Rất cần các bộ, ngành hành động ngay
Trao đổi với PV Lao Động, doanh nhân Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) - nói: Đặt mục tiêu đưa ngành NN phát triển hiện đại, hành động chẳng cần đâu xa, chỉ cần các bộ, ban, ngành, các địa phương làm đủ, làm đúng tất cả các nội dung trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược) là đủ.
"Cần làm ngay", nhưng ai làm? Và làm việc gì? Theo tôi, đối tượng cần làm ngay đó là các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Và việc cần làm ngay đó là: Các cơ quan quản lý Nhà nước nói phải đi đôi với làm. Lâu nay nhiều Nghị định; Quyết định... của Chính phủ, bộ, ngành ban hành ra nhưng không đi vào cuộc sống hoặc có đi vào nhưng rất hạn chế... thế nhưng các cơ quan này “chẳng sao cả”, nhất là các cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển NN, nông dân và NT.
“Nghị định, quyết định đã ban hành chưa đi vào cuộc sống nhưng qua vài năm thì gần như là cũ thế là các bộ, ngành lại tham mưu... ra nghị định, quyết định mới. Ví dụ: Mô hình cánh đồng lớn liên kết của Bộ NNPTNT khởi xướng năm 2010, đến năm 2013 nâng thành Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ; đến năm 2018 nâng lên thành Nghị định 98 của Chính phủ... và nay gần như bị “quên”. Giờ tập trung vào Quyết định 150 ngày 28.1.2022 trong khi Nghị định 98/2018 của Chính phủ vẫn vô cùng cần cho sự phát triển bền vững của nền NN” - ông Phạm Thái Bình nói.
Thay đổi tư duy, hành động quyết liệt mới có hiệu quả
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nêu ví dụ: Thử nhìn sang một mặt hàng nông sản khác là gạo. Theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP, chỉ những thương nhân đáp ứng đủ điều kiện mới được quyền kinh doanh XK gạo. Cho đến nay, mới chỉ có chưa đến 200 thương nhân đủ điều kiện nói trên. Do vậy, các thương nhân này thường phải là DN quy mô trung bình trở lên, có bộ máy kinh doanh đủ trình độ để giao dịch, tìm kiếm khách hàng, ký kết hợp đồng... nói cách khác là XK chính ngạch.
Tương tự, xuất khẩu thủy sản dù không có hạn chế gì, nhưng thông thường cũng phải là những DN có quy mô đủ lớn mới có thể tham gia và những DN này sẽ chỉ thực hiện giao hàng khi đã có hợp đồng, người mua rõ ràng.
Như vậy, một mặt vận động, tập huấn cho người nông dân, thương lái (thực chất là DN nhỏ) thiết lập quan hệ khách hàng lâu dài với đối tác bên kia bên giới để tránh tình trạng mua bán được chăng hay chớ thì mặt khác rất cần có những DN lớn, đủ mạnh, có thể đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất, sau đó bao tiêu sản phẩm. Những DN này sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình mới, phù hợp với nhu cầu khách hàng, áp dụng truy xuất nguồn gốc, sử dụng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu.
Trao đổi với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hữu cơ Việt Nam - nhấn mạnh: DN của bà khởi nghiệp hướng tới NN chế biến. Nếu NN chỉ giữ mãi truyền thống, không chế biến sâu, không mang đến những sản phẩm mới mẻ, an toàn, bổ dưỡng, tiện dụng khi sử dụng thì sẽ không thu hút được người tiêu dùng nước ngoài.
“Sản phẩm phải mang đậm văn hóa, hơi hướng cuộc sống hiện đại. Thực tế là, không phải người nông dân nào cũng trực tiếp XK được, DN phải đi gom mới đủ lượng hàng để XK. Trong quá trình đàm phán thương mại, chúng tôi thấu hiểu khách hàng muốn gì và sát cánh với nông dân để cùng đưa ra các sản phẩm hữu ích hơn, nhiều dấu ấn hơn, đặc biệt hơn. Thay cho bán rau tươi có thể bán bột rau, cốm rau, thạch rau. Nông dân Đà Lạt đã làm được điều này, thay cho hồng tươi họ bán hồng treo gió với mẫu mã đẹp đựng trong bao bì hấp dẫn và đang rất thành công. Đây cũng chính là hướng mở cho nông sản Việt” - bà Nguyễn Thị Diễm Hằng nói.
Bà Hằng cho rằng, các DN NN trước đây vận hành theo tư duy “gia đình trị” cha truyền con nối, đời này truyền đời khác, công nghệ mới ít áp dụng công nghệ, ít các cánh đồng lớn, giá thành cao mà không đa dạng sản phẩm, ví như cả địa phương chỉ trồng một vài mặt hàng, nhưng lại không có số lượng lớn đủ tiêu chuẩn cho XK lại không có. Thương mại ngày nay đã khác, buộc người nông dân và DN phải nghĩ khác, tư duy mở, quyết liệt và làm khác trước, sáng tạo vô biên.
“Làm DN là phải biết biến DN gia đình thành DN tư bản, đưa được công nghệ hiện đại, đưa được truyền thông vào NN để biến sản phẩm bình dân thành những sản phẩm có lợi ích và giá trị cao trên thị trường” - bà Hằng khẳng định.
Ông Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện LP Việt Nam cũng tỏ ra sốt ruột trước tình trạng XK thô. Cần phải thay đổi tư duy trong NN, đặc biệt, cần phải đẩy mạnh chế biến sâu để tăng giá trị nông sản...
* Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương): Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ chính thức cho phép nhập khẩu 9 loại trái cây của Việt Nam là: Xoài, mít, thanh long, chuối, chôm chôm, vải, nhãn, dưa hấu, măng cụt. Chỉ 9 loại trái cây trên mới được nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Còn những loại không có tên ở trên, trong đó có những loại trái cây Việt Nam rất dồi dào, như sầu riêng, vú sữa, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, khoai lang... buộc phải đi đường tiểu ngạch, qua các cửa khẩu phụ.
* Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Meet More Coffee: Cần đề cao chế biến sâu, để phát triển giá trị gia tăng. Đây là yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm với thị trường nội địa và quốc tế. Để thay đổi Chính phủ và Bộ NNPTNT cần có chính sách khuyến khích cho DN trong nước tập trung nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu và khác biệt để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng, được người tiêu dùng đón nhận.
* TS Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp Hội DN Việt Nam tại Châu Âu: Hiện nay, mối liên kết giữa cộng đồng người Việt ở Châu Âu với các DN trong nước đang còn lỏng lẻo, dẫn tới việc các DN đang đánh mất rất nhiều cơ hội kinh doanh. Để giải quyết việc này cần phát huy vai trò tổ chức, hiệp hội ngành nghề… trong nước trong việc tăng cường liên kết với các tổ chức, DN người Việt ở Châu Âu thông qua các hội thảo, diễn đàn… để trao đổi thông tin.
Xem thêm: odl.3546101-taht-auq-tek-hnahn-gnod-hnah-om-yud-ut-iht-cuht/et-hnik/nv.gnodoal