"Hai chữ Giáo Viên, giờ thành Giúp Việc em ạ! Đó thực sự là một nỗi đau. Thật buồn khi đọc hàng loạt tin thanh lý trường mầm non. Các chủ trường, chủ nhóm lớp tư thục đang oằn mình gánh trên vai ‘sự nghiêp’ cao cả ấy. Còn giáo viên mầm non tư thục thì tự đi tìm các công việc khác để trang trải cuộc sống sau khi đã nộp đơn nghỉ việc", chị Nga tâm sự.
Những câu chuyện của chị Nga kể về các cô giáo mầm non, của các chủ trường, những người đầu tư vào ngành giáo dục mầm non đang "không biết bấu víu vào đâu" thực sự cần được lắng nghe từ phía cơ quan quản lý và toàn xã hội.
Còn với riêng chị Nga, năm nay là tròn 20 năm chị gắn bó với ngành giáo dục. Tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội Khoa Giáo dục mầm non năm 1999, được sự hậu thuẫn của gia đình, chị Nga mở trường mầm non Phương Nga Kid Moon với quy mô có lúc tới hơn 150 học sinh. Công việc trên đà phát triển, năm 2020, chị quyết định mở thêm một cơ sở ở Quan Nhân theo chương trình Motessori, đến tháng 10/2020 trường mới được cấp giấy phép nhưng trong hơn 1 năm qua, trường chưa nhận bất kỳ học sinh nào.
Năm 2020, đợt bùng phát dịch đầu tiên, những giáo viên làm trong ngành tư thục mầm non vẫn nghĩ rằng khó khăn này chỉ là tạm thời. Thời gian này, có trường vẫn hỗ trợ lương giáo viên đầy đủ, một số trường bắt đầu gặp khó khăn, cắt giảm nhân sự, cho các cô nghỉ việc không lương, hoặc hỗ trợ 700.000 – 1 triệu đồng/tháng.
Sang năm 2021, tháng 3 các trường được hoạt động trở lại. Tất cả như vỡ oà. Các cô quay lại trường với niềm hứng khởi và thái độ trân trọng công việc của mình. Nhưng lúc này bắt đầu xảy ra tình trạng khan hiếm giáo viên mầm non do một số cô đổi nghề.
"Việc tìm kiếm giáo viên trên các hội nhóm khó khăn vô cùng. Nghề giáo viên mầm non là nghề có điều kiện. Các cô phải có bằng cấp theo yêu cầu của Bộ Giáo dục, hiện nay chấp nhận bằng trung cấp, nhưng đến năm 2024 giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng trở lên. Trường của chị 50% giáo viên có bằng trung cấp còn lại là cao đẳng. Khi đó, các chủ trường phải rất vất vả để tuyển lại đủ giáo viên. Lúc này chủ trường chỉ có thể khuyến khích giáo viên bằng tiền lương, làm sao cho các bạn có thu nhập tốt hơn", chị Nga tâm sự.
Niềm vui chẳng tày gang, tháng 4/2021 các cô trò trường mầm non Phương Nga Kid Moon còn hăng say tập văn nghệ để chuẩn bị chương trình tổng kết cuối năm và kỉ niệm 20 năm thành lập trường (2001-2021), thì dịch bùng phát mạnh.
"Trường được nghỉ lễ đến hết ngày 2/5 , buổi chiều 2/5 có bạn giáo viên lên từ sáng, có bạn vừa mới bước chân từ xe xuống, còn đang loay hoay tại bến xe thì xem tin trên Zalo có tin dịch diễn biến phức tạp nên chỉ kêu lên em phải làm như thế nào, ở lại hay về. Tôi đã nhắn một vài em cố gắng ở lại, biết đâu chỉ mất 1 tháng thôi rồi Chính phủ sẽ kiểm soát được dịch như những lần trước. Lúc đó, hầu như các bạn ở lại, có bạn ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc. Tháng 5 dịch bùng phát mạnh, các bạn phải ở nhà và chi tiêu dè xẻn những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng. Lúc này xe cộ về cũng không có, trong khi tiền nhà, tiền điện vẫn phải trang trải", chị Nga chia sẻ.
Tình hình dịch buộc trường Phương Nga Kid Moon cuối tháng 5 đầu tháng 6 phải cắt bảo hiểm chung. Có trường mầm non đến giờ này chưa trả hết lương cho giáo viên từ tháng 4/2021.
