Trang bị "hàng nóng"
Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu, trong năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, giao thông hạn chế nhưng buôn lậu xăng dầu trên tuyến biển vẫn không giảm. Trong đó, một số vùng biển số vụ buôn lậu xăng dầu gia tăng với thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng còn manh động, dùng vũ khí chống lại các lực lượng chức năng như biển Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam. Bọn buôn lậu thường sử dụng tàu biển đi nước ngoài mua xăng lậu vận chuyển về Việt Nam, sau đó bơm sang các tàu nhỏ và vận chuyển bằng đường biển, đường sông vào đất liền tiêu thụ.
Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết thêm, lợi dụng giá xăng dầu trong nước thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới, một số đối tượng, ngư dân hành nghề đánh cá trên biển đã lợi dụng các tàu, hầm chứa cá, nước đá để chứa xăng dầu có số lượng rất lớn được mua bán, sang mạn trên biển, nhằm đánh lạc hướng các cơ quan chức năng để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ...
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhận định, vấn nạn xăng dầu lậu luôn rất nóng. Nổi lên là khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và tại vùng biển Tây Nam. Các hoạt động vi phạm tập trung chủ yếu ở khu vực biển vùng Đông Bắc, miền Trung, Tây Nam...; trên các tuyến biển quốc tế từ châu Phi, châu Úc, Đài Loan, Hồng Kông về Việt Nam với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Thậm chí, tình trạng manh động, dùng vũ khí chống lại các lực lượng chức năng diễn ra khá phổ biến.
Ngay những ngày đầu năm 2022, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu trên biển như bắt giữ tàu vận chuyển 100.000 lít xăng và 70.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp tại khu vực biển Bến Gót; thu giữ tàu vận chuyển 70.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp tại vùng biển cách Đông đảo Thổ Chu khoảng 20 hải lý.
Hầu hết các thuyền viên không có chứng chỉ chuyên môn chủ yếu ra khơi tiếp vận chuyển trái phép dầu. Cảnh sát Biển Vùng 3 phát hiện tại khu vực biển cách Côn Đảo khoảng 115 hải lý về phía Đông Đông Nam, tàu BT99998TS, do ông Lê Minh Tính (SN 1965, trú Cà Mau) làm thuyền trưởng có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu đang chứa khoảng 60.000 lít dầu DO. Làm việc với lực lượng chức năng, thuyền trưởng Lê Minh Tính không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa. Bên cạnh đó, 7 thuyền viên trên tàu đều không có giấy tờ tùy thân, chứng chỉ chuyên môn.
Tương tự, tàu cá TG94458TS, do ông Trần Hữu Đức (SN 1975, trú Bình Dương) làm thuyền trưởng, chở khoảng 40.000 lít dầu DO. Thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số dầu trên. Có thuyền viên đi theo không biết bơi. "Mỗi chuyến ra khơi, các đối tượng buôn lậu thường tổ chức đội tàu từ 5-7 chiếc, trong đó có 1-2 tàu không làm nhiệm vụ đánh bắt thủy sản như đã đăng ký mà chỉ thực hiện việc mua xăng dầu trôi nổi của những tàu nước ngoài hoặc tàu vận chuyển trái phép với giá rẻ hơn, rồi tổ chức bán lại ngay trên biển cho các tàu, thuyền khác để kiếm tiền chênh lệch", một lãnh đạo BĐBP xác nhận.
Thiết bị hiện đại
Theo một lãnh đạo BĐBP, trong quá trình mua bán, vận chuyển dầu lậu tại các khu vực biển tiếp giáp với Thái Lan, Campuchia, Indonesia và Malaysia, để tránh sự phát hiện của lực lượng Biên phòng và cơ quan chức năng, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò như cải hoán phương tiện tàu cá để chở dầu lậu, đồng thời lắp đặt thêm trang bị phát hiện tàu từ xa để phục vụ việc mua bán dầu trái phép; tàu chở dầu neo đậu ở vùng biển giáp ranh. Sau đó, lợi dụng đêm tối chuyển tải hàng hóa sang các tàu nhỏ hay thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, cho phương tiện chạy lòng vòng trên biển, khi cảm thấy an toàn mới nhanh chóng vận chuyển qua khu vực sang mạn cho các tàu cá. Cả khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, các đối tượng tìm đủ mọi cách để đối phó như hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn hoặc chuẩn bị sẵn lời khai, hồ sơ tài liệu để hợp thức hóa lô hàng.
Điều kiện khí hậu, thời tiết trên các vùng biển đó khắc nghiệt, có vùng biển chưa được phân định rõ ràng, lực lượng tuần tra, kiểm soát mỏng, hầu hết các phương tiện vi phạm điều có trang bị radar, định vị hiện đại để phát hiện lực lượng chức năng từ xa. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng tìm cách chạy sang vùng biển nước ngoài để trốn tránh. Trong đất liền, các đối tượng tổ chức chỉ đạo chặt chẽ hoạt động kinh doanh trái phép ở ngoài khơi, che giấu triệt để nguồn thông tin liên lạc, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, tạo vỏ bọc kinh doanh hoặc vận chuyển thuê xăng, dầu nhằm che giấu hoạt động kinh doanh trái phép.
Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển khẳng định, hầu hết các đối tượng khi vận chuyển hàng hóa thường không mang theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, các đối tượng tìm đủ mọi cách để đối phó như hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn hoặc chuẩn bị sẵn lời khai, hồ sơ tài liệu của lô hàng để hợp thức hóa lô hàng. Đặc biệt, với sự phát triển khoa học, nhiều đối tượng tội phạm đã sử dụng phương thức, thủ đoạn đa dạng, hoạt động tinh vi trên nền tảng thương mại điện tử trong các giao dịch, áp dụng công nghệ cao vào hoạt động này ngày càng có tính chuyên nghiệp.
Một trong những thủ đoạn đó là các đối tượng mua bán xăng dầu trên biển đều móc nối giao nhận dầu, tiền thông qua trung gian, hoạt động theo mô hình khép kín. Việc giao nhận dầu diễn ra trên biển nhưng việc giao nhận tiền lại được thực hiện khá tinh vi bài bản, người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ sử dụng điện thoại bằng sim "rác" nên khi bắt giữ thì việc xác định chủ buôn lậu dầu, chứng minh yếu tố buôn lậu, xử lý vấn đề gặp nhiều khó khăn.
Theo nhận định, thời gian tới giá cả mặt hàng xăng dầu trong và ngoài nước vẫn còn chênh lệch, nên nhu cầu mua xăng dầu bất hợp pháp diễn ra trên biển dự báo sẽ không giảm. Lực lượng thi hành công vụ sẽ cam go trước hành vi của các chủ phương tiện tìm cách trục lợi trái phép.
Xem thêm: lmth.513721_iv-hnit-naod-uht-gnuhn-iouc-iab/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc