Vợ chồng ông Van Horn lấy nọc rắn - Ảnh: joe.delrocco.org
Mê rắn từ năm lên 3 - 4 tuổi
Nhận được tin báo từ gia đình bà Lori Parsons, một nhân viên bắt rắn kỳ cựu của Công ty Săn bắt động vật hoang dã Florida (Mỹ) đến nhà dùng kẹp bắt lấy con rắn đuôi chuông cho vào túi nhựa và chuyển đến vườn thú bò sát Reptile World Serpentarium ở St. Cloud.
Giờ đây con rắn có nọc rất độc này phải sống với chế độ ăn chuột chết trong khu trại rắn để chờ được lấy nọc độc.
Rắn đuôi chuông kim cương Tây Mỹ (Crotalus atrox) là một trong sáu loài rắn độc cư trú ở bang Florida. Ủy ban Bảo tồn động vật hoang dã và cá bang Florida ghi nhận loài rắn này rất thích sống trong các khu vực mọc cây cọ lùn. Chúng cũng có thể chui vào hang rùa đất gopher (Gopherus polyphemus) ẩn mình suốt mùa đông.
Vườn thú bò sát Reptile World Serpentarium được nhà nghiên cứu động vật bò sát George Van Horn thành lập cách đây tròn 50 năm. Ông lớn lên ở Miami và đam mê rắn của ông có lẽ khởi đầu từ năm lên 3 hoặc 4 tuổi.
"Khi tôi lên 6 tuổi, mẹ tôi đã cho tôi vào đội hướng đạo. Chúng tôi có dịp đến tham quan trại rắn Miami Serpentarium cũ. Lúc đó, tôi mới biết người ta có thể làm việc với rắn suốt cả ngày. Sau tôi tiếp tục tìm hiểu về nọc độc và khoa học", ông giải thích trên tạp chí Orlando. Và từ đó ông mê luôn loài rắn.
Lớn lên, ông đã dành nhiều thời gian đến vùng đất ngập nước tự nhiên Everglades phía nam bang Florida rồi bắt con này con kia mang về nhà chơi. Một ngày nọ bà mẹ đi làm về đã nhìn thấy một con cá sấu bơi tung tăng... trong bồn tắm.
Ông Van Horn kể: "Quy tắc duy nhất của bà là không được mang rắn độc vào nhà. Tôi đã phá vỡ quy tắc đó có lẽ vào năm 13 tuổi".
Năm đó, bà mẹ tá hỏa khi ông mang về nhà một con rắn đuôi chuông lùn (Sistrurus miliarius). Đây là loài rắn độc đặc hữu ở Mỹ, thông thường dài từ 40 - 60cm, ăn côn trùng, động vật lưỡng cư, chim, bò sát và động vật có vú nhỏ.
Đam mê rắn của ông Van Horn càng được thăng hoa nhờ công sức của Rosa, vợ ông. Ông gặp vợ ông trong một chuyến đi săn rắn ở Costa Rica. Sau khi thành lập vườn thú bò sát Reptile World Serpentarium, ông đã hướng dẫn vợ giúp ông một tay chăm sóc bầy rắn và cách lấy nọc độc rắn.
"Cô ấy là người giỏi nhất mang lại niềm vui cho rắn và giúp chúng sinh sản", ông nhận xét.
Chơi với rắn độc là trò chơi mạo hiểm. Năm 1997, ông đã từng bị rắn cắn đến mức suýt phải trả giá bằng mạng sống. Lúc đó, ông không nghe lời vợ dặn dò trong quá trình lấy nọc độc từ một con rắn hổ mang chúa.
Ông giải thích: "Nó là con rắn sản xuất nọc độc tốt nhất của tôi và nó đã từng cắn tôi bốn lần trước đó". Ông đã phải nằm viện 33 ngày, sau đó cánh tay trái không bao giờ hồi phục chức năng hoàn toàn.
Một ngày nọ, ông đang làm việc với một con rắn đuôi chuông kim cương Tây Mỹ. Đột nhiên con rắn xoay người và móc một răng nanh vào khớp ngón tay trỏ của ông. Lập tức trong đầu ông bật ra suy nghĩ: "Không rõ chuyện này có thể tồi tệ đến mức nào?".
Vài tháng sau, trong khi đang làm việc tại công trình xây dựng, ông vỗ búa và đột nhiên đầu ngón tay của ông văng ra. Ngón tay bắt đầu tứa máu. Thì ra xương và một số mô ở đầu ngón tay đã chết. Các thợ mộc làm chung tin rằng đây là điều lạ lùng nhất mà họ chưa bao giờ nhìn thấy.
Robert Jadin trở thành chuyên gia về rắn - Ảnh: stevenspointjournal.com
Cung cấp nọc độc cho toàn thế giới
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, mỗi năm ở Mỹ có từ 7.000 - 8.000 người bị rắn độc cắn. Tuy nhiên, số lượng rắn lấy nọc độc ngày càng giảm do nông nghiệp phát triển, đô thị mở rộng và nạn săn bắt thương mại.
