Cô Trương Thị Bích Ngọc - giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM - dạy trực tuyến khi đang là F0 (ảnh chụp ngày 24-2) - Ảnh: B.N.
Khi số F0 trong trường học không chỉ là học sinh mà còn có cả giáo viên, các nhà trường bắt đầu lo lắng.
Vẫn đứng lớp
Có kết quả dương tính với COVID-19 vào ngày chủ nhật (20-2), cô Trương Thị Bích Ngọc, giáo viên lớp 5/4 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM, vẫn quyết định dạy trực tuyến cho học sinh vào ngày 21-2.
"Tôi thương học sinh của mình vì năm nay là năm cuối cấp, các em cần học tập thật tốt để tạo nền năm sau vào học lớp 6. Nhà trường không ép giáo viên phải dạy trực tuyến nhưng tôi tự thấy mình chỉ sốt nhẹ, đau họng... nên vẫn đảm đương được nhiệm vụ" - cô Ngọc chia sẻ.
Cô cho biết: "Giáo viên F0 mà dạy trực tuyến cũng có niềm vui riêng. Vì tôi cảm nhận được sự quan tâm, lo lắng mà học sinh dành cho mình, các em cứ liên tục hỏi tôi: "Cô ơi, cô đỡ chưa cô?", "Sao em thấy cô ho nhiều thế?"... Tôi phải uống rất nhiều nước để kìm cơn ho và giảm bớt triệu chứng rát họng".
Tương tự, tại Hà Nội hiếm có trường nào không có giáo viên trong diện F0, F1. Có những trường con số giáo viên F0, F1 đã đến hàng chục. Tuy nhiên, chưa chờ đến sự vận động của lãnh đạo trường, nhiều giáo viên đã chủ động tiếp quản công việc chỉ sau 1 - 2 ngày sốt cao. Có người không nghỉ buổi dạy nào.
Thầy Đặng Việt Hà, hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội), cho biết trường hiện có 7 thầy cô là F0 nhưng vẫn tham gia dạy trực tuyến.
"May là các thầy cô không ai bị nặng nhưng mệt mỏi thì không tránh khỏi. Trong tình trạng đó vẫn lên lớp là một cố gắng. Nhất là có thầy cô phải dạy ở 3 "điểm cầu". Có nghĩa thầy, cô ở nhà dạy trực tuyến với 1 nhóm học sinh cũng đang phải cách ly tại nhà và một nhóm học sinh đến trường" - thầy Hà thông tin.
Tại Hải Phòng, nơi có gần 1.300 giáo viên là F0 và nhiều giáo viên F1, hầu hết giáo viên trong diện F0, F1 vẫn dạy trực tuyến.
Một giáo viên F0 ở Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: "Nếu mệt quá mới báo ban giám hiệu bố trí người thay, còn không thì hầu hết giáo viên F0 vẫn dạy bình thường bằng hình thức trực tuyến. Tôi vừa là chủ nhiệm lớp cuối cấp vừa dạy môn học sinh bắt buộc thi tốt nghiệp nên nếu nghỉ, học sinh sẽ lo, phụ huynh cũng lo".
Đa số giáo viên bị F0 đều cố gắng giảng dạy trực tuyến chứ các thầy cô không nghỉ ngày nào. Tất cả vì các thầy cô lo lắng cho học sinh của mình, sợ sau này học sinh phải học bù bài.
Cô Phạm Thúy Hà (phó trưởng Phòng giáo dục và đào tạo quận 4, TP.HCM)
Linh hoạt
Cô Phạm Thúy Hà - phó trưởng Phòng giáo dục và đào tạo quận 4, TP.HCM - cho biết khi trong lớp xuất hiện học sinh là F0 đồng nghĩa với việc một số em đi học trực tiếp, một số em cách ly ở nhà.
Thế nên ở nhiều trường tiểu học tại quận 4, giáo viên dạy trực tiếp trên lớp sáng và chiều. Với những học sinh cách ly tại nhà thì các thầy cô sẽ gửi bài, clip, đồng thời phải sắp xếp để dạy trực tuyến vào một số buổi tối cho các em, giúp các em nắm được bài.
