1. Phạm Mỹ Linh, 27 tuổi - Đồng sáng lập và Giám đốc chiến lược Telio Việt Nam
Năm 2016, Mỹ Linh làm trưởng nhóm phân tích kinh doanh tại OnOnPay. Tại đây, cô góp phần phát triển hệ thống dịch vụ và ghi dấu ấn với việc gọi thành công 2,3 triệu đô la Mỹ vốn vào OnOnPay từ các quỹ quốc tế.
Tháng 11.2018, Mỹ Linh đồng sáng lập và là giám đốc chiến lược, triển khai các dự án quan trọng cho nền tảng thương mại điện tử B2B Telio.
Tại vòng gọi vốn Pre-Series B vào tháng 11/2021, VNG cùng GGV Capital và Tiger Global đã đầu tư 22,5 triệu USD vào start-up này. Tổng vốn huy động của Telio từ đây nâng lên hơn 51 triệu USD.
Theo số liệu công bố đến cuối năm 2020, Telio kết nối hơn 45 nghìn đại lý bán lẻ, tập trung vào ba ngành tiêu dùng nhanh (FMCG), y tế và phong cách sống. Doanh thu tháng 12/2021 của Telio đạt 23,5 triệu USD.
2. Lê Yên Thanh, 28 tuổi - Sáng lập và CEO Phenikaa Maas2
Tháng 3.2019, Lê Yên Thanh cùng những đồng đội của mình bắt đầu xây dựng lại mô hình kinh doanh cho BusMap để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và kêu gọi đầu tư.
Sau khi đạt giải Nhất cuộc thi Việt Startup Contest tại Nhật Bản, Tập đoàn Phenikaa đã quyết định đầu tư 1,5 triệu USD vào đội ngũ của Lê Yên Thanh, đồng thời BusMap cũng đổi tên thành Phenikaa MaaS.
Công nghệ bản đồ của CEO 9x được áp dụng vào quản lý xe bus cho trường học, phát triển thành phố thông minh. Đối với B2B, Phenikaa MaaS đã có những khách hàng lớn như VinBus, Grab cùng một số doanh nghiệp tại Cảng Đà Nẵng, còn mảng B2G có TP.HCM và Đà Nẵng. Thậm chí, startup này còn nhận được những hợp đồng từ khu vực Trung Đông.
3. Trần Hoài Phương, 29 tuổi - Quản lý Quỹ đầu tư khởi nghiệp Wavemaker Partners
Trần Hoài Phương đã lăn lộn trong ngành Venture Capital từ năm 2017 khi hệ sinh thái khởi nghiệp mới bắt đầu sôi động với sự hiện diện của các quỹ nội như VinaCapital Ventures và ESP Ventures.
Hoài Phương là một trong 3 thành viên khởi đầu của quỹ VinaCapital Ventures với quy mô 100 triệu USD. Sau 3 năm làm việc tại VinaCapital Ventures với nhiều khoản đầu tư lớn, Phương quyết định bơi ra biển lớn bằng cách đầu quân cho quỹ Wavemaker Partners tại Singapore để quản lý thị trường Việt Nam.
Trong nước, cô gái trẻ đã trực tiếp dẫn dắt các thương vụ đầu tư vào FoodMap, Dat Bike, MindX và Vigo Retail với tổng giá trị đầu tư khoảng 3,6 triệu USD. Hiện tại, định giá của bốn startup này khoảng 120 triệu USD.
4. Trần Trung Hiếu, 29 tuổi - Sáng lập và CEO TopCV
Trần Trung Hiếu có niềm đam mê công nghệ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bắt nguồn từ gặp khó khăn trong tạo lập CV để nộp cho nhà tuyển dụng Facebook, Hiếu cùng 3 người bạn đã quyết tâm lập trình và cho ra đời TopCV.
Hiện nay TopCV có hệ sinh thái bao gồm: TopCV, Viecngay.vn, TopHR, TestCenter... Tính đến năm 2021, TopCV là đối tác của hơn 90 nghìn doanh nghiệp cùng hơn 4 triệu hồ sơ ứng viên.
Doanh nghiệp này vừa hoàn tất vòng gọi vốn triệu đô từ Tập đoàn nhân sự hàng đầu Nhật Bản - Mynavi với mục đích bổ sung nguồn vốn ứng dụng AI và Recruitment Marketing.
5. Đỗ Anh Thư, 30 tuổi - Quản lý Marketing cấp cao toàn cầu Youtube
Sau thời gian làm việc tại Boston Consulting Group, Anh Thư chuyển sang Singapore làm việc cho Google và phụ trách quản lý marketing phát triển thị trường doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam.
Xuất phát từ mong muốn hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, Anh Thư đưa sáng kiến sử dụng đội ngũ shipper từ đối tác (KiotViet, Haravan) di chuyển khắp nơi, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Google My Business. Sáng kiến này sau đó đã được Google mở rộng ra các thị trường tương tự trên toàn cầu.
Cô cũng là người khởi xướng chương trình Women Will, hợp tác với hiệp hội Nữ Doanh nhân TP.HCM (HAWEE). Giai đoạn 2019 - 2020, Anh Thư trở thành quản lý cấp cao phụ trách Marketing tăng trưởng (Growth Marketing) cho YouTube ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.
6. Nguyễn Thành Trung, 30 tuổi – Đồng sáng lập kiêm CEO Sky Marvis/Axie Infinity
Axie Infinity là một trò chơi ứng dụng công nghệ blockchain cho phép người tham gia vừa giải trí vừa có thể kiếm tiền. Công nghệ blockchain cho phép xác nhận sở hữu các vật phẩm trong trò chơi giúp người chơi có thể trao đổi, chuyển nhượng, từ đó tạo ra thu nhập thật.
Vào tháng 12.2021, giá trị giao dịch vật phẩm hằng ngày trung bình đạt 10 triệu USD. Tổng giá trị vật phẩm trong trò chơi đã được giao dịch xấp xỉ 4 tỉ USD tính đến đầu tháng 2/2022. Sự thành công của Axie Infinity tạo ra trào lưu phát triển game blockchain tại Việt Nam và thế giới.
Tháng 5/2021, Mark Cuban và một nhóm nhà đầu tư quốc tế đã đầu tư 7,5 triệu USD vào Sky Mavis. Tháng 10/2021, công ty tiếp tục nhận vốn vòng series B với số tiền 152 triệu USD. Đây là một trong các thương vụ gọi vốn lớn nhất trong năm qua của các startup tại Việt Nam.
Xem thêm: odl.0044101-iout-ert-man-teiv-peihgn-iohk-nahn-hnaod-gnuhn-auc-gnuhk-vc-ios/et-hnik/nv.gnodoal