Vụ việc Nguyễn Quốc Khiêm giả bác sĩ vào khu cách ly tập trung và điều trị người bệnh COVID-19 ở Trường CĐ Điện lực TP.HCM (quận 12, TP.HCM) đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý: Hành vi của Khiêm đã vi phạm quy định nào và có dấu hiệu tội phạm hay không?
Dấu hiệu của nhiều tội
Về hành vi làm giả thẻ sinh viên, giả giấy khen… ThS Võ Văn Tài, Phó Trưởng Khoa kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu mục đích của Khiêm chỉ là để được làm tình nguyện viên chống dịch với những công việc lặt vặt, không đòi hỏi chuyên môn thì chưa đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, mục đích làm giả của Khiêm để được vào khu cách ly Trường CĐ Điện lực TP.HCM (quận 12, TP.HCM) và thực hiện những công việc đòi hỏi chuyên môn cao với danh xưng “thạc sĩ - bác sĩ” thì đã có dấu hiệu của “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức…”, theo Điều 341 BLHS năm 2015.
Về việc Khiêm mạo danh là thạc sĩ, bác sĩ và thực hiện các công việc đòi hỏi phải có chuyên môn của bác sĩ, đây là hành vi có dấu hiệu của tội “giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác”, theo Điều 339 BLHS.
“Chuỗi hành vi của Khiêm ban đầu là làm giả giấy tờ, sau đó là giả mạo cấp bậc, vị trí công tác…” - ThS Tài nhận định.
“Trong vụ này, “bác sĩ Khiêm” là người không có thật nên Khiêm không phạm tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo Điều 315 BLHS” - ông Tài nói.
Về giả định: Khiêm giả bác sĩ và có hành vi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc… gây hậu quả chết người, ThS Tài cho rằng trong khu cách ly, điều trị COVID-19 còn có rất nhiều y bác sĩ thực thụ khác. Việc xác định Khiêm gây ra hậu quả cần phải được thực hiện theo một quy trình hết sức chặt chẽ.
Ông Tài cũng giả định: Nếu hành vi làm giả giấy tờ, mạo danh của Khiêm để vào khu cách ly với động cơ vụ lợi, tìm cách lấy tiền của người bệnh thì chuỗi hành vi này mang đầy đủ bản chất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Cần lưu ý, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Khiêm cùng lúc hai tội: Tội làm giả giấy tờ và tội lừa đảo (Điều 174 BLHS) hoặc tội làm giả giấy tờ và tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” - ThS Tài nói.
Cần làm rõ trách nhiệm
Theo TS Lê Nguyên Thanh, chuyên gia tội phạm học, Trường ĐH Luật TP.HCM, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đưa người không phải sinh viên trường mình vào danh sách tình nguyện viên chống dịch.
Còn tại khu cách ly, điều trị, cần làm rõ vì sao Khiêm đang là sinh viên lại dễ dàng chấp nhận là thạc sĩ, bác sĩ điều trị và được quyền chỉ đạo, phân công giải quyết các vấn đề chuyên môn.
Từ đây, có thể xem xét mức độ, trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân đã giới thiệu, phân công một người “không phải là bác sĩ” làm “bác sĩ”.
“Hành vi của Khiêm chịu trách nhiệm đến đâu còn phụ thuộc vào kết quả xác minh, điều tra sắp tới của nhiều cơ quan có thẩm quyền…” - TS Thanh nói.
Liên quan đến trách nhiệm, TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Khoa luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho là Trường ĐH Y Dược TP.HCM và đơn vị tiếp nhận sinh viên hỗ trợ cũng có lỗi nên Khiêm đã có hàng loạt hành vi giả mạo.