vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ giả bác sĩ vào Khu điều trị F0: Nhiều cơ quan đã vào cuộc xử lý

2022-02-23 07:18

Trong ngày 22-2, ngay sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài điều tra “Giả bác sĩ vào 1 khu điều trị ở TP.HCM chữa cho F0”, Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM, Trường ĐH Y Dược TP.HCM và công an đã vào cuộc.

Bước đầu, công an đã mời Nguyễn Quốc Khiêm, người giả danh bác sĩ, lên làm việc. “Công an sẽ xác minh, làm rõ tất cả thông tin liên quan và sẽ xử lý nghiêm” - nguồn tin cho hay.

Nhiều đơn vị vào cuộc

Ngay trong sáng 22-2, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đã ký văn bản khẩn gửi lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM; lãnh đạo ĐH Y Dược TP.HCM và lãnh đạo Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đề nghị khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin.

Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu khi phát hiện sai phạm, các cơ quan chức năng liên quan xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 và các văn bản có liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nếu có).

Sở Y tế TP.HCM, UBND quận 12 cũng vào cuộc, bước đầu có những thông tin cho báo chí về vụ việc.

Theo đó, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) thuộc Công an TP.HCM đang điều tra, làm rõ những nội dung báo đã nêu và xử lý nghiêm nếu xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật.

Sở Y tế bước đầu xác định: Nguyễn Quốc Khiêm là tình nguyện viên đăng ký tham gia chống dịch qua Trường ĐH Y Dược TP.HCM và Khiêm không có tên trong danh sách sinh viên từ khóa 2012 đến 2020 của Trường ĐH Y Dược TP.HCM ở tất cả các ngành học.

Khiêm ngụ ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Khiêm vào TP.HCM học Trường CĐ Sài Gòn - Gia Định, niên khóa 2016-2018 (trung cấp, chuyên môn y sĩ đa khoa), chưa bao giờ học ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM và chưa từng thực tập, làm việc tại BV Chợ Rẫy.

“Từ khi ra trường đến nay, Khiêm chưa làm ở đâu cả, có ôn thi lại đại học hai lần nhưng không đậu. Trong suốt quá trình tình nguyện, Khiêm không nhận được bất cứ khen thưởng hoặc ghi nhận nào từ phía ngành y tế” - nguồn tin nói.

Trong khi đó, các văn bản mà PV tiếp cận được cho thấy Khiêm đã ký các văn bản như: Báo cáo tử vong của các ca F0 tại khu cách ly; giấy chuyển tuyến điều trị ca F0... Trong đó ghi rõ chức danh của Khiêm là “Bác sĩ điều trị Ths. Bs Nguyễn Quốc Khiêm”, kèm chữ ký.

Trong giấy này có bút phê về chẩn đoán tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, phương pháp, thủ thuật, kỹ thuật, thuốc đã sử dụng trong điều trị…

Vụ giả bác sĩ vào Khu điều trị F0: Nhiều cơ quan đã vào cuộc xử lý - ảnh 1
Ông Nguyễn Đăng Tuyến (ảnh nhỏ), Giám đốc Trung tâm Y tế quận 12, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NT

Biết là giả nhưng vẫn tiếp tục phân công

Theo điều tra của chúng tôi và xác nhận của các cơ quan chức năng, thông tin Khiêm giả danh sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM và giả mạo mình là bác sĩ đã được Trung tâm Y tế (TTYT) quận 12 biết từ tháng 9-2021 nhưng sau đó không hề có động thái gì mà vẫn tiếp tục phân công công việc.

Cụ thể, thời điểm đầu tháng 7-2021, Khiêm dùng một thẻ sinh viên giả của Trường ĐH Y Dược TP.HCM để xin đăng ký đi tình nguyện chống dịch ở khu cách ly tập trung tại Trường CĐ Điện lực TP.HCM tại quận 12 và được tiếp nhận. Đến ngày 16-8-2021, khu cách ly này được chuyển đổi công năng thành điểm cách ly, điều trị các ca F0.

Từ tháng 7-2021, khi vừa đến khu cách ly tập trung, Khiêm đã tự xưng là bác sĩ nội trú Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Sau đó, Khiêm còn khoe giấy khen của BV Chợ Rẫy, trên đó thể hiện Khiêm là bác sĩ của BV này và được phân công nhận nhiệm vụ nhận bệnh, hậu cần. Đến ngày 16-8-2021, khi khu cách ly chuyển công năng thành khu điều trị, Khiêm nghiễm nhiên trở thành bác sĩ chính ở trung tâm cách ly, điều trị F0.

