Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất một số nội dung cấp bách trong lĩnh vực giao thông vận tải để trình HĐND TP tại kỳ họp khóa X (dự kiến diễn ra vào tháng 3 tới). Trong đó, sở này đề xuất trình HĐND TP 12 dự án giao thông trọng điểm có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu vực cửa khẩu, cảng biển.
Các dự án có ý nghĩa với kinh tế phía Nam
Sở GTVT đánh giá các dự án được sở đề xuất trình HĐND đều có tác động lan tỏa, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, góp phần phát triển kinh tế khu vực phía Nam.
Điển hình, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2023-2026, với tổng mức đầu tư gần 16.000 tỉ đồng; đường song song quốc lộ 50, dự kiến đầu tư xây dựng giai đoạn 2023-2025 với tổng mức đầu tư 3.200 tỉ đồng; tuyến đường trên cao số 1, dự kiến khởi công giai đoạn 2023-2025 với tổng mức đầu tư 17.500 tỉ đồng.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có vai trò quan trọng khi giảm tải cho quốc lộ 22 hiện đã quá tải. Ảnh: ĐT
Ngoài ra còn có dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP, dự kiến khởi công giai đoạn 2023-2025 với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỉ đồng.
Riêng dự án cầu Cần Giờ (tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng) và cầu Thủ Thiêm 4 (5.300 tỉ đồng) nếu thuận lợi sẽ bắt đầu thi công từ năm 2024. Thời gian hoàn thành trong bốn năm.
Trong đó, sở đánh giá dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài rất cấp thiết để ưu tiên đầu tư. Bởi sau khi hoàn thành, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho quốc lộ 22.
Hình thành tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ phát huy lợi thế cho các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực như TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Bên cạnh đó, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng là tuyến giao thông cao tốc xuyên Á. Dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN.
Sở GTVT kiến nghị chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo Sở KH&ĐT tổng hợp, tham mưu UBND TP trình HĐND TP khóa X xem xét, thông qua vốn chuẩn bị đầu tư 12 dự án trên theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Cần làm dứt điểm từng dự án
Ông Nguyễn Kim Toản, chuyên gia giao thông, đánh giá TP.HCM có rất nhiều dự án cần đầu tư và TP đã chọn 12 dự án có vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, TP phải tính toán làm sao để ưu tiên đầu tư và hoàn thành các dự án trọng điểm này. “Trong đó, TP cần tính toán dự án nào quan trọng nhất trong thời điểm này và đưa ra thứ tự ưu tiên đầu tư” - ông Toản nhận định.
Theo ông Toản, Sở GTVT, lãnh đạo TP, sở, ngành và các chuyên gia cũng đã góp ý rất nhiều về tình hình các điểm nóng giao thông hiện nay. Bên cạnh đó, người dân cũng bày tỏ nguyện vọng về việc sớm khởi công, hoàn thành các dự án mà họ kỳ vọng và đến nay TP cũng đã chọn được những dự án theo đúng kỳ vọng của người dân.
“Điều TP cần làm là quyết liệt, bằng mọi giá phải đưa các dự án này về đích đúng tiến độ. Theo đó, để đạt được hiệu quả thì cần cá nhân đứng đầu chịu trách nhiệm về tổng thể dự án, từ kỹ thuật đến nhà thầu… tránh tình trạng vừa khởi công vừa cầm chừng” - ông Toản góp ý.
Đồng quan điểm, ông Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cũng cho rằng trong 12 dự án trên cần xác định những dự án nào quan trọng và khẩn thiết để ưu tiên đầu tư. Các dự án này cần có chuyên gia tư vấn, chuyên gia kinh tế tính toán thật kỹ để xác định thứ tự ưu tiên đầu tư và khi làm thì phải thật hiệu quả.
Theo ông Cương, khi triển khai các dự án phải có sự dứt điểm, làm dự án nào xong dự án đó, tránh tình trạng khởi công quá nhiều nhưng không hiệu quả.
“Chúng ta cần đi theo thứ tự ưu tiên, từ nguồn vốn, mặt bằng và kỷ luật thời gian hoàn thành để dự án xong đúng tiến độ. Theo đó, những người liên quan đến tiến độ dự án đó đều phải chịu” - ông thẳng thắn.•
Cần sớm kết nối với tuyến metro số 1 Theo Sở GTVT, việc kết nối giao thông với metro cũng quan trọng, đặc biệt khi tuyến metro số 1 chuẩn bị vận hành vào năm 2023 tới. Theo đó, việc triển khai thực hiện dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là vô cùng cấp thiết. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 184 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2023. Tuy nhiên, hiện nay dự án chưa được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Để kịp thời đầu tư bổ sung các hạng mục hạ tầng, tổ chức hệ thống giao thông công cộng kết nối với các nhà ga của tuyến metro số 1, Sở GTVT kiến nghị chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở KH&ĐT khẩn trương cân đối nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND TP thông qua. Từ đó, tham mưu UBND TP bổ sung dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1 vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. |