Cũng may là các thuê bao di động đã dùng ứng dụng OTT để nhắn tin, bỏ qua dịch vụ SMS nhưng vẫn để lại câu hỏi có hay không độc quyền và vì sao không thấy cạnh tranh về cước tin nhắn SMS?
Nhớ lại nhiều năm trước, cước di động luôn nằm ngoài tầm tay của đại đa số người dân, nhưng nhờ tiến bộ công nghệ và có thêm nhà mạng đã giúp giá cước giảm đi. Đến khi thị trường và thị phần của các nhà mạng di động đã ổn định, cơn gió giảm giá cước không còn "lồng lộng" nữa.
Còn nhớ từ sau năm 2000, điện thoại di động bắt đầu được sử dụng nhiều tại Việt Nam. Cước tin nhắn SMS khi đó là 300 - 400 đồng/SMS nội mạng, 400 - 500 đồng/SMS ngoại mạng. Sau 20 năm, cước SMS chỉ giảm 50 - 150 đồng/SMS.
Sự bình chân của nhà mạng bất kể sự xuất hiện của hàng loạt ứng dụng nhắn tin OTT (Over The Top) trên nền Internet như Viber, Zalo, Messenger...
Chưa nói về giá, các hạn chế của tin nhắn SMS khiến dịch vụ này trở thành "người phục vụ khó tính" với cước phí trời ơi. Cứ gửi tin nhắn là trả tiền. Rồi nội dung tin nhắn không được quá dài, người gửi tin phải đếm chữ (70 ký tự có dấu hay 160 ký tự không dấu). Ai lỡ nhắn quá dài, phải chuyển qua tin đa phương tiện MMS mà đến nay không phải thuê bao di động nào cũng mở và đọc được.
Không biết các nhà mạng di động nghĩ gì khi khách hàng của họ, sau khi alô trao đổi, đa số là yêu cầu chuyển qua giao dịch bằng ứng dụng OTT vì tiện lợi cho gửi hình ảnh chuẩn HD, video, tài liệu và nhiều tin nhắn dài dằng dặc mà chẳng tốn thêm tiền.
Vì vậy, khi cước tin nhắn SMS của nhà mạng chậm giảm theo thời cuộc, phổ biến 250 - 300 đồng/SMS nội mạng, 300 - 350 đồng/SMS ngoại mạng, với người tiêu dùng, có gì đó không ổn!
Thực tế, sự bùng nổ của điện thoại thông minh, kết nối Internet và ứng dụng di động đã kéo cước kết nối mạng ngày càng rẻ đi. Ngay cước 3G/4G hay Internet cáp quang vẫn trong xu hướng giá giảm còn dung lượng và tốc độ lại tăng.
Phải chăng SMS là dịch vụ căn bản, chỉ có một số nhà mạng cung cấp nên không cần giảm giá vẫn có người dùng? Hay doanh thu từ dịch vụ SMS vẫn còn quá hấp dẫn nên nhà mạng đứng ngoài xu hướng cạnh tranh giảm giá để thu vén cho lợi nhuận của mình? Lý do gì cần phải làm rõ, nhưng với người tiêu dùng, phần lớn tự lý giải do"độc quyền" nên thế!
Chưa hết, cuộc tranh cãi liên quan cước tin nhắn SMS giữa nhà mạng di động và các ngân hàng cũng lộ ra một điều: các nhà mạng di động đang làm sứt mẻ hình ảnh tiên phong trong việc triển khai ứng dụng và cung cấp những công nghệ mới nhất cho người dùng.
Bao lâu nay họ luôn hô hào mạnh mẽ ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số, nhưng có vẻ lại ngập ngừng trước xu hướng giá dịch vụ phải cạnh tranh và ngày càng rẻ đi. Cứ thế này, cơ hội kéo người dùng trở lại với tin nhắn SMS ngày càng xa vời.
Lẽ ra tin nhắn SMS là dịch vụ cơ bản, cước phí của nó cũng nên là rẻ nhất để khuyến khích cá nhân và doanh nghiệp sử dụng. Còn như hiện nay chẳng mấy ai nghĩ đến SMS của nhà mạng nữa, trừ khi bắt buộc!
TTO - Việc các ngân hàng "tố" nhà mạng thu phí dịch vụ SMS cao, theo các chuyên gia, không phải do các nhà mạng tăng giá mà là do các ngân hàng đã không còn thu lợi từ dịch vụ này?
Xem thêm: mth.15312057032202202-sms-nahn-nit-couc-gnul-al/nv.ertiout