Năm 2022 đánh dấu mốc vô cùng quan trọng đối với Nữ hoàng Elizabeth II khi bà kỷ niệm 70 năm thừa kế ngai vàng, trở thành vị quân vương trị vì lâu nhất hoàng gia Anh. Chỉ trong những ngày đầu năm mới, Nữ hoàng Anh liên tiếp phải đối mặt với nhiều sóng gió khi Hoàng tử Andrew, con trai bà dính vào vụ kiện lạm dụng tình dục và vợ chồng Thái tử Charles cùng Nữ hoàng đều bị mắc Covid-19.
Trong thời gian qua, Nữ hoàng Anh đã phải hủy bỏ một số sự kiện vì lý do sức khỏe. Ở tuổi 95, Nữ hoàng Anh vẫn miệt mài lao động khiến nhiều người nể phục nhưng cũng không ít người thắc mắc rằng tại sao bà không nhường ngôi cho con trai, dành thời gian để nghỉ ngơi vui vẻ bên con cháu?
Nữ hoàng Anh vẫn miệt mài làm việc ở tuổi 95.
Theo các chuyên gia hoàng gia, có 3 lý do chính khiến Nữ hoàng Anh không bao giờ thoái vị, nhường ngôi cho con trai cả, Thái tử Charles.
Lời hứa son sắt
Lý do quan trọng nhất khiến các chuyên gia cho rằng Nữ hoàng Elizabeth II sẽ không bao giờ thoái vị đó là vì xuất phát từ lời hứa khi bà lên ngôi. Vào năm 1953, khi đăng cơ, bà đã tuyên thệ: "Tôi tuyên bố trước tất cả mọi người rằng toàn bộ cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ dành để phụng sự đất nước và phụng sự hoàng gia vĩ đại".
Vào ngày kỷ niệm 60 năm trị vì, Nữ hoàng cũng nhắc lại và khẳng định lời hứa "phục vụ trọn đời" một lần nữa. Trong vài năm qua, khi tuổi tác của Nữ hoàng ngày càng cao và nghi vấn thoái vị được dấy lên trong dư luận, các trợ lý cấp cao của Cung điện Buckingham đều có câu trả lời giống nhau cho thắc mắc này, đó là: "Suốt đời là suốt đời".
Vết nhơ lịch sử
Tiến sĩ Ed Owens, chuyên gia hoàng gia kiêm nhà sử học, nói với tờ Express rằng: "Rất khó có chuyện Nữ hoàng Anh thoái vị. Sự kiện vua Edward VIII thoái vị năm 1936 đã là một vết nhơ trong lịch sử. Cựu vương đã kết thúc thời gian trị vì chỉ có 326 ngày bởi một người phụ nữ".
Edward VIII đã chọn tình yêu của cuộc đời mình thay vì làm vua khi ông kiên quyết thoái vị, từ bỏ ngai vàng để được kết hôn với bà Wallis Simpson, một phụ nữ Mỹ từng 2 lần kết hôn. Theo ông Owens, vì vết nhơ lịch sử này mà Nữ hoàng Anh hiểu rõ thoái vị không phải là sự lựa chọn có lợi cho hoàng gia.
Edward VIII thoái vị vì người phụ nữ ông yêu.
Tiến sĩ Ed Owens cho hay: "Nếu Nữ hoàng cảm thấy không được khỏe, về cơ bản, bà ấy có thể nghỉ ngơi và chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm với vai trò là nhiếp chính. Trong lịch sử từng có trường hợp như vậy. Con trai cả của vua George III cai trị hoàng gia với tư cách là người được ủy nhiệm sau khi sức khỏe của Quốc vương không tốt".
Trong tình huống này, Charles sẽ được biết đến với tư cách là Thái tử nhiếp chính chứ không phải là một vị Vua. George IV giữ vai trò nhiếp chính trong 9 năm và cuối cùng lên ngôi vào năm 1980 sau cái chết của vua cha.
Chỉ thoái vị với 2 điều kiện
Trong cuốn The Queen phát hành vào năm 2021, tác giả Matthew Dennison viết: "Qua tuổi 90, Elizabeth vẫn tiếp tục cống hiến. Tâm sự với chị họ Margaret Rhodes, Nữ hoàng bảo bà sẽ không thoái vị trừ khi bị bệnh Alzheimer hoặc đột quỵ".
Và hiện tại, hai điều kiện đó hoàn toàn không xảy ra. Nhà sử học hoàng gia Hugo Vickers từng tuyên bố: "Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng Nữ hoàng sẽ không thoái vị. Mọi dấu hiệu đều cho thấy Nữ hoàng đang có sức khoẻ cực kỳ tốt và với sự may mắn, bà ấy sẽ tiếp tục là Nữ hoàng của chúng ta càng lâu càng tốt".
Nữ hoàng Anh vẫn đảm bảo phụng sự hoàng gia đến cuối đời.
Tương tự, chuyên gia hoàng gia Robert Jobson cũng bác bỏ mọi quan điểm về việc Nữ hoàng có thể thoái vị trong tương lai. Jobson từng nói với Express: "Theo tôi, Nữ hoàng sẽ là quân vương cho đến ngày bà qua đời. Chắc chắn là như thế rồi".
https://afamily.vn/3-ly-do-khien-nu-hoang-anh-quyet-khong-thoai-vi-truyen-ngoi-cho-con-trai-du-tuoi-cao-suc-yeu-20220222142358669.chnTheo Diệp Lục
Pháp luật & bạn đọc