Kết thúc phiên 22/2, trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 484,09 điểm (1,42%), xuống 33.595,09 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 hạ 43,94 điểm (1,01%), xuống 4.304,64 điểm.
Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 164,31 điểm (1,21%), xuống 13.383,7 điểm.
Căng thẳng Nga - Ukraine gần đây đã gây áp lực lên tâm lý thị trường. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)
Đà giảm của chứng khoán Mỹ đã được hạn chế phần nào sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo về các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Nga do xung đột trong quan hệ với Ukraine.
Tổng thống Biden nói rằng ông vẫn còn hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng ngoại giao. Ông cho biết các lệnh trừng phạt, trước tiên sẽ nhắm vào các ngân hàng Nga và nợ công.
Ngay trước bài phát biểu của Tổng thống Biden, chỉ số Dow Jones và Nasdaq đều giảm hơn 2%.
Cũng trong ngày 22/2, chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm điểm tồi tệ nhất trong tháng này, với mức giảm 1,66%, dẫn đầu là các cổ phiếu ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục. Chỉ số Nikkei của Nhật phiên này cũng giảm 1,7%.
Thị trường chứng khoán châu Âu cũng chung cảnh ngộ khi Euro Stoxx 50 kỳ hạn tương lai mất 1,1% và FTSE kỳ hạn tương lai mất 0,6%.
Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 22/2, VN-Index giảm 7,37 điểm xuống 1.503,47 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 908 triệu đơn vị, tương ứng hơn 28.237 tỷ đồng. Toàn sàn có 147 cổ phiếu tăng giá, trong khi có tới 319 mã giảm giá và 30 mã đứng giá.
Căng thẳng Nga - Ukraine gần đây đã gây áp lực lên tâm lý thị trường, với các chỉ số đều giảm trong các tuần vừa qua. Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ giảm 1,9% trong tuần trước, còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1,6% và 1,8%.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 đã ra lệnh triển khai quân đội đến hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở Donbass (miền Đông Ukraine), sau khi tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng này.
Phản ứng trước động thái này, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký một sắc lệnh hành pháp, theo đó cấm doanh nghiệp và người dân Mỹ làm ăn kinh doanh tại hai nước cộng hòa tự xưng mà Nga vừa công nhận, bên cạnh những lệnh trừng phạt về tài chính.
Anh cũng bắt đầu các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào 5 ngân hàng Nga và 3 cá nhân giàu có của nước này.
"Tình hình quan hệ Nga - Ukraine vẫn rất bất ổn và căng thẳng vẫn leo thang. Trong ngắn hạn điều đó vẫn sẽ là rào cản đối với chứng khoán", Tom Essaye, Nhà sáng lập Sevens Report, nhận định.
Ngoài ra, những lo lắng về động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đặc biệt là triển vọng nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, đã khiến cổ phiếu suy giảm trong những tuần gần đây.
VTV.vn - Khi nào dòng tiền mới quay trở lại thị trường chứng khoán để xoa dịu tâm lý lo lắng, thấp thỏm của các nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.54153549032202202-eniarku-agn-gnaht-gnac-iv-aul-od-uac-naot-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.vtv