Ngày 22-2, nguồn tin của PLO cho hay, UBND tỉnh Kiên Giang vừa có Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo cáo, năm qua toàn tỉnh Kiên Giang đã thực hiện 2.850 gói thầu, trong đó, có 2.262 gói thầu thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho mục tiêu đầu tư phát triển, tổng giá trị hơn 3.177 tỉ đồng. Qua thống kê, Kiên Giang đã chỉ định thầu 1.729 gói, tổng giá trị hơn 710 tỉ đồng.
Năm 2021, tỉnh Kiên Giang đã chỉ định 1.729/2.262 gói thầu thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho mục tiêu đầu tư phát triển. Ảnh minh họa: BT
Đối với các gói thầu mua sắm sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên, năm qua Kiên Giang đã thực hiện 571 gói, tổng giá trị hơn 65 tỉ đồng, trong đó, chỉ định thầu 329 gói. Trong năm qua, toàn tỉnh cũng đã thực hiện 665 gói thầu dưới hình thức đấu thầu qua mạng, tổng giá trị hơn 2.900 tỉ đồng, tổng giá trị trúng thầu gần 2.800 tỉ đồng, tỉ lệ giảm thầu trung bình hơn 4,6% so với giá gói thầu.
Trong năm, Kiên Giang đã triển khai nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về đấu thầu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện một số sai phạm, như: chưa lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị đầu tư; kết quả lựa chọn nhà thầu, thương thảo hợp đồng còn nhiều sai sót; không phải bên mời thầu nhưng tham gia thương thảo hợp đồng...
Từ đó, các đoàn đã kiến nghị thu hồi hơn 600 triệu đồng về kinh phí thực hiện của các gói thầu có sai phạm. Cạnh đó, xử lý vi phạm hành chính 16 doanh nghiệp, với tổng số tiền là 395 triệu đồng. Mặt khác, kiến nghị cấp thẩm quyền tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm ba tập thể và hai cá nhân, kiểm điểm có hình thức kỷ luật hai cá nhân.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá: “Nhìn chung, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu đảm bảo đúng theo quy định hiện hành. Nhiều gói thầu lựa chọn có tính cạnh tranh cao, nhiều nhà thầu tham dự, đảm bảo lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu. Một số gói thầu có tỷ lệ giảm thầu cao tiết kiệm ngân sách Nhà nước, đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong đấu thầu”.
Cạnh đó, UBND tỉnh này cũng chỉ ra một số hạn chế như: thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu của các chủ đầu tư còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn và thực hiện dự án. Quá trình xử lý kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu còn chưa thỏa đáng dẫn đến các nhà thầu còn gửi đơn kiến nghị lên cơ quan cấp trên xử lý.
Cạnh đó, ở một số địa phương năng lực chuyên môn của cán bộ còn nhiều hạn chế từ khâu lập, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu. Dẫn đến còn một số sai sót và chưa đúng, đủ trình tự thủ tục.