Ba thập kỷ trước, Ukraine vừa giành được độc lập nhưng đã là cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới. Moscow đã để lại hàng nghìn vũ khí hạt nhân trên đất Ukraine sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991. Nhưng trong những năm sau đó, Ukraine quyết định phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Đổi lại, Mỹ, Anh và Nga sẽ đảm bảo an ninh của Ukraine theo thỏa thuận năm 1994 với tên gọi Bản ghi nhớ Budapest. Giờ đây, bản ghi nhớ này đang trở thành tâm điểm của thế giới. Dưới đây là cuộc phỏng vấn giữa nhà nghiên cứu Mariana Budjeryn của Đại học Harvard với đài NPR về di sản của Bản ghi nhớ Budapest và tác động của nó đến ngày nay.
Ukraine có lường trước tác động của việc phi hạt nhân hóa không?
Khó có thể ước đoán liệu Ukraine có lường trước được tác động của việc từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không. Điều rõ ràng là người Ukraine biết trước rằng họ sẽ không nhận được sự bảo đảm đúng mực, mạnh mẽ về an ninh như mong muốn.
Nhưng lúc đó, Ukraine được hứa hẹn rằng Mỹ và các cường quốc phương Tây – tức là ít nhất có Anh và Mỹ - coi trọng các cam kết chính trị. Bản ghi nhớ Budapest là văn bản ở cấp độ cao nhất, được ký kết bởi các nguyên thủ quốc gia. Do đó nó ngầm đảo bảo rằng Ukraine sẽ không đơn độc nếu phải đối mặt trước đe dọa.
Có lẽ phía Ukraine có phần chủ quan sau khi ký thỏa thuận và nghĩ rằng "Nhìn này, chúng ta đã có những bảo đảm được ký kết", vì văn bản này trong tiếng Ukraine và Nga được dịch là bảo đảm chứ không phải cam kết.
Ukraine có niềm tin rằng phương Tây sẽ đứng về phía họ, hoặc ít nhất hai nước ký kết là Mỹ và Anh sẽ đứng lên bảo vệ Ukraine trong hiểm nguy. Tuy nhiên, bản ghi nhớ không mô tả chính xác cách thức.
Nga có tôn trọng bản ghi nhớ không?
Nói thẳng ra là Nga đã vi phạm thỏa thuận.
Bản ghi nhớ cung cấp cơ chế tham vấn nếu có bất kỳ vấn đề nào phát sinh, và nó đã được vận dụng lần đầu tiên vào ngày 4/3/2014. Ukraine gọi đại diện các nước đã ký kết văn bản đến họp tại Paris. Nhưng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã không xuất hiện dù khi đó ông ta cũng đang ở Paris. Như vậy, phía Nga còn không tham dự cuộc họp có liên quan đến bản ghi nhớ.
Nga lập luận rằng nước này đã ký kết với chính phủ khác chứ không phải một chính phủ "bất hợp pháp". Nhưng dĩ nhiên điều này không đúng với tiêu chuẩn quốc tế. Bạn không ký thỏa thuận với các chính phủ mà với các nước.
Ukraine có hối tiếc vì giải trừ vũ khí hạt nhân không?
Chắc chắn người Ukraine có không ít hối tiếc vì quyết định quá khứ, nhưng một phần trong đó là do họ không suy xét đủ vấn đề. Ukraine sẽ tốn kém không ít nếu muốn giữ lại số vũ khí hạt nhân Nga để lại, cả về mặt kinh tế lẫn trừng phạt quốc tế. Do vậy chắc chắc đây không phải quyết định dễ dàng.
Nhưng công chúng Ukraine có quan điểm đơn giản hơn nhiều: Chúng ta từng có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, từ bỏ nó chỉ vì một tờ giấy ký kết và giờ thì những chuyện tồi tệ đang xảy ra.
Rõ ràng tình huống này không có lợi cho các nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Vì nếu một quốc gia giải giáp và sau đó trở thành mục tiêu và nạn nhân dưới tay nước có vũ trang hạt nhân thì việc này sẽ phát đi tín hiệu sai lầm khiến các nước muốn theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Bài học vũ khí hạt nhân của Ukraine
Sau khi nghiên cứu chủ để này trong gần một thập kỷ, tôi [nhà nghiên cứu Mariana Budjeryn của Đại học Harvard] dám nói rằng Ukraine đã ra quyết định đúng vào thời điểm đó, cả cho quốc gia lẫn cộng đồng quốc tế. Ukraine giảm thiểu số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới và điều đó giúp mọi người an toàn hơn.
Khi nhìn lại lịch sử thì các nước đảm bảo – các nước ký kết Bản ghi nhớ Budapest và cả cộng đồng quốc tế - cần phải phản ứng để Ukraine không nghi ngờ tính đúng đắn của quyết định quá khứ.
Sự thể hiện tính đoàn kết mà chúng ta thấy gần đây có tác dụng lớn trong việc thuyết phục giới lãnh đạo và công chúng Ukraine rằng tuy họ đã từ bỏ vũ khí hạt nhân, thế giới vẫn đứng cạnh họ. Và Ukraine sẽ không phải đơn độc đối mặt với sự gây hấn của Nga.