Ngay sau những ngày nghỉ Tết cổ truyền Nhâm Dần, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu những đơn hàng nông sản, thực phẩm sang các thị trường cao cấp. Các mặt hàng như trái cây, rau củ quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu đầu năm. Đây là những tín hiệu khởi sắc, tạo đà cho mục tiêu xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 49 tỷ USD và đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm nay, dự báo, cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Liên minh châu Âu (EU). Đây sẽ là những mặt hàng tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Trong giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần. Vì thế, xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 dự báo vượt mốc 3,6 tỷ USD.
Ước tính, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2022 đạt 321.000 tấn với trị giá 162 triệu USD.
Cũng trong năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số; xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định.
Dịch bệnh COVID-19 đã trở thành phép thử cho sự chống chịu và linh hoạt của Nông nghiệp Việt Nam. Câu chuyện về thủy sản sau đây sẽ cho chúng ta thấy các doanh nghiệp đã ứng xử thế nào khi dịch bệnh ập tới dẫn đến đứt gãy nguồn hàng. Một tư duy mới về tiếp cận thị trường bền vững đang được các DN triển khai. Nhiều chuyên gia cho rằng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay của Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở con số 9 tỷ USD.
Doanh nghiệp thủy sản tiếp cận thị trường bền vững
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 3/2021, các quy định phòng chống dịch khắt khe khiến hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản chỉ duy trì được 30 - 50% công suất nhưng xuất khẩu thủy sản cuối năm lội ngược dòng cán đích 8,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm trước. Và đa số các đơn vị vẫn cho rằng, trong nguy có cơ, khi năm mới này đã thích nghi dần với dịch bệnh.
VASEP nhận định, xuất khẩu tôm sang Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2022 do Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19. Đáng phấn khởi là các doanh nghiệp đã và đang có cách tiếp cận thị trường theo hướng bền vững hơn.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, cho biết: "Ngành đang thực hiện Đề án tôm nước lợ, theo đó sẽ phân vùng nuôi và nuôi theo kĩ thuật công nghệ cao, cho ngành tôm sản xuất hiệu quả, trách nhiệm và bền vững hơn".
Tất cả n thay đổi của doanh nghiệp nhằm hướng đến mục tiêu: thích ứng với tất cả thị trường. Ở các tỉnh miền Tây, nông dân cũng bắt đầu thay đổi, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; thể hiện qua việc ứng dụng kĩ thuật cao, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quan trọng là liên kết.
Trong dịch bệnh, ngành nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế khi kim ngạch xuất khẩu đạt con số kỷ lục 48,6 tỷ USD. Dĩ nhiên, để đạt được con số này, ngành nông nghiệp đã trải qua một quá trình tái cơ cấu theo hướng càng ngày càng bền vững hơn. Bước vào năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục đặt ra cho mình thử thách mới với con số cao hơn năm vừa qua. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu thì không chỉ đơn thuần là tăng sản lượng mà điều quan trọng là cần có ngay kế hoạch và chiến lược để nâng cao giá trị nông sản, khẳng định thương hiệu nông sản Việt.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 21/2 với khách mời là ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.72505459112202202-hcid-iad-uas-ahp-tub-ed-oc-ioht-tab-man-man-teiv-peihgn-gnon/et-hnik/nv.vtv