Tại cuộc họp hôm 23-2, Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo việc Nga tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào đất nước này sẽ có tác động tàn phá toàn cầu và có khả năng châm ngòi một "cuộc khủng hoảng tị nạn" mới.
Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield cho biết một cuộc chiến có thể khiến 5 triệu người phải di tản, trong khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhận định một cuộc xung đột như vậy sẽ đánh dấu "sự kết thúc của trật tự thế giới hiện có", hãng AFP đưa tin.
Những lời cảnh báo nghiêm trọng trên được đưa ra trong phiên họp thường niên của Đại hội đồng LHQ về "các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng tạm thời" được tổ chức hàng năm tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại cuộc họp lần thứ 58 của Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ vào ngày 23-2 về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Ảnh: AFP
Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, "thế giới của chúng ta đang đối mặt với thời khắc nguy hiểm" do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
“Nếu xung đột ở Ukraine mở rộng, thế giới có thể nhận thấy quy mô và mức độ nghiêm trọng lớn chưa từng thấy của cuộc khủng hoảng này trong nhiều năm. Đã đến lúc các bên kiềm chế, hành động một cách lý trí và tìm cách hạ nhiệt căng thẳng" - ông Guterres nói thêm.
Tổng thư ký LHQ đồng thời nhấn mạnh rằng luật pháp quốc tế “không có chỗ cho các hành động hoặc tuyên bố đưa tình hình đầy nguy hiểm ở hiện tại này tiếp tục lao xuống vực thẳm”.
Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield phát biểu tại cuộc họp lần thứ 58 của Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ vào ngày 23-2 về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Ảnh: AFP
Nói về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tị nạn mới, bà Thomas-Greenfield cho biết một cuộc tấn công của Nga có thể khiến con số 3 triệu người đang bị ảnh hưởng trước hành động quân sự của Nga ở miền đông Ukraine tăng lên khoảng 5 triệu người.
“Nếu Nga tiếp tục đi theo con đường này, có thể, theo ước tính của chúng tôi, tạo ra một cuộc khủng hoảng tị nạn mới, một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất mà thế giới phải đối mặt” - Đại sứ Mỹ tại LHQ nhấn mạnh.
Bà nói thêm rằng vì Ukraine là một trong những nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới cho các nước đang phát triển, các hoạt động quân sự của Nga "có thể khiến giá lương thực tăng vọt và dẫn đến nạn đói thậm chí còn kinh khủng hơn ở những nơi như Libya, Yemen và Lebanon".
"Những làn sóng thủy triều của hậu quả mà cuộc chiến này sẽ gây ra là không thể tưởng tượng được" - Đại sứ Thomas-Greenfield tuyên bố.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu tại cuộc họp lần thứ 58 của Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ vào ngày 23-2 về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Ảnh: AFP
Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi LHQ buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về hành động mà ông gọi là cuộc tấn công nhằm vào "các nguyên tắc cốt lõi của luật pháp quốc tế".
"Nếu Nga không có sự thay đổi quyết liệt, nhanh chóng và dứt khoát ngay bây giờ, hệ thống an ninh quốc tế và các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ duy trì trật tự an ninh toàn cầu sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Đây là một viễn cảnh nghiệt ngã, sẽ khiến chúng ta quay trở lại thời kỳ đen tối nhất của thế kỷ 20” - ông Kuleba cảnh báo.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia phát biểu tại cuộc họp lần thứ 58 của Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ vào ngày 23-2 về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Ukraine gọi những tuyên bố của Nga cho rằng những hoạt động quân sự mà Moscow tiến hành là để ngăn chặn các cuộc tấn công của Kiev ở khu vực Donbas là "vô lý" và kêu gọi Nga rút quân khỏi đất Ukraine.
“Người Ukraine chúng tôi muốn hòa bình và chúng tôi muốn giải quyết mọi vấn đề thông qua ngoại giao” - Ông Kuleba nói thêm.