Từ một dự án “rùa bò” chưa có doanh nghiệp nào hoạt động trên thực tế, nhưng bất ngờ, dự án Cụm công nghiệp (CCN) Đồng Tâm sau khi “thay ngựa giữa dòng” lại phình to hơn 3 lần.
Tỉ lệ lấp đầy trên... giấy
Năm 2018, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xây dựng HDT và UBND huyện Lạc Thủy đề xuất mở rộng CCN Đồng Tâm. Ngày 28.6.2019, ông Bùi Văn Khánh, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký Quyết định số 1360/QĐ – UBND về việc phê duyệt mở rộng CCN Đồng Tâm (QĐ 1360) thêm là 51,117 ha. Tổng mức vốn đầu tư tạm tính là 400 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện là 24 tháng sau khi dự án được phê duyệt.
Tại thời điểm mở rộng, còn nhiều nghi vấn về tiêu chí CCN lấp đầy ít nhất 60%; và tiêu chí hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật chung theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt… (theo Khoản 2, Điều 10, NĐ 68/2017/NĐ-CP về Quản lý, phát triển Cụm công nghiệp).
Theo tài liệu của cơ quan chức năng cung cấp, tại QĐ 1360 có xét đề nghị của Sở Công Thương theo Báo cáo thẩm định số 100/BC-SCT ngày 23.1.2019 (BC100).
Báo cáo 100 thẩm định: “CCN Đồng Tâm mở rộng trên cơ sở đánh giá nhu cầu cho thuê đất để đầu tư sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Hiện nay, tỉ lệ lấp đầy CCN Đồng Tâm đạt 83,71% đất công nghiệp, các công trình hạ tầng kỹ thuật chung đã cơ bản xây dựng hoàn thành theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; có quỹ đất liền kề để mở rộng CCN thuộc thôn Đồng Nội, thôn Đồng Thắng xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy.
Tuy nhiên, tại Công văn số 560/CV-QĐ&CCN ngày 8.12.2021 (CV560) của Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Lạc Thủy về việc cung cấp thông tin liên quan đến mở rộng CCN Đồng Tâm cho Báo Lao Động lại cho biết, mới chỉ giải phóng mặt bằng được 30,39 ha.
Trong đó, Phương án thu hồi phê duyệt theo Quyết định số 2963/QĐ-UBND ngày 26.10.2006 về việc thu hồi đất giao cho UBND huyện để xây dựng CCN Đồng Tâm (Diện tích CCN khi chưa được điểu chỉnh mở rộng là 13,33 ha).
Như vậy, đến tận cuối năm 2021, dự án CCN Đồng Tâm mới giải phóng mặt bằng được khoảng 58% (13,33ha/22,85ha) phần diện tích trước mở rộng.
Vậy nhưng, trong Báo cáo thẩm định của Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình và quyết định mở rộng cụm công nghiệp năm 2019 đều khẳng định tỉ lệ lấp đầy của dự án đã lên tới 83,71%.
Một dự án mà phần giải phóng mặt bằng mới đạt 58% nhưng lại có tỉ lệ lấp đầy lên tới 83,71% là điều hết sức phi lý.
Thực trạng khác xa báo cáo
Thêm một vấn đề cần làm rõ là tại BC 100, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình thẩm định: Các công trình hạ tầng kỹ thuật chung đã cơ bản xây dựng hoàn thành theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Thế nhưng, câu trả lời từ Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Lạc Thủy tại Công văn 560, đối với tổng diện tích toàn cụm, doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng; đối với diện tích trong trong các dự án thứ cấp, nhà đầu tư hạ tầng đang thực hiện hỗ trợ hỗ trợ san lấp mặt bằng.
Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Lạc Thủy cũng cho biết, hiện có 5 dự án được UBND tỉnh Hòa Bình quyết định chủ trương đầu tư.
Đó là: Dự án Nhà máy sán xuất ván ép và cốp pha gỗ do Công ty TNHH Gỗ ván ép Hoài Nam Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy bao bì nhựa Thái Hưng do Công ty nhựa Thái Hưng là chủ đầu tư; Dự án Phát triển Khu liên hợp sản xuất may mặc, sữa bột và tiêu dùng do Công ty TNHH Thời trang K&G là chủ đầu tư; Dự án Nhà máy sản xuất sản xuất bột kết dính thủy hóa vô cơ HRB do Công ty TNHH Phú Thiện Phát làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy sản xuất vật tư ngành mộc, ngành cơ khí do Công ty SX&TM Tân Thành Công làm chủ đầu tư.
Như Lao Động đã thông tin trước đó, theo giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hòa Bình thì hầu hết các dự án này đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Thế nhưng, tại thời điểm ghi nhận thực tế thì việc san gạt mặt bằng còn chưa xong, đừng nói đến bóng dáng của bất cứ một nhà máy nào trong cụm công nghiệp.
Như vậy, hầu hết các dự án mới chỉ xuất hiện trên giấy và đều chậm tiến độ so với kế hoạch. Câu hỏi về tính khả thi, tính hợp pháp khi mở rộng dự án Cụm công nghiệp Đồng Tâm vẫn chưa có lời giải.
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và lãnh đạo Bộ Công Thương khi ký quyết định chấp thuận mở rộng dự án Cụm công nghiệp Đồng Tâm có biết thực trạng khác xa so với báo cáo trên?