Trong cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia tối 21-2 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức ký sắc lệnh công nhận độc lập đối với hai thực thể là CHND Donetsk (DPR) và CHND Luhansk (LPR) tự xưng ở vùng Donbass (đông Ukraine), theo tin từ đài RT.
Trước đó, lãnh đạo Donetsk và Luhansk nhiều lần kêu gọi ông Putin công nhận hai thực thể này là quốc gia độc lập và đề nghị được Nga bảo vệ trước khả năng nổ ra một cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ chính quyền Ukraine nhằm thu hồi hai khu vực này - điều mà chính quyền Kiev luôn bác bỏ.
Sau Donetsk và Luhansk sẽ là gì?
Theo tờ Financial Times, việc Nga công nhận độc lập các vùng ly khai khỏi một lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền không phải chưa từng xảy ra. Trước Donbass, Nga từng công nhận độc lập cho hai vùng ly khai là Abkhazia và Nam Ossetia khỏi Georgia, sau một cuộc chiến năm ngày vào năm 2008. Moscow đã hỗ trợ ngân sách, cấp quốc tịch Nga cho người dân và đóng hàng ngàn binh sĩ tại hai khu vực này.
Đặt động thái của Nga trong căng thẳng giữa nước này với Ukraine hiện nay, có thể thấy ông Putin dường như đang mất dần kiên nhẫn và lòng tin vào nỗ lực ngoại giao với các bên nhằm tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn và thuyết phục phương Tây chấp thuận những yêu cầu an ninh của mình. Tương lai của hai thực thể mới được Nga công nhận nhiều khả năng sẽ là một điểm trọng yếu để Moscow đưa ra đàm phán, mặc cả trong mọi giải pháp ngoại giao.
Việc công nhận Donetsk và Luhansk cũng mở đường để Nga đưa quân và thiết bị quân sự vào vùng Donbass, đúng như nhận định trước đó của nhiều nhà quan sát cũng như giới tình báo phương Tây. Thực tế, ngay sau khi đưa ra quyết định trên, ông Putin đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới Donetsk và Luhansk dưới danh nghĩa gìn giữ hòa bình nhưng chưa rõ quy mô và thời điểm tiến hành thực địa. Bước đi này có nguy cơ làm tăng nguy cơ xung đột quân sự tổng lực giữa Nga với Ukraine ở dọc khu vực biên giới.
Ngày 21-2, một số người dân địa phương ở thị trấn Makiivka, cách vùng Donetsk khoảng 15 km về phía tây khẳng định nhiều phương tiện được cho là xe bọc thép của Nga đang di chuyển về đây. Cụ thể, họ trông thấy “một đoàn xe khổng lồ gồm xe bọc thép và các thiết bị khác của Nga đã di chuyển trong một tiếng rưỡi” về phía bắc tới Yasynuvata - một TP thuộc Donetsk.
Một đoạn video do chính quyền Ukraine công bố tối cùng ngày cũng cho thấy một đoàn xe quân sự giống xe tăng và xe pháo kéo đang di chuyển nhưng không rõ các phương tiện này thuộc quân đội Nga hay của quân ly khai tại Ukraine. Các nguồn tin của hãng tin Reuters thì cho rằng đây là xe quân sự của Nga tiến vào Donetsk, đã lột bỏ phù hiệu nhận dạng đơn vị và quốc gia.
Binh sĩ Nga trong cuộc tập trận với các lực lượng Belarus trên lãnh thổ nước này hồi đầu tháng 2. Ảnh: APAP
Đáng lo ngại hơn, truyền thông Nga cho hay vừa xảy ra một vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine ở tỉnh Rostov gần biên giới hai nước cũng trong ngày 21-2. Theo đó, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) phát hiện một nhóm nghi là các “lực lượng thám báo” từ quân đội Ukraine ở tỉnh Rostov cố tình vượt qua biên giới và đã kêu gọi sự trợ giúp từ quân khu phía nam Nga.
Một đơn vị từ quân khu này được triển khai và tuyên bố tiêu diệt được năm người trong nhóm thám báo nói trên và bắn hạ hai phương tiện được cho là xe quân sự Ukraine theo hộ tống. Ukraine nhanh chóng lên tiếng bác bỏ thông tin Nga đưa ra.
