tháng 1. Ảnh: GETTY IMAGES
Với sự phối hợp này, nỗ lực pháp lý của Ukraine được trải dài và thúc đẩy mạnh trên cả công pháp quốc tế lẫn tư pháp quốc tế. Về khía cạnh công pháp quốc tế, Ukraine đã khởi kiện Nga ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) thuộc Liên Hiệp Quốc với cáo buộc Nga cố tình thực hiện các chiến dịch “xóa sổ văn hóa” đối với người Ukraine và người Tatars bản địa sinh sống trên bán đảo Crimea sau khi bán đảo này bị Nga sáp nhập vào năm 2014. Hành động này vi phạm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1966. Ukraine cũng kiện Nga với cáo buộc nước này vi phạm Công ước quốc tế về trấn áp hành vi tài trợ cho khủng bố 1999, khi hỗ trợ tài chính cho các lực lượng ly khai ở vùng Donbass phía đông Ukraine. Cả hai đơn kiện đều đã được ICJ tiếp nhận và đang trong quá trình điều tra xác minh.
Song song đó, Ukraine cũng có một số đơn kiện khác gửi lên Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) và Tòa Trọng tài thường trực (PCA) liên quan tới vụ đụng độ giữa tàu Ukraine và tàu Nga ở Biển Đen và Biển Azov. Năm 2019, ITLOS trên thực tế từng xử có lợi cho Ukraine trong vụ Nga đơn phương bắt giữ ba tàu chiến của Ukraine đi qua eo biển Kerch, buộc Nga phải thả các tàu chiến này vô điều kiện vào cuối năm đó.
Mỹ mới đây gửi công hàm tới Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc cáo buộc Nga đã lập danh sách những người Ukraine bị nhắm mục tiêu và sẽ bị đưa đến các trại cải tạo trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, theo hãng tin AFP ngày 20-2. Công hàm còn cảnh báo nếu Nga tấn công Ukraine, sẽ có nhiều hành vi ảnh hưởng đến quyền con người xảy ra như bắt cóc, tra tấn nhắm vào những người bất đồng chính kiến, tôn giáo, dân tộc thiểu số. |
Tư nhân vào cuộc cùng chính quyền
Về khía cạnh tư pháp quốc tế, các doanh nghiệp tư nhân cũng nộp hàng loạt đơn kiện Nga dưới sự hỗ trợ của chính quyền Ukraine - chủ yếu là dựa vào nội dung hiệp định đầu tư song phương (BIT) Nga - Ukraine ký kết năm 1998. Các BIT thông thường có cơ chế giải quyết tranh chấp bằng cách thành lập một tòa trọng tài độc lập với chính quyền hai nước tham gia hiệp định để xem xét các đơn kiện gửi về. Theo GS Jill Goldenziel, tính đến nay đã có 11 đơn kiện kiểu như vậy từ phía doanh nghiệp Ukraine, chủ yếu là đòi Nga phải bồi thường việc tài sản của họ ở Crimea bị Nga tịch thu như ngân hàng, sân bay, bất động sản và các hệ thống trạm kinh doanh xăng; chính quyền Ukraine có động thái ủng hộ 6/11 đơn này.
Tuy các tòa án thành lập trong khuôn khổ BIT không có thẩm quyền phán quyết liệu việc Nga sáp nhập Ukraine có hợp pháp hay không nhưng kết luận của các tòa án này vẫn sẽ có sức ảnh hưởng nhất định và sẽ được các tòa lớn hơn cân nhắc trong quyết định sau đó.
Ukraine đã đi đúng hướng
Bà Goldenziel nhận định đấu tranh pháp lý nhìn chung đã giúp Ukraine củng cố được tính chính danh của mình trước cộng đồng quốc tế. Chiến lược này cũng hiệu quả hơn về mặt tuyên truyền cho Kiev khi sử dụng pháp luật quốc tế để chứng minh Nga mới là bên gây hấn trong căng thẳng hiện tại. Sử dụng pháp lý không chỉ có giá trị về mặt ngoại giao mà còn gây thiệt hại đáng kể cho Nga thông qua các khoản tiền bồi thường và tiền phạt khổng lồ. Các tòa án độc lập trong khuôn khổ BIT Nga - Ukraine tới nay đã tuyên phạt Nga vi phạm hiệp định và mức tiền phạt đã lên tới 8 tỉ USD. Nếu liên tục phải chịu các khoản thiệt hại hàng tỉ USD như vậy, chắc chắn sẽ buộc Moscow phải tính toán lại thiệt hơn trong bất kỳ kế hoạch nào liên quan tới Ukraine sắp tới.
Dù vậy, về lâu dài thì bà Goldenziel không cho rằng đấu tranh pháp lý sẽ giúp Ukraine ngăn cản hoàn toàn nguy cơ nổ ra chiến tranh với Nga. Thay vào đó, Ukraine nếu không thể đạt được ưu thế quân sự thì cần phải huy động nguồn lực toàn xã hội, toàn chính quyền để “theo dõi và triệt tiêu” các ảnh hưởng và hiện diện của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên theo bà, “nhìn chung thì chiến lược pháp lý của Ukraine nên được xem là hình mẫu của việc giải quyết mâu thuẫn giữa quốc gia với quốc gia đạt hiệu quả cao mà không cần đi tới chiến tranh”.
Ông Putin: Nga không ngại trừng phạt phương Tây Đài RT dẫn lời Tổng thống Putin khẳng định sẽ không có bất kỳ lệnh trừng phạt nào có thể ngăn cản Nga làm điều nước này muốn, bởi Nga đã có kinh nghiệm đối với trừng phạt trong suốt nhiều năm qua. Họp báo chung với người đồng cấp Belarus - ông Alexander Lukashenko hôm 18-2, ông Putin nhận định Nga có thể sẽ khó thoát khỏi các đòn trừng phạt từ phương Tây trong thời gian tới. Lý do vì thực chất chúng được phát động không nhằm để thay đổi hành vi của Moscow mà là một kế hoạch để ngăn cản sự phát triển kinh tế Nga. Quan điểm của Moscow cho rằng trừng phạt là công cụ cạnh tranh không lành mạnh của Mỹ và đồng minh và hành động này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. “Họ chỉ nhắc về luật pháp, trật tự quốc tế khi những thứ đó có lợi cho họ. Họ luôn diễn giải mọi thứ theo hướng có lợi cho họ và bỏ qua quyền lợi của những quốc gia khác” - ông Putin tuyên bố, đồng thời cho biết cách duy nhất để vượt qua áp lực trừng phạt là Nga và Belarus phải hợp tác kinh tế sâu hơn nữa. |