Hồ Con Rùa là nơi nghỉ chân lý tưởng của nhiều cư dân TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Bên cạnh sự háo hức kỳ vọng về một điểm đến mới mẻ, các chuyên gia và người dân mong cơ quan chức năng cố gắng lưu giữ lại hồn xưa của phần lõi công trình.
Tuổi Trẻ trao đổi với một số chuyên gia về kiến trúc và người dân TP, ghi lại những góp ý, mong mỏi.
Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ (phó chánh văn phòng Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM):
Đảm bảo lưu thông thông suốt
Hồ Con Rùa là tác phẩm kiến trúc cảnh quan có giá trị nghệ thuật sắp đặt, điêu khắc đô thị và thẩm mỹ cao. Công trình mang phong cách của thời điểm nó được xây dựng và cả đến nay cũng không lỗi thời.
Tôi thấy công trình hiện đại về thiết kế, cách xây dựng và cả vật liệu được sử dụng. Kỹ thuật xây dựng bêtông cốt thép chắc chắn, vật liệu bên ngoài là đá rửa (giả đá granite) rất đẹp. Cách xây dựng và vật liệu của công trình giúp nó bền vững qua thời gian, rất ít khi xuống cấp.
Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ
Công trình hòa lẫn vào không gian một cách nhẹ nhàng, nhuần nhị. Ví dụ như phần tháp giữa hồ hòa cùng hàng cây xung quanh nó. Về bố cục thì sinh động không theo kiểu cổ điển phải đối xứng, cân đối nặng nề.
Thiết kế phong phú theo chiều cao thấp - đứng ngang, dưới hồ có các đường vòng mềm mại. Bản thân vật liệu đã có giá trị lịch sử, gắn với thời điểm nó được xây dựng. Chúng ta phải cố gắng bảo tồn nguyên vẹn, nguyên bản.
Không chỉ là kiến trúc, hình dáng, bố cục mà cả vật liệu đều nên giữ. Qua đó dù tạo ra không gian mới nhưng chúng ta vẫn giữ được dấu ấn thời gian, sự rêu phong, niên đại công trình. Anh em làm công tác cải tạo phải hết sức lưu ý giữ lại hồn cốt, đường nét, vật liệu vốn có.
Về tôn tạo tạo mới thì tôi đánh giá khu vực này rất quan trọng về mặt giao thông, làm gì thì làm vẫn phải đảm bảo lưu thông thông suốt. Tránh tổ chức không gian đi bộ nhưng gây cản trở giao thông.
Ngoài ra, chúng ta tạo ra không gian công cộng cho mọi người vui chơi gặp gỡ, thưởng ngoạn thì phải tạo sự thuận lợi tiện ích cho người đến chơi.
Tôi thấy có các cái chưa thuận lợi là bãi đỗ xe, đây là yếu tố quan trọng không kém. Nhiều nơi thu hút người dân đến lại không có chỗ để xe, sinh ra chỗ giữ xe tự phát nhem nhuốc, mất sự hoàn thiện đồng bộ trong tổ chức đô thị.
Sự tiếp cận của người dân với phần lõi vẫn còn thấp do bậc quá cao, không thuận lợi cho người đi bộ (người có tuổi, trẻ em, người khuyết tật). Phải làm sao cho người dân thuận lợi nhưng phải an toàn, có trụ ngăn bảo vệ chứ không để xe máy chạy lên.
Các công trình mới cần đồng bộ vật liệu, bổ sung các công trình tiện ích như ghế ngồi, đèn chiếu cho người đi bộ, nhà vệ sinh công cộng, sọt rác, WiFi, camera an ninh, loa âm nhạc. Có thể thiết kế đèn chiếu sáng mỹ thuật. Khu hồ nước cần lọc nước để cải tạo cảnh quan, chất lượng nước.
Đường đi cần kẻ vạch đường cho người đi bộ, tổ chức bến xe buýt, tăng tiếp cận giao thông công cộng. Màu sắc thì tránh lòe loẹt, tạo sự dung dị nhẹ nhàng. Đặc biệt là quản lý các quảng cáo tại đây sao cho có sự đồng bộ, tránh các bảng quá to, tạp nham biến khu vực thành trung tâm quảng cáo.
Tiến sĩ Võ Kim Cương (nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM):
Chỉ nên tu sửa
Trước hết phải xác định việc cải tạo khu vực này nhằm mục tiêu gì. Có hai hướng quan tâm là cải tạo để giúp phát triển kinh tế - xã hội khu vực này và các khu vực xung quanh.
Việc cải tạo sẽ tạo ra một môi trường đô thị gắn với kinh tế, khai thác không gian tạo chỗ giải trí nhưng có thu nhập. Vấn đề thứ hai là cải tạo tạo ra cảnh quan đô thị, tạo ra cái mới hơn cái cũ nhưng vẫn giữ được kiến trúc cũ.
Tiến sĩ Võ Kim Cương
Theo tôi, cải tạo hồ Con Rùa chỉ nên tu sửa chứ không nên cải tạo quá nhiều. Chỗ nào hư thì sửa lại, bản thân nó là công trình hoàn mỹ, nếu cải tạo quá sẽ gây ra sự chắp vá.
Nên giữ lại kiến trúc phần lõi, khai thác dịch vụ vòng ngoài, xung quanh nó. Đây vẫn là trục đường giao thông nên cải tạo lại cũng cần chú ý để không gây ách tắc giao thông.
Bạn Huỳnh Thị Bích Trâm (sinh viên năm 4 Trường đại học Kinh tế TP.HCM): Tôi rất kỳ vọng về diện mạo mới của khu vực này. Mỗi ngày đều ra công viên nên tôi yêu thích từng ngóc ngách của nó. Hy vọng việc cải tạo sẽ làm cho công trình đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc độc đáo, nét lịch sử.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Quyên (ngụ phường 4, quận 3): Hồ Con Rùa là địa điểm tụ tập quen thuộc của tôi và hội bạn. Với tôi, đây là nơi gắn với kỷ niệm tuổi thơ. Thời tiết Sài Gòn nóng nên thật tuyệt vời khi nơi đây có cây xanh mát rượi và hồ nước. Ngày bé tôi đã biết và thích ghé chỗ này. Tôi mong sau khi chỉnh trang, công viên vẫn giữ nguyên nét đẹp vốn có.
Anh Trần Văn Ngoan (ngụ quận Bình Thạnh): Tôi làm nghề chạy xe ôm công nghệ và rất thích nghỉ chân tại hồ Con Rùa những lúc chưa nổ cuốc. Công viên có nhiều cây cổ thụ to rất mát, bên dưới có nhiều ghế đá to nên mấy anh em chạy xe công nghệ rất thích. Hy vọng công viên sau chỉnh trang sẽ có thêm nhiều không gian thoáng mát hơn thế này.
TTO - UBND quận 3 (TP.HCM) vừa trình đề án cải tạo hồ Con Rùa (Công trường Quốc Tế) bằng nguồn vốn xã hội hóa và đã được TP chấp thuận. Sau bến Bạch Đằng, hồ Con Rùa hứa hẹn trở thành một điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách đến TP.HCM.
Xem thêm: mth.63430909042202202-aur-noc-oh-aux-noh-uig-uul-gnag-oc/nv.ertiout