Theo Công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn Mordor Intelligence, thị trường máy bay phản lực phục vụ cho giới kinh doanh hoặc những cá nhân có nhiều tài sản (high-net-worth individuals - HNWI) ở châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp trên 2,5%/năm từ nay đến năm 2026.
Dassault tại buổi triển lãm Singapore Airshow năm nay |
“Rất nhiều người muốn thoát khỏi các hạn chế của các hãng hàng không thương mại, và máy bay riêng dành cho giới kinh doanh tư nhân là một giải pháp, vì nó giúp họ bay theo những lịch trình linh hoạt và tiết kiệm thời gian.
Các doanh nhân có thể có nhiều cuộc họp khác nhau trong cùng một ngày, ở những nơi khác nhau trong cùng một quốc gia, hoặc ở các quốc gia khác nhau. Với máy bay riêng, họ có thể bay vào bất khi nào, đến bất cứ sân bay nào gần nơi mình làm việc, và tất nhiên khởi hành từ bất cứ sân bay nào gần nơi mình ở nhất. Đây chính là lợi thế của một máy bay phản lực phục vụ cho kinh doanh”, ông Carlos Brana - Phó chủ tịch điều hành, phụ trách mảng máy bay dân dụng của Dassault Aviation - một nhà sản xuất máy bay quân sự và kinh doanh của Pháp - giải thích.
Ông Brana cũng cho rằng, bên cạnh tính linh hoạt và tiết kiệm thời gian, các doanh nhân cũng muốn sử dụng máy bay riêng để tránh các rủi ro lây nhiễm dịch bệnh khi đi lại trên các chuyến bay thương mại đông đúc.
Tại buổi triển lãm Singapore Airshow năm nay (một cuộc triển lãm máy bay được tổ chức 2 năm một lần), Dassault đã trưng bày một số mẫu máy bay phản lực phục vụ cho giới kinh doanh như Falcon 8X, Falcon 2000LX, và mô hình của Falcon 6X.
“Theo quan sát của chúng tôi, nhiều người châu Á đang dùng máy bay cá nhân để bay đến châu Âu, Mỹ và châu Phi cho những mục đích khác nhau, và ngày càng có nhiều nhóm với số lượng người cùng bay lớn hơn, chẳng hạn như các đại gia đình đi du lịch cùng nhau. Và điều này đòi hỏi những loại máy bay có khoang hành khách lớn hơn, có khả năng bay ở tầm xa hơn”, ông Brana chia sẻ.
Theo Mordor Intelligence, tại khu vực Đông Nam Á, giới nhà giàu Indonesia đang nổi lên như một phân khúc khách hàng tiềm năng của thị trường máy bay tư nhân. Vào tháng 6/2021, Bombardier - một đối thủ của Dassault, và không xuất hiện tại Singapore Airshow năm nay - đã giao chiếc máy bay Global 7500 đầu tiên cho một “đại gia” không được tiết lộ tên ở tại Jakarta, thủ đô của nước này.
Global 7500 hiện là máy bay phản lực dùng cho giới kinh doanh đắt nhất thế giới, với giá bán 73 triệu USD, và là máy bay tầm siêu xa mới nhất và lớn nhất của Bombardier. Loại máy bay này có khả năng chở 14 hành khách và bay trong 16 giờ liên tục (tương đương thời gian bay từ New York đến Bắc Kinh).
Bên cạnh máy bay phản lực, một số doanh nhân châu Á cũng chọn máy bay trực thăng để phục vụ việc kinh doanh. “Nhu cầu máy bay trực thăng cho giới kinh doanh hiện đang tăng rất cao, đến mức cung không đáp ứng đủ cầu, với rất nhiều đơn hàng đặt trước cho cả những chiếc máy bay mới và máy bay đã qua sử dụng”, ông Jacinto Monge - Giám đốc điều hành khu vực châu Á -Thái Bình Dương của Bell Aircraft Corporation, một nhà sản xuất máy bay của Mỹ - cho biết.
Tại Singapore Airshow năm nay, Bell đã trưng bày các mẫu máy bay trực thăng bán chạy nhất của hãng này là 505 và 429.
“Chúng tôi nhận thấy các tập đoàn trên khắp châu Á - Thái Bình Dương đã mua những chiếc 505, trong khi máy bay 429 đang được các công ty ở một số quốc gia như Campuchia và Philippines sử dụng khá nhiều”, ông Monge chia sẻ.
Nhất Nguyên (theo CNA)