Kết quả khảo sát hơn 4.000 CEO toàn cầu đến từ 89 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới của PwC - công ty kiểm toán hàng đầu thế giới của Anh cho thấy, phần lớn các CEO nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đều lạc quan về mức tăng trưởng 6% - 6,5% của Việt Nam nhờ sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Chỉ số PMI (quản lý thu mua) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên 53,7%. Đây là mức cao nhất kể từ thời điểm bùng phát đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.
"Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới. Với việc kiểm soát tốt đại dịch, chương trình tiêm chủng hiệu quả và chính sách sống chung với của dịch, tôi thấy rằng Việt Nam đang đi đúng quy đạo để phục hồi", bà Michele Wee - CEO Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho hay.
Dù phải trải qua năm 2021 đầy thách thức nhưng kinh tế Việt Nam đã không bị kìm hãm do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, mà vẫn tiếp tục duy trì triển vọng tích cực, giữ vững vị thế là một trong những mắt xích quan trọng sản xuất toàn cầu trong năm nay.
Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng đầu tiên của năm đã diễn ra khá sôi động với tổng kim ngạch đạt hơn 60 tỷ USD và xuất siêu đạt gần 1,4 tỷ USD. Kết quả này khả quan hơn rất nhiều so với con số được dự báo trước đó.
Việt Nam giữ vững vị thế là một trong những mắt xích quan trọng sản xuất toàn cầu. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
"Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một chiến lược đầy tham vọng nhằm mở cửa nền kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kết nối các thị trường xuất khẩu. Tôi nghĩ rằng đây là thời điểm thuận lợi để triển khai những kế hoạch đó. Chúng tôi rất lạc quan về Việt Nam vì đây là một nơi tuyệt vời để kinh doanh. Một thị trường đang phát triển và là một nơi tuyệt vời để sản xuất. Chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam", ông Thue Quist Thomasen - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam bày tỏ.
Ông Jackques Morriset - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay: "Chính phủ cần khuyến khích phát triển công cụ chia sẻ rủi ro để khuyến khích và bảo vệ doanh nghiệp như bảo hiểm tài chính xanh thông qua các công cụ thị trường vốn. Tất cả những công cụ này rất quan trọng để giảm mức độ dễ bị tổn thương và giúp ngành thương mại Việt Nam có khả năng chống chịu tốt hơn trong tương lai. Thương mại xanh cần trở thành một mục tiêu ưu tiên của Việt Nam. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ thành công và sớm trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về thúc đẩy tài chính xanh".
Chiến lược "sống chung an toàn với dịch" của Việt Nam tiếp tục khẳng định hướng đi phù hợp khi nền kinh tế tiếp tục khởi sắc ngay từ đầu năm nay, không chỉ giúp nền kinh tế nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng mà còn củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động.
VTV.vn - Với nhiều giải pháp hỗ trợ, giảm thuế và triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có thể tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!