vĐồng tin tức tài chính 365

Kinh tế thế giới gánh chịu những hậu quả nặng nề như thế nào khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine?

2022-02-25 03:06

Hôm 22/2, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã thông báo về các biện pháp trừng phạt Nga để đáp trả quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc công nhận 2 cộng đồng ly khai ở miền đông Ukraine. Trong khi đó, mới đây, ông Putin cũng cho biết Nga sẽ chính thức thực hiện chiến dịch quân sự đối với Ukraine.

Cuộc khủng hoảng này đã đẩy giá dầu thế giới vượt mức 100 USD và tạo dư chấn cho các thị trường hàng hóa khác, đe dọa áp lực lạm phát vốn đã ở mức cao. Nga là một siêu cường hàng hóa và là nhà cung cấp năng lượng chính cho châu Âu.

Các nước phương Tây đang "mắc kẹt" giữa việc muốn có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và mối lo ngại sẽ phải gánh chịu hậu quả. Hiện tại, châu Âu và Mỹ đã không áp dụng biện pháp chặn nguồn xuất khẩu năng lượng của Nga hoặc "đóng băng" việc sử dụng đồng USD. Mặc dù vậy, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo người dân Mỹ rằng giá xăng sẽ chịu áp lực ở quốc gia này.

Dưới đây là phân tích của Bloomberg về việc cuộc khủng hoảng leo thang của Ukraine sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới như thế nào và đâu sẽ là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất.

Châu Âu chịu áp lực

Dù hiện tại dòng chảy hàng hóa chưa gặp gián đoạn, nhưng lo ngại về căng thẳng leo thang đã khiến giá mọi thứ từ dầu khí, lúa mì đến phân bón và kim loại công nghiệp tăng vọt trong những tuần gần đây. Tại châu Âu - nơi nhận hơn 1 nửa lượng dầu và khí đốt từ Nga, các hộ gia đình đang phải trả nhiều tiền điện hơn.

Kinh tế thế giới gánh chịu những hậu quả nặng nề như thế nào khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine? - Ảnh 1.

Chỉ số giá năng lượng đối với các hộ gia đình ở châu Âu.

Giá năng lượng chiếm hơn 1 nửa tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục của Eurozone vào tháng 1. Sự bất ổn về nguồn cung trong tương lai của Nga có thể khiến tình trạng thiếu năng lượng còn tồi tệ hơn.

Giới chức ECB cho biết giá năng lượng liên tục ở mức cao có thể cản trở đà hồi phục của nền kinh tế, khi các hộ gia đình chi ít tiền hơn vào những lĩnh vực khác và "bào mòn" lợi nhuận doanh nghiệp. Các nhà kinh tế của JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng quý I đối với Eurozone từ 1,5% xuống 1%, dù vẫn dự kiến nền kinh tế sẽ quay trở lại hướng tăng trưởng trước đại dịch vào cuối năm.

Trong khi đó, Đức - quốc gia có kế hoạch ngừng hoạt động toàn bộ nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm nay, lại đặc biệt phụ thuộc vào việc nhập khẩu khí đốt. Đây là 1 lý do khiến nước này đầu tư vào đường ống Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD để tăng gấp đôi nguồn cung từ Nga. Dù đã được hoàn thành và chờ các cơ quan quản lý phê duyệt, nhưng dự án này đã bị đình chỉ như 1 phần của các biện pháp chống lại Nga.

An ninh lương thực gặp "cơn gió ngược"

Cả Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất lúa mì lớn. Giá loại lương thực này đã tăng do các bên bán lo ngại về khả năng các chuyến hàng đi qua Biển Đen bị gián đoạn. Điều này đặc biệt gây lo ngại cho các quốc gia Bắc Phi, nơi khi giá bánh mì biến động đã gây ra tình trạng bất ổn và mâu thuẫn về chính trị trong nước.

Kinh tế thế giới gánh chịu những hậu quả nặng nề như thế nào khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine? - Ảnh 2.

Ukraine và Nga chiếm 1/4 tổng xuất khẩu lúa mì.

Các quốc gia phát triển - nơi lương thực và năng lượng "đè nặng" lên ngân sách hộ gia đình, hồi phục với tốc độ chậm hơn so với các nước giàu. Họ cũng phải nâng lãi suất nhanh hơn để kiểm soát lạm phát và ngăn chặn dòng vốn chảy ra. Elina Ribakova - phó kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế ở Washington, cho biết: "Căng thẳng leo thang sẽ đẩy giá năng lượng và thực phẩm, điều này có thể khiến họ phải tiếp tục nâng lãi suất."