Trong khi đó, nhiều trường tiểu học ở quận 1, quận Phú Nhuận đã thực hiện việc dồn lớp khi dạy online. "Vì học sinh nên các thầy cô giáo sẽ không than vãn gì đâu. Tuy nhiên làm sao giáo viên giữ gìn được sức khỏe khi phải dạy 3 ca/ngày: sáng, chiều, tối?
Đặc thù của bậc tiểu học là mỗi giáo viên chủ nhiệm sẽ dạy 1 lớp. Bình thường sáng và chiều họ sẽ dạy trực tiếp với lớp của mình phụ trách. Riêng những học sinh ở nhà sẽ học trực tuyến vào buổi tối, học sinh các lớp sẽ học cùng với nhau ở lớp này.
Và thay vì mỗi giáo viên phải dạy tất cả các buổi tối trong tuần thì mỗi tổ, khối sẽ phân công các giáo viên lần lượt dạy trực tuyến cho lớp này. Như vậy sẽ đỡ mất sức hơn cho các giáo viên" - hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 phân tích.
Thầy Đặng Việt Hà cho biết trong những ngày này, hầu như tối nào ban giám hiệu cũng phải ngồi tính toán cùng các tổ bộ môn, giáo viên chủ nhiệm các khối lớp rà soát số học sinh, giáo viên là F0, F1 để tính toán xem lớp nào học trực tuyến hoàn toàn, lớp nào học "2 trong 1".
Các con số thay đổi theo ngày nên nhà trường cũng phải ứng biến từng ngày, mục tiêu là không ngừng mạch dạy học và bố trí để đủ giáo viên rải ra các lớp.
Cô Nguyễn Thị Hồng Hà - phó hiệu trưởng Trường Lomonoxop (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - cho biết trường có 8 giáo viên là F0. Các thầy, cô hiện đều tình nguyện dạy trực tuyến cả những ngày mệt mỏi nhất nhưng với tình huống giáo viên, học sinh F0 tăng nhanh từng ngày thì rất lo. Trường phải tìm cách linh hoạt ứng biến.
"Bây giờ số học sinh là F0, F1 nhiều quá, số lớp trực tuyến buổi chiều sẽ phải nhiều hơn không đủ giáo viên để dạy. Nhiều giáo viên sáng dạy trực tiếp, chiều dạy trực tuyến rất vất vả. Vì thế từ tuần tới, trường quyết định đầu tư đồng bộ thiết bị để có thể áp dụng dạy 2 trong 1" - cô Hà nói.
TP.HCM triển khai quy trình kiểm soát dịch ở trường học
Từ ngày 14 đến 22-2, TP.HCM ghi nhận 6.799 học sinh mắc COVID-19, trong đó cấp mầm non là 394 em, cấp tiểu học 2.786 em, trung học cơ sở 1.875 em, trung học phổ thông - giáo dục thường xuyên 1.744 em.
Nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa đảm bảo môi trường an toàn trong cơ sở giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập trực tiếp tại trường, UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản hướng dẫn kiểm soát dịch trong trường học.
Văn bản nêu rõ tất cả các cơ sở giáo dục, các cá nhân, đơn vị có liên quan đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch theo quy định của ngành y tế và ngành giáo dục - đào tạo; triển khai thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát dịch COVID-19 tại cơ sở giáo dục.
Không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp có triệu chứng nghi mắc COVID-19 hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.
Việc tổ chức học bán trú của học sinh trong giai đoạn hiện nay phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành giáo dục - đào tạo, trong đó cần lưu ý bảo đảm theo nguyên tắc: hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân; tăng cường vệ sinh, khử khuẩn theo quy định...
TTO - Hiện nay, mỗi lớp tại Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM sẽ có một tổ chống COVID-19 do học sinh tự quản nhằm theo dõi những biến động sức khỏe của học sinh trong lớp để kịp thời thông tin với giáo viên chủ nhiệm.
Xem thêm: mth.41782242242202202-neyut-curt-yad-am-iogn-ihgn-coud-gnohk-nav-0f-al-oc-yaht/nv.ertiout