Giá Bitcoin đã rơi xuống mức thấp nhất trong 2 tuần vào hôm 22/2, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội tiến vào Donetsk và Luhansk.
Bitcoin thường được những người ủng hộ nó coi là "vàng kỹ thuật số". Thuật ngữ này muốn nói đến việc Bitcoin có thể đóng vai trò là kho lưu trữ giá trị tương tự như vàng, khi là một loại tài sản không liên quan đến các thị trường tài chính khác như chứng khoán.
"Phe con bò" cũng coi Bitcoin như một loại tài sản "trú ẩn an toàn", có thể đóng vai trò như hàng rào chống lại sự bất ổn kinh tế trên toàn cầu và lạm phát gia tăng. Lạm phát vốn là yếu tố làm giảm sức mua của các loại tiền pháp định như USD.
Trong bối cảnh lạm phát ở mức cao trong lịch sử, nhiều người kỳ vọng rằng đây sẽ là thời gian mà Bitcoin tỏa sáng. Song, đồng tiền này đã mất 1 nửa giá trị kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là gần 69.000 USD vào tháng 11. Điều này khiến giới phân tích đặt ra câu hỏi liệu Bitcoin có thực sự là "vàng kỹ thuật số" hay không.
Vijay Ayyar - phó chủ tịch bộ phận phát triển doanh nghiệp và quốc tế của sàn giao dịch tiền số Luno, cho hay: "Bitcoin vẫn chưa đạt đến độ ‘chín muồi’ để được coi là vàng kỹ thuật số."
Hầm trú ẩn an toàn hay tài sản rủi ro?
Đà sụt giảm gần đây nhất của Bitcoin diễn ra song song với sự biến động của thị trường chứng khoán toàn cầu, khi S&P 500 kết thúc phiên ngày 23/2 vẫn nằm trong vùng điều chỉnh. Giá Bitcoin ngày càng có điểm tương đồng với diễn biến trên thị trường chứng khoán, mối tương quan giữa Bitcoin và S&P 500 vẫn tăng ổn định.
Các chuyên gia cho biết, thị trường tiền số đã có mối liên kết chặt chẽ hơn với những ngóc ngách đầu cơ trên thị trường như cổ phiếu công nghệ - đang lao dốc do lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất.
Chris Dick - trader định lượng tại công ty tiền số B2C2, cho biết: "Mối tương quan giữa tiền số và cổ phiếu đã lớn hơn trong vài tháng qua, khi có nhiều yếu tố vĩ mô liên quan đến lạm phát và căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine."
Ông nói thêm: "Mối tương quan này cho thấy Bitcoin đang thể hiện vai trò là một loại tài sản rủi ro, không phải hầm trú ẩn an toàn như được tung hô cách đây vài năm."
Trên thực tế, thời gian gần đây, vàng đã có diễn biến vượt trội so với Bitcoin. Giá vàng giao ngay đã đạt mức cao nhất kể từ 1/3 vào hôm thứ Ba, lên tới 1.913,89 USD/ounce.
John Roque - trưởng nhóm chiến lược kỹ thuật tại 22V Research, cho biết: "Bitcoin - loại tài sản được coi là câu trả lời cho mọi câu hỏi, đã dần suy yếu. Đáng chú ý hơn, đồng tiền này còn có diễn biến tệ hơn so với ‘kẻ thù lâu năm’ là vàng."
Roque nói: "Chúng tôi dự đoán Bitcoin sẽ quay trở lại mức 30.000 và sau đó xuống thấp hơn. Vàng dự kiến sẽ đạt mức đỉnh mới."
"Mùa đông của tiền số"
Sự sụt giảm của Bitcoin đã dẫn đến nhiều cuộc thảo luận về một thị trường gấu kéo dài, được gọi là "mùa đông của tiền số". Diễn biến tương tự gần đây nhất xảy ra vào cuối năm 2017 và 2018, khi Bitcoin mất 80% so với mức cao kỷ lục khi đó là gần 20.000 USD.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ các nhà phân tích đều tin rằng đợt sụt giá mới nhất này là dấu hiệu của một mùa đông tiền số. Nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện thị trường đã thay đổi. Hiện tại, rất nhiều nhà đầu tư tổ chức nắm giữ Bitcoin, đó là một lý do giải thích tại sao nó có mối tương quan chặt chẽ hơn với chứng khoán.
Dick của B2C2 nhận định: "Việc nhà đầu tư sở hữu các loại tài sản truyền thống chấp nhận tiền số là động lực đằng sau mối tương quan đó. Tuy nhiên, mối quan hệ này có khả năng bị cắt đứt bất cứ lúc nào do các nguyên tắc cơ bản khác nhau ở mỗi thị trường."
Theo Ayyar, để cạnh tranh hiệu quả hơn với vàng, Bitcoin cần phải được áp dụng rộng rãi hơn. Ông nói: "Bitcoin là đồng tiền có nguồn cung hạn chế, không liên kết với bất kỳ quốc gia nào. Nhưng Bitcoin cần phải trải qua một quá trình ‘tiền tệ hoá’ thích hợp, khi được nắm giữ bởi một nhóm đủ lớn, các tổ chức đưa Bitcoin vào bảng cân đối kết toán và nhiều quốc gia nắm giữ hơn sau El Salvador."
Tham khảo CNBC
http://tintuc.vdong.vn/02/1243027.htm