Kim loại là một yếu tố rủi ro khác. Theo báo cáo gần đây của Rabobank, xung đột quân sự hay các biện pháp trừng phạt mạnh hơn có thể làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu palladium của Nga - được sử dụng để tạo bộ chuyển đổi giúp giảm lượng khí thải ô tô, hoặc nhôm, thép.

Rủi ro đối với ông Biden khi cuộc bầu cử giữa kỳ sắp đến

Kinh tế thế giới gánh chịu những hậu quả nặng nề như thế nào khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine? - Ảnh 3.

Các hộ gia đình châu Âu phải trả mức giá năng lượng ngày càng cao.

Không như châu Âu, Mỹ là nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng lớn nên nền kinh tế nước này sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, ông Biden có thể phải đối mặt với rủi ro về chính trị khi giá dầu bán ra cao hơn. Trong thông báo hôm thứ Ba, ông Biden cho biết Mỹ đang thảo luận với các quốc gia khác để giảm thiểu bất kỳ tác động nào nhưng không đưa thêm thông tin chi tiết.

Peter Harrell - một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết các biện pháp chống lại Nga sẽ không gây tổn hại quá lớn đến chuỗi cung ứng của Mỹ. Trong khi đó, giới chức Fed cảnh báo rằng bất ổn địa chính trị sẽ khiến lạm phát tăng cao hơn.

Khả năng hồi phục của kinh tế toàn cầu

Kinh tế thế giới gánh chịu những hậu quả nặng nề như thế nào khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine? - Ảnh 4.

Các đối tác thương mại chính của Nga.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế vẫn dự đoán việc xung đột Nga - Ukraine đẩy giá mọi loại hàng hóa lên cao chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Điều này sẽ cho phép các NHTW bám sát kế hoạch hiện tại của họ, đó là thắt chặt chính sách tiền tệ đủ để giảm áp lực lạm phát, nhưng không "quá tay" có thể khiến đà hồi phục "trật bánh".

Ngay cả đối với châu Âu, sự tác động cũng ở mức "vừa phải". Trong khi Đức là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Nga, nhưng mối liên kết này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị thương mại của nước này. Nhiều công ty châu Âu đã giảm quy mô tiếp xúc với Nga sau khi nước này bị trừng phạt vì sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Nga như "pháo đài" vững chắc?

Các biện pháp trừng phạt Crimea đã đẩy Nga vào suy thoái và hệ thống tài chính nước này rơi vào khủng hoảng. Kể từ đó, chính phủ nước này đã nỗ lực rất nhiều để điều hướng nền kinh tế. Họ khuyến khích hoạt động sản xuất trong nước, giảm lượng nợ nước ngoài và tăng dự trữ ngoại tệ mà hiện có thể được thúc đẩy mạnh hơn nhờ giá năng lượng tăng cao.

Nếu xung đột không quá căng thẳng, kinh tế Nga có thể sẽ tiếp tục phát triển. Dù vậy, Capital Economics dự báo tăng trưởng kinh tế nước này có thể giảm xuống dưới 1%. về lâu dài, các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu có thể sẽ kìm hãm tiềm năng của kinh tế Nga.

Trung Quốc sẽ hưởng lợi?

Ngay cả khi căng thẳng quân sự và các biện pháp trừng phạt không quá đáng lo ngại, Nga có thể quay hướng sang phương Đông để tìm kiếm biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và 2 bên đã thảo luận về việc xây dựng các đường ống mới để vận chuyển khí đốt của Nga.

Nga cũng đang thảo luận với Trung Quốc để xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế, giúp họ tránh phụ thuộc vào đồng USD. Qua đó, áp lực của các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ sẽ được giảm bớt và giảm tỷ lệ nắm giữ đồng bạc xanh của chính họ.

Tham khảo Bloomberg

http://tintuc.vdong.vn/02/1243682.htm

Xem thêm: nhc.36694808142202202-eniarku-o-us-nauq-hcid-neihc-om-agn-ihk-oan-eht-uhn-en-gnan-auq-uah-gnuhn-uihc-hnag-ioig-eht-et-hnik/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kinh tế thế giới gánh chịu những hậu quả nặng nề như thế nào khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools