Giá rau vụ Đông cao gấp 3 lần so với năm ngoái
Thời điểm này, các địa phương đang thu hoạch những ruộng rau vụ Đông để nhường đất cho vụ tiếp theo. Trước Tết, khâu tiêu thụ khá thuận lợi, còn sau Tết thì tình hình còn khả quan hơn.
Một số năm trước, ngay sau Tết, giá rau vụ Đông rất rẻ, thậm chí có nơi bà con đổ bỏ. Tuy nhiên năm nay lại khác hoàn toàn. Về tổng diện tích, năm nay, vụ Đông toàn miền Bắc triển khai trồng khoảng 400.000 ha cây rau màu, trong đó riêng rau các loại khoảng 190.000 ha với sản lượng khoảng 3 triệu tấn.
Vụ Đông năm nay, các tỉnh trọng điểm chuyên sản xuất rau đã tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, sát với nhu cầu thị trường.
Nông dân thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội thu hoạch rau để cung cấp phục vụ thị trường. (Ảnh: TTXVN)
Nhìn vào sức tiêu thụ trước và sau Tết có thể thấy, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông được mùa được giá, đặc biệt là rau củ.
Nhà ông Hùng (xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội) có 1 ha trồng rau ăn lá và củ cải. Mỗi một lứa rau khoảng 45 ngày, ông xuất bán 10 tấn. Nếu năm 2021, giá rau ăn lá chỉ ở mức 6.000 đồng/kg; củ cải chỉ 5.000 đồng/kg thì năm nay giá tăng gấp 2 - 3 lần.
"Rau năm nay vừa được mùa, vừa được giá. Cây dưa Đông Dư có lúc lên 17.000 - 18.000 đồng/kg. Củ cải có lúc cao điểm lên 14.000 - 15.000 đồng/kg và cải ngồng 17.000 - 18.000 đồng/kg", ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Ngoài diện tích sẵn có tại Đông Cao, gia đình anh Thế (thôn Đông Cao, Tráng Việt, Mê Linh) còn thuê thêm đất của địa phương khác để trồng các loại rau ăn lá như: củ cải, cải xanh, cà chua. Anh cho biết năm nay bà con trong vùng ai cũng phấn khởi vì rau vừa được mùa lại được giá.
"Năm 2022, tất cả các mặt hàng rau củ quả bán chạy, chứ như năm ngoái lại rẻ, chỉ bán được 7.000 - 8.000 đồng thôi, nhưng năm nay lên đến 14.000 - 15.000 đồng/kg. Mỗi lứa tôi đầu tư 2 - 3 triệu đồng/sào, mà bây giờ bán được 7 - 8 triệu đồng/sào", anh Võ Văn Thế cho biết.
Toàn thôn Đông Cao có diện tích trồng rau khoảng 200 ha, trong đó có 135 ha được công nhận rau an toàn và 5ha VietGAP. Sản lượng rau trung bình hàng năm khoảng 40.000 tấn. Ngoài các doanh nghiệp ký bao tiêu sản phẩm, tại xã luôn có 60 thương lái địa phương thu mua rau củ cho bà con.
"Chúng tôi thu mua hàng ngày các loại rau củ quả cho bà con. Củ cải xấp xỉ 20 tấn và các loại dưa muối, cải ngồng, cải ngọt. Thị trường chúng tôi tiêu thụ là Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…, các tỉnh khu vực Bắc", anh Nguyễn Duy Nên, chủ cơ sở thu mua rau củ quả xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội, nói.
"Vụ xuân của năm 2022 bà con rất phấn khởi, giá rau cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021, nhất là củ cải hoặc là cải ngồng. Với diện tích bà con đang thu hoạch, hàng ngày chúng tôi xuất bán ra thị trường từ 150 - 200 tấn rau củ quả các loại", ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, Mê Linh, Hà Nội, cho hay.
Theo đại diện Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, rau vụ Đông năm nay được mùa, được giá do bà con áp dụng đúng quy trình sản xuất rau an toàn và trồng đa dạng các loại rau sát với thị trường.
Tiêu thụ thuận lợi nhờ cây vụ Đông có giá trị kinh tế
Hiện nay bà con không chỉ trồng các giống rau, củ có giá trị kinh tế, sát với thị trường nội địa mà còn phục vụ cho xuất khẩu.
Vùng trồng tỏi của tỉnh Hải Dương không phải vùng chuyên canh mà trồng xen vụ trên đất lúa vì vậy, hành, tỏi chỉ trồng vào vụ Đông. Dù mỗi năm chỉ một vụ, nhưng đây mới là cây làm giàu cho bà con nông dân.
"Nếu trồng lúa thì thu nhập 1 sào trừ chi phí chỉ còn mấy trăm, nhưng nếu trồng hành tương đối cao, ở đây dân toàn làm giàu bằng hành. Như năm vừa qua, có nhà bán một sào được hơn 20 triệu", ông Mạc Văn Thái, xã Hiệp Hòa, Thị xã Kinh Môn, Hải Dương, cho biết.
Còn vùng chuyên canh cà rốt đang được doanh nghiệp, thương lái thu mua với giá hơn 10 triệu/sào. Mức giá này, người trồng có lãi từ 5 - 6 triệu/sào.
"Cà rốt là một trong những sản phẩm đặc sản nổi tiếng của Hải Dương, được thị trường trong nước, cũng như thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Singapore, Australia, Nhật Bản, châu Âu... đặc biệt thích và 80% sản phẩm cà rốt của chúng tôi là xuất khẩu", Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho hay.
Nông dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng thu hoạch cà rốt. (Ảnh: TTXVN)
Vụ Đông năm nay cả nước trồng khoảng 400.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng 5 triệu tấn. Dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng không còn tình trạng ế thừa, khó tiêu thụ như năm ngoái.
"Không có hiện tượng ế thừa, giá cả cao hơn 15 - 20% so với những vụ Đông trước. Đối với các loại cây trồng khác, ví dụ như ngô sinh khối cũng được các địa phương liên kết thực hiện tốt nên có thể nói vụ Đông năm nay là một vụ đông thắng lợi về cả kế hoạch về cả giá trị", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
Nếu trước đây, vụ Đông chỉ là hình thức xen canh gối vụ, tranh thủ đất nông nhàn giữa hai vụ lúa, không được coi là vụ sản xuất chính, thì nay vụ Đông đang mang lại thu nhập cao cho người nông dân với tổng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng mỗi vụ.
VTV.vn - Thời tiết mưa rét khiến giá mặt hàng rau, củ tại Hà Nội tăng giá mạnh. Các mặt hàng thảo dược cũng đắt khách do nhu cầu xông hơi hỗ trợ điều trị COVID-19 của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.40385112132202202-nal-3-pag-oac-aig-gnod-uv-mos-uar/et-hnik/nv.vtv