Quân nhân Ukraine ngồi trên xe bọc thép di chuyển trên một con đường ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, ngày 24-2 - Ảnh: AP
* Sáng 25-2:
Cộng hòa Czech, Latvia và Lithuania ngừng cấp thị thực cho công dân Nga
Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala nói với báo giới: "Chúng tôi đang đình chỉ việc xử lý đơn xin thị thực của công dân Nga tại tất cả các cơ quan lãnh sự của chúng tôi, ngoại trừ các trường hợp nhân đạo".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau công bố các biện pháp trừng phạt mới lên 58 cá nhân và thực thể Nga vào ngày 24-2 để phản ứng với hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Ottawa cũng đặt 3.400 binh sĩ vào trạng thái sẵn sàng triển khai tới châu Âu, cùng với máy bay và tàu chiến.
EU nhất trí trừng phạt mạnh Nga
Tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ngày 24-2, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đồng ý áp đặt "những hậu quả to lớn và nghiêm trọng" lên Nga để phản ứng với hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, bằng cách nhắm vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế xứ sở bạch dương.
"Các biện pháp trừng phạt này bao gồm lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải, hàng hóa lưỡng dụng cũng như kiểm soát xuất khẩu và tài trợ xuất khẩu, chính sách thị thực, bổ sung thêm các cá nhân Nga, và các tiêu chí niêm yết mới" - các lãnh đạo EU nhất trí.
Giờ đây liên minh gồm 27 quốc gia này sẽ xem xét áp dụng các biện pháp "mà không có sự chậm trễ". Các biện pháp trừng phạt này sẽ có hiệu lực sau khi các văn bản pháp lý được soạn thảo và chính thức được các nước thành viên phê duyệt cũng như được đăng trên tạp chí chính thức của EU. Dự kiến điều đó diễn ra sớm nhất vào ngày 25-2.
Một phụ nữ bồng con lên chuyến tàu chạy từ Kostiantynivka, Donetsk, miền đông Ukraine tới thủ đô Kiev ngày 24-2 - Ảnh: AP
G7 lên án Nga
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến hôm 24-2, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin "lại đưa chiến tranh quay trở lại lục địa châu Âu". Họ cho rằng "ông Putin đã tự đặt mình vào mặt trái của lịch sử".
"Chúng tôi lên án Tổng thống Putin vì ông nhất quyết từ chối tham gia quá trình ngoại giao để giải quyết các vấn đề liên quan tới an ninh châu Âu, bất chấp những lời đề nghị lặp đi lặp lại của chúng tôi.
Chúng tôi đoàn kết với các đối tác, bao gồm NATO, Liên minh châu Âu (EU), và các quốc gia thành viên của họ, cũng như Ukraine. Chúng tôi vẫn quyết tâm làm những gì cần thiết để duy trì sự toàn vẹn của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" - các lãnh đạo G7 nêu trong tuyên bố chung.
Theo một quan chức Nhà Trắng, cuộc họp của G7 kết thúc chỉ sau hơn 1 giờ, kéo dài từ 9h17 tới 10h27 sáng 24-2 theo giờ bờ Đông nước Mỹ. Tham gia cuộc họp có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson và các lãnh đạo G7 khác.
Tổng thống Nga và Pháp điện đàm
Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 24-2, sau khi Nga đưa quân vào lãnh thổ Ukraine.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp đã có "cuộc trao đổi quan điểm nghiêm túc và thẳng thắn" về vấn đề Ukraine. Ông Putin đã đưa ra "lời giải thích cặn kẽ về lý do và hoàn cảnh đằng sau quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Còn Điện Elysée cho biết ông Macron đã điện đàm với ông Putin để yêu cầu chấm dứt hoạt động quân sự của Matxcơva ở Ukraine.
Radar và các thiết bị khác bị hư hại sau khi bị tấn công tại cơ sở quân sự Ukraine bên ngoài TP Mariupol, Ukraine ngày 24-2 - Ảnh: AP
Ngoại trưởng Nga khẳng định luôn sẵn sàng đối thoại
Theo Hãng tin Tass của Nga, trong tuyên bố ngày 24-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Nga sẽ luôn sẵn sàng đối thoại, đồng thời bày tỏ hy vọng vẫn còn cơ hội để quay trở lại các nghĩa vụ quốc tế. Ngoại trưởng Lavrov nói thêm rằng các biện pháp mà Nga thực hiện ở Ukraine là nhằm đảm bảo an ninh cho người Nga.
Nga tuyên bố ngày đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine "thành công"
Trong cuộc họp báo ngày 24-2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết các đơn vị quân đội Nga đã "thực hiện thành công tất cả nhiệm vụ" trong ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga nói đã vô hiệu hóa 83 mục tiêu dưới mặt đất tại Ukraine, trong đó có 11 sân bay quân sự, 3 sở chỉ huy, 1 căn cứ hải quân, 18 trạm radar của các tổ hợp phòng không S-300 và Buk-M1.
Trong khi đó, quân đội Ukraine cho biết họ đã bắn rơi ít nhất 6 máy bay và 1 trực thăng của Nga.
