Những ngày qua, nhiều bạn đọc mà đặc biệt là các bậc phụ huynh có những băn khoăn về bài học trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 sau vụ việc ông Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội), viết một thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, trong thư phản ánh sách Tiếng Việt 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" không dạy chữ "P" độc lập mà dạy chữ “P” khi nó kết hợp với “H” thành chữ “PH”.
Trong thư, ông Vịnh cho rằng sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chứ không phải chỉ dạy riêng cho học sinh người Kinh.
Sai sót này là không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng tới việc học tập của con em đồng bào các dân tộc, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm ảnh hưởng tới sự đoàn kết của các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.
Trao đổi với PLO, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên sách tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, cho biết: Chữ cái trong SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (trang 12, tập một). Đây là quy định “cứng”, không có bất kì bộ SGK nào dám thay đổi và không có lí do gì để thay đổi.
Ở nhiều bài học trong bộ sách này, học sinh được học và luyện viết chữ P qua ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,… (trang 78, 118, 120, 124,… tập một).
Ở tập hai, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ P không thể tính hết. Vì vậy, ý kiến cho Tiếng Việt 1, kết nối không dạy chữ P là hoàn toàn không có cơ sở. Vấn đề là dạy âm P (pờ) (được ghi bằng chữ P, chữ pê) như thế nào.
Trong tiếng Việt, âm P xuất hiện chủ yếu là cuối âm tiết; trong một số trường hợp, xuất hiện đầu âm tiết. Trước hết, xin nói về việc dạy âm P cuối âm tiết (hiện tượng phổ biến). Qua loạt bài dạy vần ở tập một như ap, ăp, âp (trang 118); op, ôp, ơp (trang 120); ep, êp, ip, up (trang 124),… và những từ như đã nêu ở trên (cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,…) thì có thể thấy rõ, SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối, có dạy âm P cuối và dạy nhiều.
Về việc dạy âm đầu P (pờ), tất cả các bộ sách Tiếng Việt 1 đều phải đạt được mục tiêu: Học xong lớp 1, học sinh có khả năng đọc được các từ như đèn pin, Sa Pa, Nậm Pì,… Tuy nhiên, các bộ sách có thể có những cách khác nhau.
Cách thứ nhất: dạy âm đầu P (âm pờ) trong bài dạy âm PH (âm phờ). Trước khi học âm PH, các em được luyện đọc âm P, chứ không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P.
Cách thứ hai: dạy âm P riêng và đưa những “từ ứng dụng” như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô để HS tập đọc và phát triển vốn từ.
Học sinh Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Nhiều bạn đọc đã có ý kiến về vấn đề này. Bạn đọc Đặng Phước Hải chia sẻ: “Những cải cách phải cho thấy được ý nghĩa và giá trị thực tiễn cùng mang lại lợi ích chung, tiến bộ. Nếu cải cách không tạo ra giá trị mới hoặc không cải thiện được kỹ năng thì việc cải cách không có ý nghĩa.
Các nước sử dụng chữ tượng hình đang cố gắng chuyển đổi qua bộ chữ La-tin, Việt Nam lại muốn lược bỏ là sao? Chữ P phát âm trong tiếng Việt cũng gần với âm P trong tiếng Anh và tiếng Pháp. Theo tôi thì cứ để dạy như trước đây, chả việc gì phải thay đổi vì việc thay đổi không mang lại ý nghĩa nào lại còn gây tốn kém”.
Bạn đọc Hạnh Trần nêu: “Nếu ai có con đang học lớp 1 hoặc hỏi cô giáo đang dạy bộ SGK này đều biết là có dạy và có học chữ P, Q trong bài ph, qu cả.
Thực tế, từ P. không phải không dạy mà chỉ là không tách thành bài riêng biệt thôi. Ngoài ra nhiều phụ âm có p hay p đứng trước như đèn pin, Sa Pa, Pleiku vẫn có trong SGK. Nếu không dạy P thì con các em không biết đánh vần kiểu gì. Theo tôi, tuy sách không tách riêng thành bài nhưng vẫn có dạy chữ P riêng”.
Cùng ý kiến với bạn đọc Hạnh Trần, bạn đọc Văn Hùng chia sẻ: “Tôi thấy con tôi đang học lớp 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, đến bài chữ Ph, cô vẫn dạy đọc, viết riêng P và PH. Hiện con tôi đã bước sang học kỳ 2 và đọc viết bình thường, không gặp vấn đề gì với chữ này cả. Nên tôi nghĩ quan trọng là cách dạy thôi”.
Tuy nhiên, một số bạn đọc không đồng ý với cách lý giải này. "Nếu không tách riêng chữ P ra thành chữ cái độc lập mà dạy ghép theo kiểu khi nào dạy chữ PH thì giáo viên sẽ dạy chữ P là tôi không đồng ý. Vì chữ P không được tách ra dạy thành chữ cái độc lập, đến khi có tiết dạy chữ PH, giáo viên nào có tâm thì dạy luôn chữ P, còn giáo viên khác lướt qua luôn không dạy chữ P thì làm sao? Ai sẽ giám sát chuyện đó? Tôi đề nghị cần tách chữ P ra thành chữ cái độc lập để dạy riêng cho con trẻ. Cái gì cần rút gọn thì rút gọn, nhưng có những cái cần thiết thì phải dạy cho đủ"- bạn đọc Tư Gò Công nêu.
Bạn đọc Mạnh Hoàng chia sẻ thêm: “Bộ sách tôi học ngày xưa thấy rất hợp lý, lại dễ hiểu, dễ học, không cần phải thay đổi gì nữa, để dành thời gian mà cải cách cái khác. Mỗi khi có thay đổi là lại ảnh hưởng biết bao nhiêu người, bao nhiêu tiền bạc. Thay đổi là tốt nếu thay đổi nó hợp lý, còn về tiếng Việt thì tôi thấy không cần thay đổi gì cả”.