Việc 3 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vừa được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép khẩn cấp đang gây chú ý, đặc biệt trên thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu FRT của FPT Retail là một trong những cổ phiếu đáng chú ý các phiên giao dịch gần đây khi tăng trần liên tục sau thông tin chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu trở thành đơn vị đầu tiên ký hợp đồng phân phối thuốc Molnupiravir. Tuy nhiên, một cổ phiếu cũng được quan tâm là MKP của Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekorpha, cùng với FRT, cổ phiếu này đã có 4 phiên tăng mạnh liên tiếp.
Dược phẩm Mekorpha cũng là doanh nghiệp sản xuất thuốc điều trị Covid-19 duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Hôm 17/2, thị giá MKP vẫn đang ở mức 43.000 đồng/cổ phiếu. Đây là thị giá điều chỉnh sau đợt "lao dốc" từ mốc trên 93.000 đồng/cổ phiếu hồi 11/1. Tuy nhiên, sau thông tin Bộ Y tế cấp phép thuốc Molnupiravir trị Covid-19, cổ phiếu này ngay lập tức tăng trần lên 49.200 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 18/2).
Sau 2 ngày nghỉ lễ, cổ phiếu MKP của Mekophar lại tiếp tục tăng trần không ngừng nghỉ với biên độ 15% trên sàn UPCoM bất chấp thị trường chìm trong sắc đỏ và có thời điểm chỉ số VN-Index lao dốc 25 điểm. Đến phiên ngày 23/2, MKP cũng tăng 8,8% với 637.300 cổ phiếu được sang tay.
Cổ phiếu vốn hóa nhỏ bứt phá, nhóm dược phẩm thăng hoa nhờ thuốc trị Covid
Như vậy, chỉ sau 4 phiên giao dịch, thị giá MKP đã tăng từ 49.200 đồng/cổ phiếu lên mức 70.500 đồng/cổ phiếu. Các cổ đồng MKP kịp mua vào những phiên vừa rồi chỉ chốt lời t+3 cũng được 43,2% - mức này cao hơn mức tăng 35,7% của chỉ số VN-Index cả năm 2021.
Từng niêm yết trên HoSE
Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekorpha thành lập năm 1975 với tên gọi Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 24, là đơn vị thành viên của Tổng công ty Dược Việt Nam. Đến năm 1985 Xí nghiệp này sáp nhập với Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 22, đổi tên thành Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 24 - Mekophar. Năm 1993, Xí nghiệp liên doanh với công ty Woopyung - Hàn Quốc thành lập công ty liên doanh Woopyung - Mekophar, sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp như: Amoxicilin, Ampicilin.
Đến năm 2000, Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 24 mua lại toàn bộ phần vốn của đối tác liên doanh và Công ty liên doanh Woopyung - Mekophar trở thành phân xưởng sản xuất Kháng sinh Bêta lactam của Xí nghiệp dược phẩm TW 24.
Ngay trong năm sau, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar, chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với vốn điều lệ ban đầu là 36 tỷ đồng.
Hai năm sau, năm 2003, công ty đã góp vốn thành lập Bệnh viện đa khoa An Sinh, bệnh viện này đi vào hoạt động từ giữa năm 2006. Cùng năm 2006, công ty phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) ra công chúng, lấy mã chứng khoán là MKP, đồng thời tăng vốn điều lệ lên 84 tỷ đồng. Năm 2008, Mekophar thành lập Ngân hàng tế bào gốc MekoStem.
Năm 2010, công ty niêm yết cổ phiếu và giao dịch trên sàn HoSE của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh với vốn điều lệ sau khi tăng thêm là 92,1 tỷ đồng. Năm 2021, vốn điều lệ đã tăng lên 101,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2012, Dược phẩm Mekorpha lại hủy niêm yết trong bối cảnh muốn mở rộng sang lĩnh vực bán buôn, bán lẻ được phẩm nhưng bị vướng khoảng 4,7% vốn thuộc sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Thời điểm đó doanh nghiệp có vốn nước ngoài không được quyền phân phối dược phẩm. Do vậy, ban lãnh đạo Mekophar quyết định hủy niêm yết để thực hiện tái cơ cấu cổ đông không có vốn đầu tư nước ngoài.
Phải tới năm 2017, Mekophar mới đưa cổ phiếu trở lại thị trường chứng khoán, giao dịch trên sàn UPCoM. Qua nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của Mekophar đã nâng lên 194,2 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh "đi lùi"
Nhìn vào Báo cáo tài chính của Mekophar 10 năm trở lại đây (kể từ lần đầu niêm yết trên HoSE), kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này những năm gần đây đang có xu hướng giảm rõ rệt.
Hóa - Dược phẩm Mekophar từng đạt lợi nhuận kỷ lục 162,08 tỷ đồng 2014, hơn gấp đôi năm trước đó là 73,74 tỷ đồng. Còn doanh thu kỷ lục của doanh nghiệp cũng đạt trên 1.366 tỷ đồng vào năm 2017, trong năm đó, lợi nhuận sau thuế của công ty này là 114,65 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau năm 2017, lợi nhuận của công ty sản xuất thuốc trị Covid-19 đang niêm yết trên sàn chứng khoán này có xu hướng tụt dốc, đặc biệt là năm 2021 vừa rồi.
Trong quý IV/2021, doanh thu thuần của Mekophar đạt 306,5 tỷ đồng, giảm 5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Giá vốn bán hàng đạt 244 tỷ đồng, tăng gần 4 tỷ đồng so với quý IV/2020. Hầu hết các chi phí trong quý IV năm ngoái đều có xu hướng tăng. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 45,9%; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 37%. Lợi nhuận sau thuế của công ty này trong quý IV/2021 cũng chỉ đạt vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng, bằng 1/3 so với quý IV/2020.
Theo giải trình từ phía lãnh đạo công ty, trong quý cuối năm 2021, tiền lương và giá cả các chi phí đều tăng cao trong tình hình dịch bệnh. Ngoài ra, sản lượng sản xuất của nhà máy mới tại khu công nghệ cao chưa tăng nên cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Lũy kế năm 2021, doanh thu thuần của Hóa - Dược Mekophar đạt 1.129,8 tỷ đồng, giảm gần 20 tỷ đồng so với năm liền trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 15,86 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 39,6 tỷ đồng năm 2020. So với khoản lợi nhuận thời kỳ đỉnh cao của doanh nghiệp năm 2014 là 162 tỷ đồng, khoảng cách lợi nhuận đang chênh lệch lớn.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của công ty đạt hơn 1.628 tỷ đồng, trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 52,3%, còn lại là tài sản dài hạn. Mekophar có 379,26 tỷ đồng nợ phải trả, tăng gần 144 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng tăng 61%. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng gấp rưỡi từ mức 102,07 tỷ đồng lên 158,13 tỷ đồng.