Khói và lửa bốc lên gần một tòa nhà quân sự sau khi bị tấn công ở Kiev, Ukraine ngày 24-2 - Ảnh: AP
* Ngày 24 tới rạng sáng 25-2:
Chuyện gì xảy ra tiếp theo sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở đông Ukraine?
"Những hàng dài ôtô đã di chuyển ra khỏi thủ đô Kiev. Nhiều người di chuyển về phía Tây với hy vọng tìm được nơi trú ẩn tại một trong số ít khu vực của Ukraine không có quân Nga. Người Ukraine đã xếp hàng tại các máy ATM để rút tiền và tích trữ thực phẩm. Ở những nơi khác, mọi người trú ẩn trong các nhà ga tàu điện ngầm và hầm tránh bom, khi tiếng còi báo động không kích vang lên" - báo New York Times (Mỹ) mô tả những gì diễn ra ở Ukraine trong 24 giờ qua.
Cả Mỹ và các nước châu Âu đều tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Nga nếu Matxcơva tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn diện vào Ukraine. Tuy nhiên, theo báo New York Times, khả năng có sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào căng thẳng Nga - Ukraine dường như rất thấp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng "chiến dịch quân sự" nói trên cần thiết để bảo vệ thường dân ở miền đông Ukraine. Ông Putin khẳng định mục tiêu của chiến dịch không phải là chiếm đóng Ukraine, mà mục tiêu là "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, đồng thời bắt những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm về tội ác đẫm máu chống lại dân thường, gồm cả công dân Nga". Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào Nga sẽ kết thúc chiến dịch này.
Người dân đứng bên ngoài một tòa nhà bị phá hủy sau các vụ đánh bom vào thị trấn Chuguiv, miền đông Ukraine vào ngày 24-2 - Ảnh: AFP
Theo trang Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), diễn biến trên thực địa ở Ukraine sẽ gây ra những hậu quả kinh tế và chính trị sâu rộng ở châu Âu. Nền kinh tế châu Âu - vốn có dấu hiệu phục hồi từ đầu năm nay sau đại dịch COVID-19 - sẽ chịu đòn tấn công mạnh.
Vì một số nước châu Âu từ lâu đã duy trì quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ với Nga, nên lệnh trừng phạt mạnh tay của Mỹ và các đồng minh áp lên Nga sẽ tạo ra cú sốc cho chuỗi cung ứng khu vực, gồm nguồn cung năng lượng. Nga vốn là nhà cung cấp dầu và khí đốt quan trọng cho nhiều nước châu Âu.
Và xung đột cũng kéo theo một chuỗi hậu quả không mong muốn. Một trong những tác động trực tiếp của xung đột quân sự ở châu Âu là dòng vốn từ thị trường châu Âu sẽ chảy sang Mỹ, giúp giảm bớt phần nào áp lực mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang đối mặt. FED đang cân nhắc nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng ở Mỹ.
Ngoài ra, theo Thời báo Hoàn Cầu, các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Nga đồng nghĩa nhiều nước châu Âu sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ do Washington cung cấp. Tất nhiên, khi giá dầu và khí đốt tiếp tục tăng, lạm phát ở các nước châu Âu sẽ càng trầm trọng hơn.
Phái đoàn Ukraine và Nga "khẩu chiến" tại Liên Hiệp Quốc
Phái đoàn Ukraine và Nga trao đổi căng thẳng tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, sau khi Nga tuyên bố phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào ngày 24-2.
Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya cáo buộc Nga tuyên chiến với đất nước của ông. Đáp lại, người đồng cấp Nga Vassily Nebenzia đổ lỗi cho Ukraine vì đã không chú ý tới lời khuyên của Nga về việc ngăn chặn "các hành động khiêu khích" ở khu vực Lugansk và Donetsk thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraine.
Người Ukraine xuống đường phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine
Nhiều hình ảnh được truyền thông quốc tế chia sẻ cho thấy người Ukraine và các công dân nước khác có mặt gần Đại sứ quán Nga ở Podgorica (Montenegro), trước Lãnh sự quán Nga ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), bên ngoài Đại sứ quán Nga ở Rome (Ý), xuống đường ở Barcelona (Tây Ban Nha), Berlin (Đức), The Hague (Hà Lan), London (Anh)... vào ngày 24-2.
Những người Ukraine sống ở Montenegro tụ tập phản đối hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Họ xuất hiện gần Đại sứ quán Nga ở Podgorica, Montenegro vào ngày 24-2 - Ảnh: REUTERS
Họ đưa ra nhiều khẩu hiệu, trong đó có nội dung kêu gọi các lực lượng Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraine. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở miền đông Ukraine.
TTO - Cơ quan chức năng Nga - Ukaine đã ghi nhận một số thiệt hại mới nhất ở hai bên. Cụ thể, Ukraine nói có 18 người chết do Nga không kích còn Nga cho biết có 2 tàu dân sự Nga bị trúng tên lửa của Ukraine.
Xem thêm: mth.29412721242202202-agn-oav-mahn-peit-neil-tahp-gnurt-pahp-neib-cac-2-52-yagn-eniarku/nv.ertiout