"Khi nhận được lương các bạn còn cố gắng chi tiêu được 1 tháng nữa, sang đến tháng 6 vẫn hồ hởi mong chờ được đi làm trở lại. Lúc này các bạn bắt đầu tìm kiếm công việc làm thêm bên ngoài, có bạn bán hàng online, bán rau củ quả lấy tiền ship làm tiền công, có bạn làm vàng mã một ngày kiếm được 100.000 đồng, có nhiều bạn đi kiếm việc trên các hội nhóm còn bị lừa đảo…Tất cả đều cố gắng chờ đến ngày trường được mở cửa trở lại, mọi chi tiêu trong gia đình phải tiết kiệm tối đa, tất cả những gì dành cho cá nhân mình là cắt hết", chị Nga chia sẻ về cuộc sống của các cô giáo mầm non tư thục trong đợt dịch.
"Ngày 15/8 bắt đầu giãn cách toàn xã hội. Phải nói là bạn nào về đến nhà là thoát, bạn nào ở Hà Nội khổ chưa từng có", chị Nga nhớ lại.
Thời điểm này chưa có một gói hỗ trợ nào với ngành giáo dục. Giải pháp được đưa ra nhưng chưa thực hiện ngay. Chị Nga hiện giữ chức Chủ tịch Hội giáo viên mầm non tư thục Hà Nội, hội được thành lập từ năm 2017, là sân chơi của các giáo viên mầm non, với hơn 700 giáo viên mầm non tham gia. Khi thấy các hoàn cảnh khó khăn, hội đã trích quỹ hỗ trợ các bạn giáo viên đang mắc kẹt tại Hà Nội.
"Trước hoàn cảnh như thế ban lãnh đạo Hội đã họp lại và quyết định hỗ trợ giáo viên mầm non trên địa bàn Hà Nội lần 1 mỗi người một túi vật phẩm như gạo, trứng, muối…, vì tiền lúc này cũng không mua được gì khi giãn cách cứng toàn xã hội. Mặc dù quỹ không có nhiều nhưng may mắn vì tâm thiện nên gặp các tâm thiện khác, các bạn và đối tác của chúng tôi tổ chức quyên góp được vài chục triệu đồng cùng các vật phẩm ủng hộ đợt đầu cho 165 giáo viên khó khăn nhất để các bạn có thể cầm cự một thời gian ngắn.
Lúc đó, các chốt kiểm dịch cắm khắp nơi, không có ship, nhiều bạn không thể tới trường để lấy đồ ủng hộ, một số bạn có chồng có giấy phép đi đường có thể chạy qua lấy, nhưng đa phần là không có cách nào. Tôi và 2 chị em tự lái xe, tự làm cửu vạn chất đầy thực phẩm lên xe đi lòng vòng 2 ngày sang Gia Lâm, Long Biên, Sóc Sơn để trực tiếp đưa các món quà đến tay các em. Thậm chí khi phố Quan Nhân là địa điểm trường cũng bị chặn, các bạn đã phải nhận hàng, đưa hàng tập kết tại địa điểm vào ban đêm.
Đợt 1 kết thúc với niềm vui của giáo viên đã nhận được quà , nhưng những tin nhắn của các giáo viên cũng kẹt lại Hà Nội vào trang facebook của hội đã làm chúng tôi rơi nước mắt. Có cô giáo đã nhắn tin cho tôi: ‘Chị ơi cả tháng nay con em ăn cơm với lạc, nếu có thịt chị có thể cho em một suất thịt cho con em’.
Hội thấy trách nhiệm cần phải cố gắng, phải tìm đến các mạnh thường quân từ những mối quan hệ của anh chị em trong ban tổ chức. Khi chúng tôi ngỏ lời, họ đã rất nhanh chóng giúp đỡ hội chúng tôi có đủ ngân sách để giúp đỡ các đồng nghiệp. Chúng tôi vô cùng biết ơn những tấm lòng vàng.
Chúng tôi tiếp tục kêu gọi lần 2. Khối lượng hàng lần 2 rất lớn , mỗi bạn được 1 thùng mì tôm, 5kg gạo, 2 hộp trứng, 1 chai nước mắm, 2 gói gia vị, 1 chục gói sữa, chỉ thế thôi nhưng có giáo viên nhận được rơm rớm nước mắt cảm ơn chúng tôi và bảo sao chúng em được nhiều thế.
Chúng tôi phải lên danh sách để lựa chọn những bạn nào khó khăn nhất, vì hồ sơ đăng ký rất đông, đường link đăng ký chỉ 3-4 tiếng sau đã có hơn 230 người đăng ký", chị Nga kể lại.