Đáng lưu ý là vào thời điểm tháng 9-2021, sau khi có những thông tin “lùm xùm” về vị thạc sĩ, bác sĩ này, TTYT quận 12 có yêu cầu Trường ĐH Y Dược xác minh Khiêm có phải là thạc sĩ, bác sĩ của trường hay không. Trao đổi qua điện thoại, trường trả lời là Khiêm không phải sinh viên của trường và thẻ sinh viên không do trường cấp.

Tuy nhiên, đến ngày 1-10-2021, UBND quận 12 ban hành quyết định về việc tiếp nhận phân công tình nguyện viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM tham gia các khu cách ly tập trung bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn quận 12 trong đó có tên của Khiêm.

Bí thư TP.HCM chỉ đạo công an “làm đến nơi đến chốn”

Tôi đã yêu cầu công an làm đến nơi đến chốn rồi báo cáo, chứ bây giờ chỉ mới thấy báo chí phản ánh thôi, chưa có thông tin nào hết. Tôi đã chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ vụ việc này.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí chiều 22-2 bên lề cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Trường ĐH Y Dược TP.HCM xác nhận: Khi có phản ánh Khiêm tự xưng là bác sĩ, đứng ra vận động từ thiện và sử dụng đồ từ thiện vào mục đích cá nhân, nhà trường có xác minh, kiểm tra thì phát hiện bằng khen, giấy tờ của Khiêm là giả và có báo lại.

“Phía TTYT sau đó có báo lại trường là Khiêm đã hoàn trả lại đồ từ thiện” - ông Nguyễn Trí Hòa, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết.

Không báo cáo vì... dịch đã qua!

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Nguyễn Đăng Tuyến, Giám đốc TTYT quận 12, cho biết Khiêm tỏ vẻ là có nghiệp vụ về y khoa, bốn bác sĩ khác cùng làm việc không hề nhận ra điều bất thường.

Theo ông Tuyến, thời điểm tháng 7-2021, tình trạng thiếu nhân lực ngành y diễn biến phức tạp, toàn quận 12 có chín khu cách ly với tám khu điều trị F0. Do thiếu nhân lực, TTYT quận 12 thực hiện xin người thì được Trường ĐH Y Dược TP.HCM giới thiệu một nhóm tám sinh viên.

“Khi nhân viên xuống nắm tình hình thì em này tự xưng là bác sĩ, đưa ra các giấy khen. Một bác sĩ ở Bình Định tăng cường vào được bố trí vào khu cách ly này cũng không phát hiện” - ông Tuyến nói.

Các cán bộ TTYT sau đó báo lại cho ông Tuyến rằng có một bác sĩ nội trú của Trường ĐH Y Dược TP.HCM đến chống dịch. “Người ta đưa xuống người nào thì mừng người đó. Sở Y tế, Trường ĐH Y Dược đưa xuống thì tin rồi. Lúc đưa xuống, trong chức năng, nhiệm vụ ghi là sinh viên khoa y” - ông Tuyến xác nhận.

Theo ông Tuyến, khi đưa máy móc, thiết bị xuống thì Khiêm biết cách lắp ráp, sử dụng và đề đạt ý kiến mượn tầng trệt để làm khu chăm sóc cho gần và dễ quan sát.

“Do Khiêm có khả năng sử dụng máy móc, TTYT quận 12 đã đưa thêm các bác sĩ từ trạm y tế để người này hướng dẫn lắp ráp, vận hành máy, đề phòng trường hợp thiếu người do nhân viên y tế nhiễm bệnh” - lãnh đạo TTYT quận 12 nói.

Ông Tuyến cũng cho biết Khiêm có kỹ năng và có bằng khen của BV Chợ Rẫy nên những người ở trung tâm cách ly, điều trị F0 đánh giá cao, không hề nghi ngờ.

Đến đầu tháng 10, Khiêm xin ngưng nhiệm vụ với lý do về trường dạy online. Lúc này, có thông tin Khiêm không phải là bác sĩ thì đơn vị mới trao đổi lại với Trường ĐH Y Dược. “Sau khi trao đổi lại với trường mới biết Khiêm không phải là bác sĩ” - ông Tuyến nói và cho biết do dịch qua rồi mà vẫn còn rất nhiều việc nên chưa xác minh, xử lý hay báo cáo cụ thể.