Chính vì vậy vườn thú bò sát Reptile World Serpentarium của ông George Van Horn đã giữ vai trò rất quan trọng, mà điểm nổi bật nhất là mỗi ngày trại rắn đều tổ chức biểu diễn lấy nọc rắn độc vào giữa trưa và 3 giờ chiều. Đích thân vợ chồng ông Van Horn lấy nọc độc rắn. Khán giả đứng quan sát qua lớp cửa kính.
Vườn thú nuôi rắn cùng với cá sấu, rùa, cự đà và nhiều loài động vật máu lạnh khác. Riêng về rắn, cơ sở này nuôi hơn 80 loài với từ 600 - 700 con và thường xuyên có từ 400 - 500 con thuộc lực lượng chuẩn bị cung cấp nọc độc.
Trao đổi với báo Florida Today, ông Van Horn cho biết trong số rắn cho nọc độc có 125 con rắn đuôi chuông. Cứ mỗi 20 ngày chúng được lấy nọc độc một lần.
Trại rắn bán mỗi năm khoảng 1kg nọc độc rắn đuôi chuông đông khô cho các nhà nghiên cứu và các trường đại học khắp thế giới. Nọc độc rắn đông khô được vận chuyển đến New Zealand. Các kỹ thuật viên tại đây tiêm một liều lượng nhỏ nọc độc rắn cho cừu để cừu sản sinh kháng thể trung hòa nọc độc.
Sau đó, máu cừu được chuyển đến Xứ Wales để các kháng thể được tinh chế, xử lý và bào chế thành thuốc điều trị rắn cắn dùng trong các bệnh viện tại Mỹ.
Bán nọc độc rắn là công việc chính của hai vợ chồng ông Van Horn suốt 50 năm qua. Bù lại ông được mua giảm giá thuốc chữa trị rắn cắn.
Ông lúc nào cũng mang thuốc theo bên người để sẵn sàng sử dụng khi rắn đớp. Sau 14 vết rắn độc cắn, ông luôn thủ sẵn một ống tiêm epinephrine để phòng trường hợp bị rắn cắn bất ngờ.
"Các protein trong nọc độc rắn đã chứng minh là công cụ nghiên cứu cực kỳ quý giá trong hầu hết các khía cạnh nghiên cứu sinh lý học. Chúng ta sử dụng các thành phần của nọc độc rắn để hiểu rõ hơn về hóa học máu, cấu trúc tế bào, các cơ chế gây bệnh, di truyền học, sinh học thần kinh", ông giải thích với các khán giả.
Cuối cùng ông nhận xét: "Nuôi rắn rất thú vị nhưng thật ra chúng không phải là vật nuôi. Đối với tôi, vật nuôi là một con vật vui mừng được gặp bạn khi bạn đi làm về. Trong khi đó rắn chẳng quan tâm đến chuyện đó. Chúng không có tình cảm mặc dù chúng có thể tạo ra ấn tượng đó".
Một ngày trên phố, Kelly Hearsey bất chợt nhận ra em gái một người bạn cũ sau hơn 30 năm chưa gặp. Cô là người phụ nữ ngoài ngành cảnh sát có kỹ năng siêu nhận dạng giàu kinh nghiệm nhất thế giới.
Trở thành nhà khoa học về rắn
Robert Jadin lớn lên ở bang Oklahoma (Mỹ). Năm 16 tuổi, anh bắt đầu say mê rắn sau khi xem tập phim Săn lùng rắn hổ mang trên chương trình truyền hình National Geographic Explorer.
Sau đó, anh liều viết thư cho giáo sư Jay Savage ở Đại học Miami, người từng là cố vấn kỹ thuật cho tập phim, để hỏi làm cách nào một thiếu niên có thể kiếm sống khi đi khắp thế giới nghiên cứu rắn. Vị giáo sư đã khuyên anh trước tiên cần phải học thật giỏi.
Thời sinh viên, lúc rảnh Jadin lại đi săn rắn trong rừng, trong sa mạc và ở các vùng ẩm. Có lúc anh làm việc như đô vật cá sấu và người giữ thú cho một công ty chuyên tổ chức tour du lịch bằng thuyền máy trong đầm lầy.
Hiện nay, TS Jadin 39 tuổi đã trở thành giảng viên khoa sinh học Đại học Wisconsin-Stevens Point. Đầu năm 2021, anh đã phát hiện một loài rắn nâu mới (Oxybelis aeneus). Cách đây vài năm, anh cũng đã mô tả một loài rắn lục mới.
Thành công của Jadin có được nhờ tình yêu hiếm có đối với rắn, sự chú ý đặc biệt đến từng chi tiết và ý chí tập trung học hỏi. Tiềm ẩn bên trong là một động lực kiên cường để trở thành nhà khoa học hàng đầu về rắn, mục tiêu mà anh đã đặt ra cho mình từ khi còn thiếu niên.
TTO - Emmanuel Rondeau đã đạt được ước mơ trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh động vật, thế nhưng anh chỉ quan tâm đến các loài thú dữ như cọp, beo, sư tử.