Trong bối cảnh giá dầu thế giới vượt 100USD/thùng và được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới, thì giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều chỉnh tới cũng sẽ "phi mã".
Giá xăng dầu được dự báo tiếp tục tăng
Giá dầu Brent Biển Bắc đã ghi nhận các mức cao chưa từng thấy trong gần 8 năm qua trong phiên 24.2, khi những lo ngại lâu nay về khả năng xung đột quân sự liên quan tới Nga và Ukraine đã trở thành sự thực.
Giá dầu Brent đã có thời điểm chạm mức 101,34 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch hôm nay trên thị trường Châu Á. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9.2014, trước khi giá dầu Brent giảm nhẹ xuống còn 101,20 USD/thùng vào lúc 11 giờ 23 theo giờ Việt Nam, tăng 4,36 US, hay 4,5% so với phiên trước.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 4,22 USD, hay 4,6%, lên 96,32 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên đến 96,51 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8.2014.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, do giá dầu thế giới tăng cao, cho nên giá xăng dầu trong nước được dự báo tiếp tục tăng cao trong kỳ điều chỉnh tới (3.3).
Trao đổi với Lao Động, ông M - một thương nhân phân phối xăng dầu cho hay, kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 3.3, giá xăng sẽ tiếp tục tăng mạnh từ 600-700 đồng mỗi lít. Dự kiến giá cơ sở đối với xăng RON 95 tăng 700 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng/lít, dầu DO tăng 500 đồng/lít.
Cũng theo ông M, đến thời điểm hiện tại, ngoài khó khăn về nguồn hàng nhập, các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng gặp thế khó khác là mức chiết khấu đã về 0 đồng với tất cả mặt hàng xăng, dầu.
"Hiện tại, mức chiết khấu đối với xăng RON 95 và E5 RON 92 là 150 đồng/lít. Tuy nhiên, xăng dầu không tự nhiên chảy về cửa hàng, chúng tôi phải mất rất nhiều chi phí cho vận chuyển và vẫn phải bù lỗ để kinh doanh", ông M nói.
Cách nào đảm bảo nguồn cung?
Nói về lý do giá dầu thế giới tăng cao, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, do nhu cầu xăng dầu tăng mạnh khi biến chủng COVID-19 mới được đánh giá không gây trở lại lớn đối với nhu cầu nhiên liệu như lo ngại ban đầu; vận tải hàng không được hoạt động trở lại làm gia tăng nhu cầu nhiên liệu bay, nhu cầu dầu sưởi tăng trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao.
Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraina đã làm tăng mạnh giá khí đốt và ảnh hưởng gián tiếp đến giá dầu. Căng thẳng chính trị tại các nước sản xuất dầu lớn như Kazakhstan, Libya, Ả rập Xê út và Iran cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn cung dầu cho thị trường và đẩy giá dầu tăng.
Để bảo đảm nguồn cung trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định giao 10 công ty đầu mối nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu các loại trong quý 2.2022.
Các doanh nghiệp được giao tăng sản lượng nhập khẩu xăng dầu phải thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn sản lượng xăng dầu giao bổ sung. Đồng thời phải chứng minh được hoạt động xuất, nhập khẩu bằng các hóa đơn, chứng từ xuất, nhập xăng dầu trong mỗi tháng, báo cáo về Bộ Công Thương tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 20 hàng tháng.
Theo Bộ Công Thương, lượng nhập khẩu tăng thêm này để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục vụ kinh tế đất nước.
Trong danh sách các doanh nghiệp được phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm gồm có 10 công ty. Bao gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty TNHH Thủy bộ Hải Hà; Công ty TNHH Hải Linh; Công y CP đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty Xuyên Việt Oil; Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ; Công ty Dầu khí Đồng Tháp; Công ty Thiên Minh Đức; Công ty CP Hóa dầu Quân đội.
Trong tổng sản lượng nhập khẩu tăng thêm là 2,4 triệu m3, trong đó lượng xăng nhập khẩu là 840.000m3 và dầu là 1,56 triệu m3. Doanh nghiệp được giao nhập nhiều nhất là Petrolimex với hơn 1 triệu m3, tiếp đến là PVOil với gần 489.000m3.