Giá dầu tăng lên mức gần 100 USD/thùng sau khi Nga điều quân đến hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine. Tuy vậy, đà tăng của giá dầu Brent đã chững lại vào cuối phiên sau khi các nước phương Tây công bố các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn điều mà họ lo ngại là Nga sẽ tiến hành các hành động quân sự liên quan tới Ukraine.
Cụ thể, giá dầu Brent biển Bắc đã có lúc giao dịch ở mức cao 99,5 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014, trước khi khép phiên ở mức 96,84 USD/thùng, tăng 1,52%.
Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất 7 năm qua. (Ảnh minh họa - Ảnh: Shutterstock)
Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,28% so với ngày 19/2, chạm mức cao của 7 năm là 96 USD/thùng, trước khi khép phiên ở mức 92,35 USD/thùng. Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ hôm 21/2.
Mỹ và Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào các ngân hàng Nga, trong khi Liên minh châu Âu đưa thêm nhiều chính trị gia vào danh sách đen.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt đầu tiên vào Nga, nhắm vào các ngân hàng của Nga, đồng thời cam kết sẽ trừng phạt mạnh hơn nếu Nga tiếp tục các hành động làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Ukraine. Các biện pháp trừng phạt không bao gồm nguồn cung cấp năng lượng.
Cuộc khủng hoảng Ukraine phần nào tiếp sức cho thị trường dầu mỏ đang tăng do nguồn cung khan hiếm khi nhu cầu hồi phục sau đại dịch COVID-19. Nguồn cung đã lớn hơn so với cầu, vì vậy các công ty dầu khí đã rút hết hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) đã phản đối các lời kêu gọi thúc đẩy nguồn cung nhanh chóng hơn.
Ngày 22/2, Nigeria vẫn giữ quan điểm của OPEC+ rằng không cần thêm nguồn cung, với lý do có triển vọng sản xuất nhiều hơn từ Iran nếu thỏa thuận hạt nhân của nước này với các cường quốc trên thế giới được khôi phục.
Theo giới phân tích, câu hỏi lớn đặt ra trên thị trường dầu mỏ là liệu hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga có thực sự bị gián đoạn nếu Moscow tiến vào Ukraine và các chính phủ phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt chống lại các tổ chức tài chính Nga.
Vivek Dhar, nhà phân tích của Commonwealth Bank cho rằng nếu điều này xảy ra, giá dầu Brent tương lai có thể tăng vọt trên 100 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tăng cao đã khiến giá xăng trong nước tăng lần thứ 5 liên tiếp và xác lập kỷ lục mới.
Từ chiều 21/2, giá xăng E5 RON92 lên 25.532 đồng/lít, tăng 961 đồng/lít so với giá hiện hành; xăng RON95 tăng 965 đồng/lít, lên 26.287 đồng/lít.
Với mức tăng này, giá xăng RON95 vượt mức "đỉnh" vào tháng 7/2014 (26.140 đồng một lít) Trong khi đó, giá E5 RON92 chỉ thấp hơn mức "đỉnh" thời điểm này khoảng 110 đồng một lít.
Tương tự, giá các mặt hàng dầu cũng tăng khá mạnh. Giá dầu diesel tăng 936 đồng/lít lên 20.801 đồng/lít, dầu hỏa lên 19.509 đồng/lít; dầu mazut lên 17.932 đồng/kg, tăng 273 đồng/kg.
VTV.vn - Trên thị trường thế giới, sức nóng của căng thăng giữa Nga và Ukraine đã lan sang thị trường năng lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.71860058032202202-gnuht-dsu-001-cum-tas-pa-uad-aig/et-hnik/nv.vtv