Hầu hết các mặt hàng tăng giá
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá nhiều mặt hàng ở TPHCM đã và đang tăng. Chị Kim Duyên - chủ sạp tạp hóa Kim Duyên ở chợ Tân Định, Q.1 - cho biết, giá sữa đặc hộp giấy của Vinamilk đã tăng 15.000 đồng, lên 675.000 đồng/thùng và nhà phân phối thông báo giá sẽ còn tiếp tục tăng thêm; giá sữa tươi cũng tăng thêm khoảng 5.000 đồng, lên 336.000 đồng/ thùng 12 hộp.
Giá một số mặt hàng thực phẩm như dầu ăn, nước mắm, đường cát trắng giảm khoảng 1.000 - 1.500 đồng/lít hoặc kg nhưng do giá của nhóm hàng này đã tăng khá mạnh trong dịp tết Nguyên đán vừa qua nên mức giảm chưa đưa giá về mức bình thường. Chẳng hạn, giá đường cát tinh luyện Biên Hòa tăng 7.000 đồng, lên 28.000 đồng/kg vào dịp tết nhưng nay chỉ giảm 1.000 đồng/kg; giá đường vàng loại nhất tăng 5.000 đồng, lên 35.000 đồng/kg vào dịp tết nhưng nay không giảm; giá dầu ăn Orchid tăng thêm 80.000 đồng/bình nhưng nay chỉ giảm 10.000 đồng/bình…
Giá xăng dầu tăng đang tạo áp lực lớn đối với giá cả hàng hóa, dịch vụ - Ảnh: Thanh Hoa |
“Tuần trước, khi tôi mua hàng thì nhà phân phối vẫn áp dụng 10% thuế giá trị gia tăng (VAT). Có một số mặt hàng không hiển thị mức VAT trong hóa đơn nên không rõ đã giảm thuế này chưa. Thường sau tết, sức mua chậm, hàng hóa có xu hướng giảm giá nhẹ nên tiểu thương không biết giá này giảm là do sức mua hay do đã giảm thuế VAT. Nhưng khi giá mua vào giảm thì khi bán ra, chúng tôi luôn giảm cho khách” - chị Kim Duyên nói.
Anh Bảo - chủ một đại lý hàng tiêu dùng ở chợ Rạch Ông, Q.8 - cho biết, thực phẩm khô (mì, bún, nấm…), nước mắm, nước tương, bột ngọt, dầu ăn đã đồng loạt tăng giá từ tháng 10/2021 và đang tiếp tục đà tăng giá theo giá nguyên vật liệu, nhân công, xăng dầu. Có những sản phẩm được nhà sản xuất điều chỉnh tăng giá 2 - 3 lần. Chẳng hạn, giá bột ngọt trong nước sau mấy lần điều chỉnh giá đến nay đã tăng 10.000 - 15.000 đồng/sản phẩm, trong khi bột ngọt nhập từ Nhật Bản chỉ tăng 2.000 - 3.000 đồng/sản phẩm. “Mặt hàng nào cũng tăng giá ít nhất là 5 - 10%, nhiều thì 20 - 30%. Thế nhưng, sức tiêu thụ hàng hóa lại giảm mạnh, chỉ bằng 30% so với trước nên tôi không dám tăng giá nhiều” - anh Bảo nói.
Đại diện các hệ thống siêu thị LOTTE Mart, MM Mega Market cho biết, một số nhà cung cấp thực phẩm khô đã gửi đề nghị tăng giá. Không cung cấp con số cụ thể, nhưng đại diện các siêu thị cho biết, việc tăng giá là khó tránh khỏi. Theo đại diện LOTTE Mart, hệ thống này đang đàm phán với các nhà cung cấp để cố giữ giá cũ lâu nhất có thể. Còn theo đại diện MM Mega Market, giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển và chi phí bao bì. Ngoài ra, chi phí vận chuyển quốc tế cũng tăng do giá xăng dầu thế giới tăng và hoạt động kinh doanh nhộn nhịp trở lại sau các đợt dịch COVID-19. Giá nguyên vật liệu như bột mì và bơ tăng cũng sẽ tác động đến giá sản phẩm. Hiện MM Mega Market đang làm việc với nhà cung cấp để có mức giá hợp lý nhất có thể.
Giá hàng nhập tăng mạnh
Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh cho biết, các chi phí đầu vào đã tăng 20 - 50%, chi phí vận chuyển hàng từ nước ngoài về hiện cũng tăng gấp đôi so với cuối năm 2021. Các nhà cung cấp nước ngoài báo giá nguyên liệu bột, thịt bò nhập khẩu… tiếp tục tăng thêm nhưng lại không đủ lượng hàng cung ứng. Tình trạng hàng hóa khan hiếm càng khiến giá bị đẩy lên cao.
