Thời gian vừa qua, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng nhanh. Liên tiếp trong nhiều ngày Hà Nội luôn là địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất trong cả nước, như ngày 23-2 là 7.419 ca, ngày 22-2 là 6.860 ca…
Do số ca nhiễm tăng cao nên việc khai báo y tế, cấp giấy chứng nhận là F0 của người dân ở một số phường trên địa bàn Hà Nội cũng gặp khó khăn.
Mỗi nơi mỗi cách làm
Chị Thảo ở xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết khi bị dương tính với COVID-19, chị gọi vào số điện thoại của trạm y tế xã và được thêm vào danh sách nhóm Zalo để khai báo các thông tin cá nhân để được hướng dẫn y tế và theo dõi sức khỏe hằng ngày. Sau đó, chị Thảo đã được các nhân viên y tế tới phát thuốc để chị tự điều trị tại nhà.
“Đến ngày thứ bảy tự điều trị tại nhà, đúng ra tôi phải lên trạm y tế để test khẳng định đã âm tính. Nhưng trên đó họ báo đã hết kit test nên tôi tự test và gửi hình ảnh kết quả qua nhóm Zalo. Các giấy tờ liên quan sau khi khỏi bệnh sẽ được chuyển đến tận nhà hoặc sẽ được gọi ra lấy theo giờ để tránh tụ tập đông người, dễ nhiễm COVID-19 trở lại. Tôi thấy cách làm của xã nhanh và an toàn” - chị Thảo nói.
Không may mắn như trường hợp của chị Thảo, chị LTHV, hiện là công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), cho biết chị cũng đang tự điều trị COVID-19. Trước đó, sau khi có kết quả dương tính, chị V đã ra Trạm y tế xã Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội) để khai báo. Khi tới đây, nhân viên y tế đã phát cho chị mẫu để tự khai.
Tuy nhiên, theo chị V, khu vực lấy phiếu khai báo không được phân luồng rõ ràng, F1, F0, người đi xin giấy chứng nhận đã khỏi bệnh… đứng ngồi lộn xộn, không biết ai là ai. Điều này khiến chị lo lắng vì đông người như vậy rất dễ lây nhiễm.
“Trong lúc tôi khai báo, có bà cụ đã lớn tuổi đứng sát bên và cho biết cụ là F1. Lúc này tôi phải cảnh báo cho cụ biết tôi và nhiều người khác ở đây đang là F0, cụ không nên đứng gần. Mình ý thức như vậy nhưng nhiều F0 họ không nói” - chị V chia sẻ.
Cũng theo chị V, sau khi hoàn tất thủ tục khai báo, chị về phòng trọ và phải đến bốn ngày sau chị mới nhận được quyết định cách ly y tế của UBND xã Võng La.
Đông người dân đến Trạm y tế xã Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội) làm thủ tục hoàn thành cách ly, điều trị. Ảnh: PHI HÙNG
Lực lượng nhân viên y tế mỏng
Theo ghi nhận của PV lúc 9 giờ sáng 24-2, tại khu vực Trạm y tế xã Võng La, thời điểm này rất đông người ra vào. Đa số người dân đến đây đều là các trường hợp F0, F1 đến để xin xác nhận kết thúc điều trị.
Tại lối vào bên trong khuôn viên của trạm y tế được thiết lập một hàng rào. Người dân đứng bên ngoài hàng rào hỏi vào trong và làm theo hướng dẫn của nhân viên phía trong để khai báo trên tờ khai.
Có mặt tại đây, chị Bình là công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết sau khi tự test ba lần cho kết quả âm tính tại nhà, sáng nay chị ra trạm y tế để xin xác nhận âm tính, kết thúc điều trị để quay lại công ty làm việc.
“Tôi thấy ở đây đông quá, không có phân luồng, nguy cơ tái nhiễm COVID-19 rất cao. Nên sau khi hỏi nhân viên và ghi tên vào danh sách, tôi phải đi ra phía ngoài ngay” - chị Bình nói.
Trao đổi với PV, một nhân viên của Trạm y tế xã Võng La cho biết trạm đang trong quá trình xây dựng, do đó chỉ có một lối vào duy nhất. Mỗi ngày có 200-300 trường hợp là F1, F0 đến trạm để làm các thủ tục cần thiết sau khi âm tính. Trong khi đó, nhân viên y tế chỉ có bảy người (tính cả nhân viên dược). Chưa kể, trong số nhân viên của trạm cũng bị nhiễm COVID-19 nên có lúc quá tải, khó kiểm soát hết mọi việc.
Trước đó, tại Trạm y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng xảy ra tình trạng chen chúc đông người đến làm thủ tục chứng nhận kết quả cách ly, điều trị tại nhà để đi làm trở lại.
Trước tình hình trên, lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết để tránh tình trạng tập trung đông người đến trạm y tế lấy mẫu xét nghiệm, địa phương sẽ có những điều chỉnh bằng việc tổ chức xét nghiệm theo giờ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Ngoài ra, người dân có thể tự xét nghiệm ở các cơ sở y tế có chức năng và gửi kết quả cho y tế phường hoặc tự test tại nhà rồi quay clip gửi lại cho nhân viên y tế.
Tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch trong mọi trường hợp Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, cho biết hiện nay số lượng ca F0 tăng nhiều, lực lượng y tế quận có hạn trong khi cán bộ y tế của quận cũng phơi nhiễm nhiều. Để tránh tập trung F0 đông tại trạm y tế phường, quận cố gắng đưa ra những giải pháp phục vụ người dân tốt nhất, an toàn nhất theo quy định của Bộ Y tế. Cũng theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), dù trong trường hợp nào, các đơn vị cũng nên tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch chung, phân luồng, phun khử khuẩn, hướng dẫn cho người dân tránh tụ tập đông người dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. |