Về vấn đề Khiêm vận động từ thiện, tự ý ra đơn thuốc, ông Tuyến cho hay là “không rõ về vấn đề người này có kêu gọi từ thiện hay ra đơn thuốc hay không?”.

Có “lùm xùm” về việc quyên góp từ thiện

Trường ĐH Y Dược TP.HCM thừa nhận có thiếu sót trong xác minh việc đăng ký tham gia hoạt động phòng chống dịch, không lường trước về vấn đề có trường hợp giả danh sinh viên để tham gia hoạt động.

Ông Nguyễn Trí Hòa, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết thêm: Khiêm còn liên quan đến một số “lùm xùm” về việc quyên góp từ thiện.

“Bạn này có liên quan đến việc kêu gọi quyên góp các trang thiết bị y tế nhưng sử dụng không đúng mục đích. Sau đó các đơn vị dưới đó có phản ánh lại thì bạn đã hoàn trả. Lúc đó trường không trực tiếp quản lý bạn này nữa” - ông Hòa nói và cho biết Khiêm giả làm bác sĩ và đã đứng ra quyên góp với tư cách cá nhân.

“Phía TTYT sau đó có báo lại trường là Khiêm đã hoàn trả lại đồ từ thiện” - ông Hòa tiếp.

Cũng theo ông Hòa, các sinh viên đi cùng với Khiêm có phản ánh lại với nhà trường rằng Khiêm có đứng ra quyên góp từ thiện với chức danh là bác sĩ.

........................................

Nguyễn Quốc Khiêm: “Tôi đã biết sai, mong mọi người bỏ qua”

Về việc giả danh sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM rồi giả bác sĩ, Khiêm thừa nhận có tham gia chống dịch tại khu cách ly Trường CĐ Điện lực TP.HCM từ ngày 13-7-2021 và hiện đang làm công việc kinh doanh.

Khiêm cho biết đã nhận thức được cái sai khi ký giấy, đã biết lỗi và mong tất cả mọi người bỏ qua.

Về việc ký các giấy tờ với chức danh là “thạc sĩ, bác sĩ”, Khiêm nói: “Do khu cách ly đang thiếu người, chưa có bác sĩ chính; do tình hình nguy kịch của bệnh nhân nên em vượt ký cho bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên là BV quận 12. Em chưa có bằng mà ký, đó là cái sai rất lớn của em”.

Vụ giả bác sĩ vào Khu điều trị F0: Nhiều cơ quan đã vào cuộc xử lý - ảnh 2
Nguyễn Quốc Khiêm trao đổi với phóng viên Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NT

Tuy nhiên, Khiêm cho biết không nhớ số lượng giấy tờ mà mình đã ký. “Trước khi ký, em đã xin người quản lý khu cách ly” - Khiêm xác nhận và cho biết là làm tại trung tâm cách ly từ ngày 13-7 đến 1-10 thì dừng vì những “lùm xùm” tại trung tâm cách ly và xin đi về để suy nghĩ về những việc mình đã làm.

Người này cũng thừa nhận đã làm giả giấy khen có logo của BV Chợ Rẫy và một bảng điểm của Trường ĐH Y Dược. “Em không dùng cái đó để trục lợi, để khám hay làm gì với bệnh nhân... Em cũng từng học y nên có kiến thức” - Khiêm tiếp.

Về phản ánh lấy tiền phí khám chữa bệnh, đi mua thuốc, vật tư… khi làm việc tại khu cách ly thì Khiêm xác nhận có việc thu phí. Về việc huy động từ thiện, Khiêm cho là mạnh thường quân có cho dụng cụ, thiết bị y tế và dùng chung chứ không mang về nhà, không vụ lợi gì...

Về thông tin nhận tiền thưởng hàng chục triệu đồng, Khiêm cũng phủ nhận.

 

 

Xem thêm: lmth.5774401-yl-ux-couc-oav-ad-nauq-oc-ueihn-0f-irt-ueid-uhk-oav-is-cab-aig-uv/ut-tart-hnin-na/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vụ giả bác sĩ vào Khu điều trị F0: Nhiều cơ quan đã vào cuộc xử lý”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools