Chỉ số RTS sau đó phục hồi dần trong phiên chiều, với mức giảm đang thu hẹp còn khoảng 25%, hồi phục lên mức 890 điểm vào lúc 12h30 (giờ Nga). MOEX, một chỉ số khác của Nga, giảm 45,21% còn 1.690,13 điểm. Chỉ số này sau đó hồi phục lên mức hơn 2.000 điểm, thu hẹp đà giảm còn hơn 30% vào lúc 12h30 (giờ Nga).
Với việc lao dốc này, theo Bloomberg, thị trường chứng khoán Nga đã bị bốc hơi 250 tỷ USD.
Trong phiên sáng, các cổ phiếu lớn nhất của Nga tính theo vốn hóa thị trường cũng lao dốc mạnh. Theo đó, Gazprom giảm 54% xuống 129,5 ruble. Rosneft mất 59% về 178,65 ruble. Novatek sụt 48% còn ở mức 702,8 ruble. Tương tự, mỗi cổ phiếu Lukoil chỉ còn 3.173,5 ruble khi cũng giảm 47%.
Đến phiên chiều, cùng với xu hướng chung của thị trường, các mã chủ lực này lấy lại đà hồi phục. Tuy nhiên, tính đến 12h30 (giờ địa phương), chứng khoán nước này cũng vẫn còn chìm trong sắc đỏ, với mức giảm dao động từ khoảng 17% đến dưới 30%.
Sáng sớm hôm nay, Sở giao dịch chứng khoán Moskva thông báo "tạm ngừng giao dịch trên tất cả thị trường của mình cho đến khi có thông báo mới", sau khi Tổng thống Putin phát động tiến công vào Ukraine. Đến 10h sáng, thị trường được phép nối lại hoạt động.
Trong khi đó, đồng ruble của Nga giảm tới 9,4% trong giao dịch nội địa, hiện ở mức 89,6 ruble đổi một USD. Nhiều dự đoán cho rằng, việc đồng ruble chạm mốc 100 USD là có khả năng xảy ra.
"Có khả tăng tỷ giá tăng đáng kể và nằm trong phạm vi 100 USD. Tôi không nghĩ các biện pháp can thiệp sẽ được lựa chọn bởi chúng chỉ có thể ngăn chặn hiện tượng vọt quá mức. Nhưng việc tăng lãi suất sẽ sớm diễn ra", Chiến lược gia Ulrich Leuchtmann của Commerzbank AG, nhận định.
Ngân hàng trung ương Nga không đề cập đến việc tăng lãi suất, nhưng cho biết họ sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho các ngân hàng bằng cách bơm ra 1.000 tỷ rúp (11,5 tỷ USD). "Ông nói: "Tốc độ và quy mô mất giá của đồng rúp sẽ rất quan trọng. Can thiệp tiền tệ là tuyến phòng thủ đầu tiên và ngân hàng trung ương đã tích lũy dự trữ ngoại hối đáng kể để cho phép họ làm chậm tốc độ giảm giá của đồng rúp. Tuyến phòng thủ thứ hai sẽ là một đợt tăng lãi suất khẩn cấp như đã chứng kiến ở đỉnh cao của cuộc khủng hoảng đồng rúp trước đó vào năm 2014", ông Ulrich Leuchtmann, nói thêm.
Trong khi đó, các sàn chứng khoán Á đều đã đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên giao dịch hôm nay. Nikkei 225 giảm 1,81%, còn 25.970,82 điểm. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 3,21%, còn 22.901.56 điểm. Còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc và ASX 200 của Australia lần lượt giảm 2,6% và 2,99%.
Ở chiều ngược lại, giá dầu thô tiếp tục đà tăng sau khi phá mốc 100 USD. Đến 16h50, giá dầu Brent giao sau đã vượt 103 USD mỗi thùng, tăng 6,7%. Trong khi đó, dầu WTI cũng giao dịch quanh mốc 98 USD mỗi thùng, tăng hơn 6,3%.
Phiên An (theo Bloomberg, IndiaTimes)