Phương Tây chuyển sang trạng thái cảnh giác cao độ
Phản ứng trước các diễn biến vừa xảy ra trong khủng hoảng Nga - Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đồng loạt chỉ trích Nga “vi phạm rõ ràng” các thỏa thuận hòa bình Minsk.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trong ngày 21-2 đã có cuộc điện đàm khẩn với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về kịch bản Nga đánh thẳng vào Kiev trong tương lai từ bước đệm ở Donetsk và Luhansk, theo hãng thông tấn TASS. Văn phòng thủ tướng Anh thông tin về phiên trao đổi cho hay ông Johnson đã trực tiếp bày tỏ quan ngại trước những diễn biến gần đây trong khu vực và nói với ông Zelensky rằng ông tin cuộc tấn công có thể xảy ra trong “vài giờ hoặc vài ngày” tới.
Ngày 22-2, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine khuyến cáo công dân ở Ukraine tránh đến những khu vực bất ổn nên tích trữ thực phẩm và nước uống với lý do tình hình “đã có những thay đổi lớn” nhưng không khuyến khích họ rời Ukraine như nhiều quốc gia khác, theo tờ The Guardian. |
Nhà lãnh đạo Anh khẳng định phương Tây vẫn sẽ hỗ trợ Ukraine trong trường hợp Nga động binh, song lưu ý vẫn nên theo đuổi giải pháp ngoại giao “cho đến giây phút cuối cùng”.
Đánh giá độ nghiêm trọng từ động thái mới của Nga, Hạ nghị sĩ Mỹ Ted Lieu nhận định “tùy thuộc vào nơi lực lượng họ (Nga) tới, chúng ta có thể xác định liệu có xảy ra chiến tranh lớn hay không”. Theo ông Lieu, “nếu ông Putin đơn thuần điều quân vào các khu vực Donbass, nơi phe ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát, điều này khác quyết định điều quân tới khu vực quân chính phủ Ukraine kiểm soát, động thái có thể trở nên rất tồi tệ”.
Ngay sau động thái mới từ Nga, Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt tài chính đối với Donetsk và Luhansk. Về phản đòn trực tiếp nhắm vào Nga, đài CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay Nhà Trắng vẫn đang đánh giá mức độ nghiêm trọng từ động thái của Moscow, song chắc chắn sẽ đưa ra các đòn đáp trả tương xứng trong thời gian tới. Dù vậy, người này từ chối xác nhận liệu một khi quân Nga tiến vào miền Đông Ukraine thì Mỹ có kích hoạt gói trừng phạt quy mô lớn mà Mỹ vẫn đe dọa lâu nay hay không.
Anh cũng vạch ra các biện pháp trừng phạt để nhắm vào những bên “vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Dù không nói rõ cụ thể biện pháp, song thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết chúng sẽ có hiệu lực vào ngày 22-2 (giờ địa phương). •
Nhìn lại quá trình đòi ly khai của Donetsk và Luhansk Theo Financial Times, Donetsk và Luhansk đã tuyên bố độc lập khỏi Ukraine vào tháng 4-2014, ngay sau thời điểm Crimea được sáp nhập vào Nga, với hy vọng có thể dựa phần lớn vào hậu thuẫn tài chính và chính trị của Moscow. Nằm giáp Nga về sườn đông Ukraine, hai vùng này tập trung phần lớn người nói tiếng Nga và là nơi sinh sống của hơn 3 triệu người. Theo thỏa thuận Minsk - tiến trình đàm phán hòa bình do Pháp và Đức làm trung gian, một lệnh ngừng bắn được ban hành đã tạo điều kiện để lực lượng đòi độc lập ở Donbass kiểm soát khoảng 1/3 lãnh thổ Ukraine, với các khu vực hành chính ở Donetsk và Luhansk, được phân định giới tuyến kiểm soát kiên cố với quân đội Ukraine. Chính quyền Ukraine coi đây là những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời và theo tinh thần thỏa thuận Minsk, cuối cùng hai khu vực này cũng sẽ quay trở lại quyền quản trị của Kiev theo một lộ trình nhiều điểm. Tuy nhiên, cả Kiev và lực lượng lượng đòi độc lập ở miền đông đều không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ theo các điều khoản có trong thỏa thuận, khiến quy chế của Donetsk và Luhansk rơi vào trạng thái “treo”. Về phần mình, trong tám năm qua, Nga đã cấp hộ chiếu và quy chế công dân cho khoảng 800.000 người nói tiếng Nga ở Donbass.
|