Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp vào ngày 24/2 (giờ địa phương), khi tình hình căng thẳng giữa Nga vào Ukraine có nguy cơ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone) và làm phức tạp thêm quá trình từ bỏ lãi suất âm của ECB.
Trong một thông báo ra ngày 24/2, ECB cho biết họ đang theo dõi tình hình Ukraine để xác định bất kỳ tác động nào đối với nền kinh tế khu Eurozone. Theo đó, các quan chức ECB sẽ tiến hành đánh giá toàn diện về triển vọng kinh tế khu vực, bao gồm những diễn biến địa chính trị gần đây và hậu quả của các lệnh trừng phạt đối với tính thanh khoản, hoạt động cho vay và khả năng duy trì hoạt động của các ngân hàng châu Âu tại cuộc họp ngày 10/3 tới.
Cuộc họp tuần này nhằm chuẩn bị cho việc ra quyết định về khả năng kết thúc chương trình mua trái phiếu của ECB, đồng thời mở đường cho đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn một thập kỷ để giải quyết tình trạng lạm phát phi mã.
Gần đây, ECB đã chịu áp lực phải đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất khi lạm phát ở Eurozone đã tăng "nóng" hơn mục tiêu 2% do ECB đề ra. Vào tháng 1/2022, lạm phát tại khu vực này đứng ở mức kỷ lục 5,1%, phần lớn do giá năng lượng tăng cao vì căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Nga, nhà cung cấp chính cho châu Âu.
Nhưng các hành động quân sự giữa Nga và Ukraine đã thay đổi bức tranh chỉ sau một đêm. Chúng làm tăng khả năng chi phí năng lượng và bất ổn tài chính "leo thang", trong khi hoạt động thương mại xuống thấp hơn đối với khu Eurozone – vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Trả lời phỏng vấn của nhật báo Đức FAZ, nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB cảnh báo rằng căng thẳng Nga – Ukraine sẽ không chỉ có tác động đến giá dầu và khí đốt mà còn ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư, niềm tin của người tiêu dùng và hoạt động thương mại.
Các nhà phân tích đa phần đều đồng tình rằng ECB nhiều khả năng sẽ không rút bớt các biện pháp hỗ trợ nhanh như dự kiến trước đó.
Ông Frederik Ducrozet, chiến lược gia tại ngân hàng tư nhân Pictet, cho biết tình hình căng thẳng sẽ khiến ECB thận trọng hơn và có thể trì hoãn quyết định thu hẹp chương trình mua trái phiếu. Nhà kinh tế của ngân hàng ING Carsten Brzeski cho biết thêm ECB cũng có thể từ chối đưa ra thời hạn kết thúc chắc chắn cho chương trình mua tài sản tại cuộc họp ngày 10/3.
Với việc các ngân hàng trong Eurozone có nhiều tiền mặt và chỉ tiếp xúc hạn chế với Ukraine, giới quan sát nhận định ECB sẽ không phải can thiệp để hỗ trợ khu vực này. Nhưng các ngân hàng vẫn có thể gặp nhiều khó khăn nếu tình hình Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong khu vực.
Ông Marco Troiano, Giám đốc điều hành tại cơ quan xếp hạng tín nhiệm Scope Ratings (Đức), cho hay tuy mức độ tiếp xúc với Ukraine bị hạn chế, các ngân hàng Eurozone vẫn có thể đối mặt với các hiệu ứng gián tiếp. Ví dụ, việc giá năng lượng tăng cao có thể tác động đến tăng trưởng ở khu vực Tây Âu và ảnh hưởng tới điều kiện hoạt động của các ngân hàng tại đây.
Hiện rất khó có thể xác định chính xác mức độ ảnh hưởng kinh tế từ cuộc xung đột Nga – Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp theo từ phương Tây. Có khả năng Nga sẽ bị cô lập về tài chính thông qua việc loại trừ nước này khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
ECB hồi đầu tháng này cảnh báo việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ có tác động lớn đối với các ngân hàng Eurozone, kêu gọi họ nâng cao chuẩn bị để đối phó với các rủi ro liên quan đến tình hình địa chính trị.