Hành trình của những ngày hôm ấy với chị Nga là "vi diệu", "vừa buồn cười và vừa rơi nước mắt". Vì các chị đi khắp nẻo đường qua rất nhiều chốt chặn nhưng không bị giữ hỏi giấy tờ, có lẽ các chú công an và dân phòng nhìn trong xe thấy các món hàng mì tôm và thực phẩm họ cũng thông cảm. Và quan trọng nhất là tất cả đều không bị dính Covid, trở thành F0 và bị cách ly.
Đến giữa tháng 9, Hội giáo viên tư thục mầm non Hà Nội dừng toàn bộ việc hỗ trợ cho các giáo viên. Cuối tháng 9 đầu tháng 10, các trường rục rịch làm hồ sơ trợ cấp cho giáo viên đã đóng bảo hiểm xã hội được 3,7 triệu đồng/ người.
"Từ tháng 5 các em được hỗ trợ 3,7 triệu đồng/người, các bạn có con dưới 6 tuổi thì được nhận thêm 1 triệu, cộng thêm gói hỗ trợ theo Chỉ thị 15, người lao động có tên trong danh sách của nhà trường gửi lên phòng giáo dục được hưởng 1,5 triệu đồng/người. Một đồng lúc này cũng là quý, nói gì đến 3 triệu.
Có được bằng đấy rất tuyệt vời, nhưng cả đợt dịch tính ra cũng không đáng bao nhiêu, sau 7 tháng trời các bạn nhận được 1,5 triệu, chúng ta sẽ sống ra sao? Sau khi giãn cách được xoá bỏ, các giáo viên mầm non công lập họ vẫn được nhận lương đầy đủ, giáo viên hợp đồng tuỳ theo khả năng của từng trường nhưng giáo viên mầm non ngoài công lập và tư thục hoàn toàn không có gì", chị Nga chia sẻ.
Theo chị Nga, câu chuyện của các giáo viên mầm non tư thục đã khổ, câu chuyện chủ trường mầm non tư thục lại là nỗi đau khác – "Nỗi đau không biết kêu ai".
Giãn cách xã hội khiến tất cả các trường mầm non phải đóng cửa trong 2 năm. Nếu các cấp tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông có thể học online thì trường mầm non hoàn toàn không có một nguồn thu nào.
"Việc bây giờ lấy tiền ở đâu ra để trả tiền nhà, 1-2 tháng chủ nhà còn thông cảm, có những chủ nhà thực sự tốt, cho nợ 7 tháng tiền nhà bao giờ sau dịch sẽ tính toán sau. Có bạn thuê một địa điểm 70 triệu đồng/tháng, mở rộng điểm trường lên 4 cơ sở, riêng tiền thuê nhà là mấy trăm triệu, toàn nhà mặt đường, giờ không biết lấy tiền đâu mà trả.
Tiền tiết kiệm thì chỉ có thể cầm cự trong một thời gian ngắn thôi, giờ không còn nữa. Có bạn thế chấp nhà ở ngân hàng, hoặc đi vay anh chị em họ hàng với lãi suất mềm mại nhất, có bạn ở quê thì về quê vay, mà nhà ở quê vay được bao nhiêu đâu. Có những bạn phải vay xã hội đen, vay chỗ nọ đập chỗ kia với lãi suất cắt cổ, lãi mẹ đẻ lãi con.
Hiện tại đến giờ trên tất cả hội nhóm có rất nhiều thông tin chuyển nhượng trường mầm non nhưng không ai đoái hoài đến. Có bạn đầu tư hơn 1 tỷ, tiền thuê 22-25 triệu/tháng nhưng đầu tư trang thiết bị nội thất hơn 800 triệu đồng, đấy là chi phí cố định, đến lúc rao bán thì người mua chỉ trả 200 triệu đồng, cuối cùng bạn ấy đã quyết định phải thanh lý từng đồ một, thu về được vài chục triệu", chị Nga chia sẻ về những câu chuyện khó khăn trăm bề của các chủ trường mầm non trong thời Covid.
Chị Nga mong rằng, nếu chỉ cần một gói cho vay hỗ trợ từ Ngân hàng chính sách, với các khoản vay từ 50 – 100 triệu đồng, thì có thể các chủ trường sẽ cầm cự được một thời gian ngắn. Chị Nga cho biết trong nhóm 70 cơ sở mầm non, hiện có 1/3 đã chuyển nhượng, thanh lý. Hiện nay nhiều trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đã cho học sinh đi học lại vì các cháu đã được tiêm vaccine, nhưng với học sinh mầm non thì phụ huynh còn rất dè dặt.
