Ngày 24/2, Nga đã phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, tạo ra một làn sóng chấn động quét qua thị trường tài chính và làm dấy lên lo ngại về sự phân chia nguồn cung khí đốt trên thế giới.
Giá khí đốt châu Âu tăng vọt sau tin tức về các động thái của Nga. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao sau chuẩn quốc tế lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng kể từ năm 2014.
Các nhà phân tích của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết: "Quá trình vận chuyển khí đốt của Ukraine có thể sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến nguồn cung của một số quốc gia Trung và Đông Âu, đồng thời làm tăng giá khí đốt ở châu Âu".
Mỹ, Canada, Anh, Liên minh châu Âu, Australia và Nhật Bản là một trong những quốc gia công bố các đợt trừng phạt đầu tiên nhằm vào các ngân hàng và cá nhân giàu có của Nga. Đợt trừng phạt thứ hai có thể được ban bố trong thời gian tới.
Đức cũng đã ngừng phê chuẩn dự án đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi có tên Nord Stream 2. Hành động này khiến nhiều quốc gia phải suy nghĩ lại về sự lệ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga ngừng cung khí đốt?
Việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Ukraine được coi là một trong những cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ. Điều này cũng được cho là sẽ có những tác động sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, Nga đóng vai trò là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới và là quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Trong nhiều tháng, Nga đã bị cáo buộc cố ý làm gián đoạn nguồn cung khí đốt để khẳng định vai trò là nhà cung cấp năng lượng lớn của châu Âu, trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Ukraine.
Đây thậm chí còn là chủ đề chỉ trích công khai hiếm hoi của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). IEA kêu gọi Nga tăng cường cung cấp khí đốt cho châu Âu và đảm bảo trữ lượng trong giai đoạn nhu cầu tăng cao vào mùa đông.
Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ các tuyên bố cho rằng Nga sử dụng khí đốt làm vũ khí địa chính trị. Công ty quốc doanh Gazprom cho biết họ đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng với khách hàng.
Giờ đây, các nhà phân tích năng lượng lo ngại sâu sắc về nguy cơ gián đoạn hoàn toàn nguồn cung đối với Liên minh châu Âu. Khu vực này nhận khoảng 40% khí đốt thông qua các đường ống của Nga. Một số đường ống còn chạy qua Ukraine.
Nếu Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt, những hậu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng sẽ rất nặng nề, đặc biệt là trong mùa đông và đại dịch Covid-19 còn chưa chấm dứt.
Kateryna Filippenko, nhà phân tích của công ty tư vấn và nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie, cho biết "mọi thứ rõ ràng có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều" nếu xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu bị gián đoạn.
Nhà phân tích mô tả viễn cảnh châu Âu sẽ phải kéo mọi đòn bẩy trong hệ thống năng lượng để cung cấp đủ điện: giảm tiêu thụ khí đốt, tăng cường các nhà máy than và hạt nhân, tối đa hóa sản xuất khí đốt nội địa và nhập khẩu đường ống, thuyết phục châu Á dùng than và "nhường" khí đốt. Nhưng Filippenko cho rằng đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời.
Bà nói: "Nếu tất cả khí đốt từ Nga bị cắt, châu Âu sẽ không có cơ hội đối phó". Châu Âu sẽ chỉ có thể ổn định trong ngắn hạn nhờ trữ lượng lớn và nhu cầu năng lượng thấp vào mùa hè.
Nhưng trong trường hợp gián đoạn kéo dài, trữ lượng khí đốt không được bổ sung lại trong suốt mùa hè, châu Âu sẽ phải đối mặt với một tình huống thảm khốc khi lượng khí đốt dự trữ cho mùa đông tiếp theo gần như bằng không. Giá khi ấy sẽ đắt cắt cổ. Các ngành công nghiệp sẽ phải đóng cửa. Lạm phát sẽ tăng phi mã. Cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu rất có thể sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái toàn cầu.
Vị thế đặc biệt của Trung Quốc
Troy Vincent, nhà phân tích thị trường cấp cao tại DTN Markets, trao đổi với CNBC qua email rằng không có sự thay thế cho lượng dầu và khí đốt của Nga mà không kéo theo giá cả tăng cao và khả năng gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng.
Ông nói: "Rõ ràng việc trừng phạt Nga xuất khẩu năng lượng sang châu Âu và khắp thế giới sẽ đồng nghĩa với sự tàn phá không thể tránh khỏi đối với tăng trưởng kinh tế và ngân sách của chính phủ".
Ông Vincent cho biết: "Các lệnh trừng phạt đối với dầu và khí đốt của Nga đồng nghĩa với việc giá năng lượng trên thế giới sẽ cao hơn". Nhưng ông lưu ý rằng cơ sở hạ tầng đường ống của Trung Quốc nối với Nga và việc Bắc Kinh sẵn sàng phớt lờ các lệnh trừng phạt từ Mỹ đặt nước này vào vị thế đặc biệt.
Trung Quốc có khả năng trở thành quốc gia lớn duy nhất trên thế giới hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt. Nước này thu hút ngày càng nhiều sản lượng dầu và khí đốt giảm giá từ Nga.
Stewart Glickman, nhà phân tích tại CFRA, cho biết rằng các lệnh trừng phạt vào Nga sẽ gây ra "những hậu quả đáng kể" đối với thị trường năng lượng.
Glickman lưu ý rằng ngoài việc là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên khổng lồ cho châu Âu, Nga cũng là nhà sản xuất lớn về nhiên liệu hóa thạch và nằm trong số ba nước đứng đầu về sản lượng dầu thô.
Glickman cho rằng việc ngắt nguồn cung khí đốt sẽ gây ra thiệt hại về mọi mặt. Nga cũng sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng vì ngân sách của nước này phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu hàng hóa. Người mua cũng sẽ bị tác động vì nhu cầu nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ cao và các nhà cung cấp khác có thể sẽ nâng giá.
Tham khảo CNBC
http://tintuc.vdong.vn/02/1244405.htm