EVN được giao nhiệm vụ xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 - Ảnh: EVN
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2022, trên cơ sở chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái - trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - về phương án giá điện năm 2022 và công tác điều hành giá.
Cụ thể, Bộ Công thương yêu cầu EVN xây dựng phương án giá điện năm 2022 trên cơ sở đánh giá kỹ các chi phí đầu vào như than, khí cho sản xuất điện, kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia, kết quả kiểm tra chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2020.
Đồng thời tính toán ước tính số thực hiện kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2021, chi phí dự kiến năm 2022 của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Bộ Công thương yêu cầu EVN căn cứ vào các nội dung chỉ đạo trên để khẩn trương thực hiện, báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Phó thủ tướng.
Theo thông lệ hằng năm, Bộ Công thương sẽ họp báo công bố công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện của năm liền kề trước đó vào tháng 12. Tuy nhiên, từ năm 2020, ảnh hưởng dịch COVID-19 nên bộ này không tổ chức họp báo công bố mà thay bằng hình thức phát thông cáo và lùi thời gian công bố.
Cụ thể, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2019 lẽ ra được công bố cuối năm 2020 thì được công bố vào tháng 2-2021. Đến nay, giá thành sản xuất kinh doanh điện của năm 2020 vẫn chưa được cơ quan này thông tin.
Một lãnh đạo Bộ Công thương xác nhận với Tuổi Trẻ Online về việc "đang trình lãnh đạo thông qua" để công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện nhưng đến nay vẫn chưa xác định được thời gian cụ thể.
Việc công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện được xem là căn cứ để xác định các chi phí đầu vào, nhằm xây dựng phương án giá điện cho năm tiếp theo. Đồng thời cũng đảm bảo tính công khai, minh bạch về chi phí giá thành của ngành điện tới người dân.
Lần gần đây nhất theo công bố của Bộ Công thương về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2019 của EVN, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2019 là 387.828,78 tỉ đồng ở tất cả các khâu, với giá thành sản xuất kinh doanh điện 1.848,85 đ/kWh, tăng 7,03% so với năm 2018.
Tuy vậy, trong năm này EVN lãi 523,37 tỉ đồng, tương ứng tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2019 là 0,35%. Đáng chú ý, các khoản chưa hạch toán vào giá thành lên tới hơn 9.249 tỉ đồng.
EVN kinh doanh có lãi hàng chục nghìn tỉ
Mặc dù chưa được Bộ Công thương công bố nhưng theo thông tin EVN báo cáo về kết quả thực hiện năm 2020 gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư, tập đoàn này bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất đến cuối năm 2020 là 729.452 tỉ đồng (tăng 1,1% so với năm 2019), trong đó vốn chủ sở hữu 240.195 tỉ đồng (tăng 6%).
Công ty mẹ EVN và các công ty con cơ bản có lãi, bảo toàn và phát triển vốn được giao. Lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn đạt 14.480 tỉ đồng, tăng 4.760 tỉ đồng (49,0%). EVN đánh giá tỉ suất sinh lời tăng so với năm 2019 và ở mức hợp lý so với điều kiện đặc thù của ngành điện.
Báo cáo tài chính bán niên năm 2021 được EVN công bố cũng ghi nhận doanh thu hơn 211.600 tỉ đồng và mức lợi nhuận trước thuế tăng vọt lên 10.127 tỉ đồng.
TTO - Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, trở thành nước có quy mô hệ thống điện đứng đầu ASEAN.