Chị Nga chia sẻ, mình thực sự là một người may mắn trong cuộc đời vì có gia đình hậu thuẫn và có một người chồng lo toan cho cuộc sống. Hai cơ sở mầm non chị quản lý do gia đình sở hữu, chị không phải thuê nhà. Hai con của chị đã lớn, một bạn học cấp 2 và một bạn học cấp 3. Trước đây lương của chồng chị không quan tâm nhiều, nhưng giờ anh là nguồn thu chính của cả nhà. Bố mẹ cũng là những người hỗ trợ đằng sau rất lớn cho chị, ông bà có nhà cho thuê và hỗ trợ chị một phần chi phí.
"Nếu em hỏi chị có khổ không, thì chị không khổ đâu. 20 năm lập nghiệp, từ cơ sở manh mún đầu tiên, cho đến khi quận Thanh Xuân Hà Nội có hơn 120 cơ sở mầm non ngoài công lập, chị đã đầu tư không tiếc tay cho trường mầm non, dành cho các con những gì tốt nhất. Nhưng chị có đau, đau vì nỗi đau của xã hội, giáo viên của tất cả ngành tư thục cả nước, cảm thông với tất cả chủ trường mầm non bây giờ đang phải gồng mình.
Có những chủ trường tuyệt vọng thực sự. Nhiều bạn nhắn tin cho chị hỏi em có 4 cơ sở thì em làm thế nào, em có trao đổi với chủ nhà nhưng không được thông cảm. Chị đã nói rằng, nếu em quá khó khăn thì em cũng phải dứt lòng buông thôi", chị Nga chia sẻ.
Không có một thống kê đầy đủ của cả ngành mầm non để biết được có bao nhiêu cơ sở giải thể. Xã hội đang khó khăn chung. Nhưng giáo dục là hình thức kinh doanh khác, nó không được xếp vào loại gì cả. Chúng ta phải quan tâm đến việc đó.
Chị Nga mong muốn các cấp các ngành thấu hiểu được nỗi khổ, nỗi vất vả đang oằn mình chống dịch của các chủ trường mầm non tư thục. "Chúng tôi chỉ muốn Chính phủ thấu hiểu để có phương án gỡ rối trong lúc này".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đề cập đến việc bộ đã tính toán, có cơ sở dữ liệu và đề xuất gói hỗ trợ hơn 800 tỉ đồng cho các cơ sở mầm non tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chị Nga mong rằng gói hỗ trợ giáo viên ngoài công lập và giáo viên tư thục sẽ sớm được thông qua, ít nhất hỗ trợ 1 triệu/tháng, để các cô giáo có thể duy trì cuộc sống và giữ ngọn lửa yêu nghề. Hiện nay nhiều giáo viên mầm non đã tìm công việc khác tốt hơn 6-7 triệu đồng/tháng và họ không quay về nữa.
Với các bạn giáo viên mầm non, chị Nga mong rằng thời gian tới khi bình thường mới trở lại, các cô giáo vẫn còn giữ được tình yêu nghề và quay lại với nghề để khi trường được hoạt động trở lại toàn hệ thống giáo dục không bị khó khăn về nhân sự. Cuối cùng, chị Nga mong muốn chuẩn về nghề nghiệp ngành mầm non sau năm 2024 sẽ được giãn tiếp đến giai đoạn 2027-2028, các cô giáo có bằng trung cấp sư phạm có thể được đứng lớp mà chưa yêu cầu phải có bằng cao đẳng mầm non.
Về phía phụ huynh, chị Nga cho rằng con trẻ ở lứa tuổi này là lứa tuổi vàng để các con tiếp cận các nội dung phát triển trí tuệ một cách đầy đủ. Giãn cách xã hội và các trường đóng cửa yêu cầu học online trong 2 năm qua là một vấn đề đáng lo ngại khi các con thường xuyên sử dụng tivi và ipad. "Chúng tôi mong phụ huynh dành thời gian cho các con, cùng con lớn lên tại ngôi nhà của mình, phụ huynh không thể vừa là thầy vừa là mẹ như thế cần có tiếng nói chung cùng ngành giáo dục để cho ngành giáo dục có định hướng rõ ràng không bị vướng mắc như hiện nay. Mong ngành giáo dục mầm non sớm được trở lại trường".
https://cafef.vn/chuyen-nganh-mam-non-tu-thuc-thoi-covid-chu-truong-di-lam-giup-viec-theo-gio-me-con-co-giao-1-thang-an-com-voi-lac-20220223223839421.chnTheo Châu Cao
Trí Thức Trẻ