Bà Huỳnh Phương Trinh - Phó Tổng giám đốc Công ty Sản xuất bột Quốc tế - cho biết, giá bột mì tăng từ 600 USD/tấn lên 800 USD/tấn, đối tác thông báo đến tháng 5/2022 mới có hàng nhưng chỉ cung cấp khoảng 50% đơn hàng. Chưa kể, giá cước tàu tăng cao nhưng lại thiếu tàu chở hàng, thời gian hàng về đến Việt Nam cũng chậm từ 30 - 45 ngày so với trước đây. Tính ra, giá thành phẩm tăng bình quân hơn 20% nhưng công ty chưa dám tăng giá bán lẻ do sức mua còn thấp.
Giá thực phẩm, hàng thiết yếu tăng trong giai đoạn dịch bệnh tạo áp lực lớn với phần đông người tiêu dùng |
Ông Trần Huỳnh Huy - Giám đốc hệ thống Meet Shop chuyên nhập khẩu, kinh doanh thịt đông lạnh - cũng cho biết, giá các loại thịt bò Mỹ, Úc nhập về cũng đang tăng 25 - 30%, giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa tăng từ 25 - 30% và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thế nhưng, công ty không dám tăng giá sản phẩm theo mức tương ứng mà cân nhắc tăng khoảng 20 - 30% và hỗ trợ 50% chi phí giao hàng cho khách.
Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và TPHCM - cho biết, một số doanh nghiệp vận tải đang tính phương án tăng giá cước vận chuyển. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cước thường có độ trễ từ 15 - 30 ngày và mức tăng của giá cước vận tải tùy vào loại phương tiện, hiện xăng dầu chiếm từ 30 - 40% trong giá thành vận tải.
Người tiêu dùng nên làm gì?
Trước tình hình giá hàng hóa tăng liên tục, bà Hồ Lê Thảo Trinh - người sáng lập Lady Networking - tư vấn, người tiêu dùng, bà nội trợ nên lập kế hoạch chi tiêu chặt chẽ để tránh thâm hụt ngân sách. Tùy vào mức thu nhập mỗi gia đình, mức chi cho các khoản cần thiết mỗi ngày nên được để riêng vào một phong bì và khi chi tiêu hết số tiền này thì dừng lại, không được chi tiêu thêm. Kỷ luật như vậy mới quản lý được chi tiêu cho gia đình, phù hợp với thu nhập.
Theo bà Thảo Trinh, người nội trợ nên lên thực đơn trong tuần trước và có thể mua thực phẩm dùng được trong 3 - 7 ngày, ưu tiên dùng thực phẩm có thời hạn bảo quản ngắn trước, sản phẩm nào có thể bảo quản được lâu thì để dùng sau. Có thể tối ưu chi phí mua sắm bằng cách mua hàng qua các ứng dụng đi chợ có miễn phí giao hàng, khuyến mãi giá tốt và hàng hóa đảm bảo chất lượng.
Bà Thảo Trinh khuyên, người tiêu dùng nên tỉnh táo trước các hoạt động khuyến mãi, nhất là với hàng thời trang, chỉ nên mua khi cần và mua vừa đủ dùng. Ngay cả việc di chuyển, cũng cần tính toán chi phí xăng xe, tiền gửi xe để quyết định nên đi hay không, đi bằng xe máy hay ô tô. “Người tiêu dùng nên chia các khoản chi ra để dễ kiểm soát. Thông thường, 50% thu nhập dùng để chi các khoản cần thiết như điện, nước, thực phẩm, học phí, xăng, 30% dành cho các nhu cầu như du lịch, tiệc tùng, cà phê, 20% dành tiết kiệm, đầu tư. Tuy nhiên, do có nguy cơ lạm phát, đồng tiền bị mất giá nên khoản tiết kiệm, đầu tư nên chiếm khoảng 40% tổng thu nhập”.
Người tiêu dùng cũng nên “chia trứng ra nhiều rổ”, có thể dành một nửa số tiền tiết kiệm gửi ngân hàng, nửa còn lại mua vàng. Những người có thu nhập cao có thể đầu tư vào bất động sản, chứng khoán nếu có kiến thức, kinh nghiệm, được chuyên gia giỏi tư vấn.
Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.8497541a-gnud-ueit-iougn-ohc-neyuhk-iol-gnat-mahp-cuht-aoh-gnah-aig/nv.moc.enilnounuhp.www